(TBKTSG Online) – Giới chức y tế Philippines ngày 4-8 thông báo phát hiện bảy trường hợp nghi nhiễm Ebola đầu tiên từ bảy công nhân trở về từ Sierra Leone. Đồng thời, hàng loạt nước trên thế giới công bố những biện pháp đối phó khẩn cấp trước tình hình dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi.
Ebola, một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất thế giới do tỷ lệ tử vong cao và y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng ngừa, xuất hiện trở lại vào tháng 3-2014 tại Guinea, Tây Phi, sau đó nhanh chóng lây lan tới ba nước Tây Phi khác là Sierra Leone, Liberia và Nigeria.
Đợt bùng phát dịch Ebola lần này được xem là tồi tệ nhất trong 40 năm qua kể từ khi trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện năm 1976 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Đến nay, hơn 1.300 người bị nghi nhiễm virus Ebola trên toàn thế giới, 729 người trong số đó đã chết.
Tại cuộc họp khẩn với lãnh đạo bốn nước Tây Phi Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria ở Guinea cuối tuần qua, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch Ebola đã vượt khỏi tầm kiểm soát tại Tây Phi, khu vực này cần thêm nguồn lực và hỗ trợ khẩn cấp để đối phó với dịch bệnh.
Lãnh đạo bốn nước Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria cũng nhất trí thực hiện các biện pháp mạnh hơn để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra ngoài khu vực, trong đó có việc cách ly hoàn toàn những khu vực “ổ dịch”. Đồng thời, lãnh đạo bốn nước nói trên cũng công bố lệnh cấm ra nước ngoài với tất cả công dân có triệu chứng nhiễm virus Ebola và cam kết triển khai những biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại sân bay quốc tế của các nước này.
Hiện, các nước khác tại châu Phi đang cảnh giác cao độ và triển khai mọi biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tới các nước này.
Giới chức Kenya đã triển khai máy quét tại các sân bay để kiểm tra sức khỏe của tất cả hành khách đến từ Tây Phi. Kenya là quốc gia ở Đông Phi, ít có khả năng chịu ảnh hưởng từ dịch Ebola. Tuy nhiên, giới chức nước này khẳng định những biện pháp trên không thừa khi Kenya là một trong những “trung tâm trung chuyển” của khu vực. Mỗi tuần, Kenya đón khoảng 40 chuyến bay đến và đi từ các nước Tây Phi.
Cuối tuần qua, các máy quét kiểm tra sức khỏe cũng được đưa tới sân bay tại thủ đô Lome, Togo. Sân bay này đón khoảng 700 hành khách đến và đi từ nhiều khu vực khác nhau mỗi ngày. Trước đó, một hành khách nhiễm Ebola bay từ Liberia tới Nigeria đã quá cảnh tại sân bay Lome. Hành khách này sau đó đã tử vong tại Nigeria. Hãng hàng không Asky của Togo đã hủy các chuyến bay tới Sierra Leone và Liberia sau trường hợp nêu trên.
Mới đây, Các tiểu vương quốc Ả-rập cũng ngưng mọi chiến bay tới Guinea.
Ủy ban y tế và kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc cũng công bố các biện pháp đối phó khẩn cấp với dịch Ebola và yêu cầu cơ quan y tế các cấp phải thông báo trong vòng 2 giờ khi phát hiện trường hợp nhiễm virus Ebola.
Ngày 4-8, chính phủ Mỹ thông báo kế hoạch cử ít nhất 50 chuyên gia y tế đến Tây Phi nhằm giúp khu vực này ngăn chặn dịch Ebola có nguy cơ lan rộng ra nhiều nước.
Trong một diện biến liên quan, một bác sĩ người Mỹ bị nhiễm virus Ebola ở Tây Phi đã được đưa về Mỹ điều trị và sức khỏe đang tiến triển tốt. Một công dân khác của Mỹ bị nhiễm virus Ebola ở Tây Phi cũng sẽ sớm được đưa về Mỹ điều trị.
No comments:
Post a Comment