Sunday, February 23, 2014

Xót xa khi nông sản thành..thức ăn cho bò!

SM- 23/02/2014      -Cả vụ mất công chăm bón nhưng nông dân nhiều vùng lại đang phải thu về trái đắng khi rau củ, hoa lay ơn họ trồng rớt giá thê thảm, thậm chí chẳng thể bán được đành mang cho bò ăn hay để làm… phân xanh bón ruộng.


Cải thảo chất đống, hư hỏng chỉ để cho bò ăn hoặc sẽ làm phân xanh bón ruộng. ảnh: Thanh Niên.
Trong khi giá rau củ tại các chợ đang khá ổn định, thậm chí tại miền Bắc vài ngày qua do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại kèm sương muối đã khiến giá rau củ tăng mạnh thì tại nhiều vùng trồng rau của Đà Lạt giá bán rau đang rẻ như bèo, người trồng đã phải mang cà rốt, cà chua, xà lách, cải thảo, su su... làm thức ăn cho bò do giá quá thấp. Thậm chí, vì ăn nhiều quá đến mức bò cũng… ngán rau củ.
 
Anh Huỳnh Ân, thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, cho biết trước Tết gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng trồng 1,5ha cà chua, cà rốt, hi vọng sẽ bán được giá dịp giáp và sau Tết. Thế nhưng, giáp Tết chỉ mới thu hoạch, bán cho các thương lái được 1/4 với giá dao động 8.000 đồng/kg cà chua, 12.000-15.000 đồng/kg cà rốt. Sau Tết, giá tiếp tục rớt thảm hại khi thương lái mua 500 đồng/kg cà chua loại đẹp nhất và 1.500-3.000 đồng/kg cà rốt.
 
Theo anh Ân thì tại xã Hiệp Thạnh có khá nhiều hộ dân đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn như gia đình anh. Rau củ trồng ra mà tiền bán chẳng bù được công thu hái, chăm bón nên người trồng cũng chẳng mặn mà, đành hái dần về cho trâu bò ăn.
 
Tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh nhiều ruộng cà chua chín không có người thu hoạch rụng đầy gốc, xà lách cũng bị cắt nham nhở. Bà Lụa, nông dân trồng rau chua xót cho biết trâu bò ở đây ăn đến ngán cà chua, cà rốt, xà lách rồi. Bò nhà ngán quá thì đem cho nhà hàng xóm, người quen. Thậm chí rau cho bò ăn không hết nhiều hộ đã phải để làm… phân xanh bón ruộng.
 
Ông Phạm Đình Thông, chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh, cho biết trên địa bàn toàn xã hiện có hơn 1.000ha rau củ các loại. Ngoài cà rốt, cà chua còn bán được với giá rất thấp thì phần lớn rau củ khác đang bị nhà vườn phá bỏ, chưa thể thống kê được.
 
Trao đổi về vấn đề này ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho rằng đây chỉ là diện tích nhỏ so với 40.000 ha rau hiện có tại Lâm Đồng. Theo ông Sơn thì người dân không thể tiêu thụ hay nông sản mất giá là do chỉ sản xuất riêng lẻ chứ không tham gia vào chuỗi liên kết giữa nhà phân phối - nhà cung ứng - nhà nông.
 
Thực tế, hiện giá mua nông sản ghi nhận tại các nhà cung ứng rau củ lớn ở Đà Lạt vẫn ổn định, một số chủng loại có phần tăng nhẹ.  Việc người nông dân không muốn tham gia vào chuỗi liên kết do phải chấp nhận nhiều quy định về chất lượng sản phẩm, quy trình chăm sóc và giá cả sản phẩm. Tham vào chuỗi liên kết này có thể giúp đảm bảo đầu ra và giá thành sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên, vì không muốn thay đổi cách thức làm ăn nên nhiều hộ vẫn không đồng ý tham gia. Vì thế, hiện nay chỉ khoảng 10% diện tích đất nông nghiệp thuộc những nông dân có liên kết sản xuất.
 
Hoa lay ơn thành thức ăn cho bò. Ảnh: VnExpress
 
Trước đó, nhiều diện tích hoa lay ơn của nông dân tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng không nở đúng vào dịp cuối năm nên không bán được. Người trồng cũng chỉ còn cách cắt hoa về làm thức ăn cho bò. Nhiều diện tích hoa lay ơn tốn công chăm bón cũng chỉ có thể trở thành thức ăn giúp tăng thêm chất xanh trong mùa khô hạn cho gia súc.
 
Vấn đề đầu ra sản phẩm cho người nông dân đã được nhắc đến từ  nhiều năm nay, tuy nhiên chưa có một phương án thực sự cụ thể và hiệu quả, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn thường xuyên diễn ra. Vì thế, mới ngay những ngày đầu năm Ngọ, người chăn nuôi thì kêu khóc vì bị ép giá trứng và gia cầm do dịch cúm, còn nông dân đổ bỏ rau xanh… Cứ cái đà này, không hiểu Việt Nam sẽ còn bao nhiêu người yêu cái nghề ruộng vườn nữa, để rồi chỉ còn một đường sống là đổ ra thành phố, lúc ấy cái vị lãnh đạo tính sao?
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment