Sunday, February 23, 2014

Gạo Việt thua kém Campuchia: Vì lợi ích nhóm!

ĐẤT VIỆT- 23/02/2014     -Ông Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách phát triển, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) cho biết, cách đây 2 năm Viện đã dự báo Campuchia sẽ là một trong những đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong việc xuất khẩu gạo.

Đa dạng hóa có kịp?
Trước thông tin Campuchia sẽ tấn công thị trường gạo Mỹ và Hàn Quốc trong khi thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, một vài nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước Châu Phi, ông Thắng cho biết, hiện thị trường Hàn Quốc vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo và Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Hàn Quốc nên việc Hàn Quốc nhập từ Campuchia thì không ngạc nhiên.

"Thông tin Campuchia nói chắc chắn sẽ xuất khẩu gạo sang Mỹ khiến tôi hơi ngạc nhiên vì thị trường Mỹ rất khó tính và để vào không hề dễ dàng. Campuchia sẽ lên kế hoạch đánh vào thị trương trong bao lâu? Không biết vào thị trường Mỹ, loại gạo nào của họ sẽ vào vì Thái Lan là nước xuất khẩu sang Mỹ tương đối tốt và là thị phần Thái Lan rất lớn", ông Thắng đặt câu hỏi.

Theo số liệu thống kê công bố ngày 17/1/2014 của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong cả năm 2013 đạt hơn 2,15 triệu tấn (bao gồm cả xuất khẩu qua ​các cửa khẩu đường bộ phía Bắc) chiếm hơn 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013.

Gạo Việt thua kém Campuchia đã được dự báo từ 2 năm trước
Gạo Việt thua kém Campuchia đã được dự báo từ 2 năm trước
Trong khi đó tính đến hết tháng 11/2013, các thị trường như Malaysia, Philippines và Indonesia lại giảm mạnh. Cụ thể thị trường Indonesia đã giảm 81,42% về khối lượng và giảm 78,12% về giá trị, thị trường Philippines giảm 67% về khối lượng và giảm 65,71% về giá trị, thị trường Malaysia giảm 39,05% về khối lượng và giảm 42,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.

Sang tháng 1/2014, Philippines lại là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam theo hợp đồng cấp Chính phủ mà hai nước đã ký hai tháng trước đó.

Hầu hết các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam đều sụt giảm cả về lượng và kim ngạch so với tháng cuối năm 2013.

Các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và châu Phi đều giảm mạnh, bên cạnh các thị trường như Bờ biển Ngà, Angola, Hà Lan, Tây Ban Nha…cũng sụt giảm cả về lượng và kim ngạch.

Ông Trần Công Thắng cho biết, với một số thị trường truyền thống đang bị thu hẹp thì việc đa dạng hóa thị trường là điều tất yếu. Mấy năm gần đây mình có thị trường Trung Quốc nhập khẩu tốt và đây là những cái có thể giúp Việt Nam duy trì lượng xuất khẩu như hiện nay còn với các nước như Philippines, Indonesia thì đã giảm hẳn rồi còn dần dần mình đang mở rộng ra thị trường Châu Phi. Đây là điều nên làm tất nhiên thị trường nào có thể vào họ sẽ cố gắng tìm kiếm.

Lợi ích nhóm thao túng chính sách xuất khẩu gạo 

Trước thực tế, đối với thị trường cấp thấp, Việt Nam không cạnh tranh được về giá, với thị trường cao cấp gạo Việt Nam không thể cạnh tranh được về chất lượng và không thể xâm nhập được vào nhiều thị trường, ông Trần Công Thắng cho biết, chúng ta bắt buộc phải có sự thay đổi về chính sách như phát triển sang thị trường mới hoặc chuyển đổi cơ cấu, không thể dựa vào xuất khẩu.

"Mình có thể làm chuyển đổi sản xuất giảm số lượng, tăng chất lượng hay làm các chiến lược thương hiệu, quảng cáo để làm sao tăng uy tín, thị phần của Việt Nam", ông Thắng nói.

Trong báo cáo "Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao?" do ông Trần Công Thắng làm trưởng nhóm nghiên cứu được công bố vào hồi tháng 10/2013, ông đã từng chỉ ra rằng, Nhà nước tập trung khá nhiều ưu tiên cho sản xuất lúa và hỗ trợ nông dân trồng lúa. Những chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại góp phần rất lớn cho tăng trưởng của ngành và giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhìn nhận, chính sách lúa gạo vẫn tồn tại một số vấn đề cần xem xét, đặc biệt là những chính sách can thiệp đến xuất khẩu và điều tiết thị trường.

Ông Thắng chỉ rõ, quy định về giá lúa định hướng không đảm bảo lợi ích của nông dân. Bởi giá định hướng quy định cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp thường không thu mua trực tiếp từ nông dân mà mua qua thương lái.

Các doanh nghiệp nhà nước; Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) có vai trò quá lớn điều hành xuất khẩu gạo, chưa có sự tham gia của người trồng lúa vào việc ban hành các chính sách xuất khẩu gạo.
Trao đổi với báo Đất Việt, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp từng cho chất lượng gạo Việt thua kém gạo Thái Lan do chưa có doanh nghiệp nào nuôi nấng vùng nguyên liệu như Thái Lan.
Phần lớn gạo thương lái sẽ trộn nhiều loại lúa vào với nhau. Rất khó kiếm loại gạo tốt do cung cách làm ăn qua thương lái là cách làm chụp giật nên mình phải chịu thiệt thòi.

TS Võ Tòng Xuân cũng chỉ ra rằng, trong khi Chính phủ Thái đành chịu lỗ và để nông dân được lời. Việt Nam chính phủ lại không quan tâm và hoàn toàn để Tổng công ty Lương thực và Hiệp hội Lương thực Việt Nam thao túng.

Tâm An

No comments:

Post a Comment