ĐẤT VIỆT- 23/02/2014 -Hiện nay, nhiều công trình cầu đường của đồng bằng sông Cửu Long thiếu hồ sơ tính lún hoặc tính lún không phù hợp, độ lún thực tế có khi gấp 10 lần (1.000%) so với hồ sơ tư vấn thiết kế.
Mới xây dựng đường đã sụt lún
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ GTVT, nhiều sai sót trong công tác thiết kế và phê duyệt dự án xây dựng công trình cầu đường ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể là thiếu hồ sơ tính toán độ lún, tính lún không phù hợp nên đưa ra phương án xử lý lún không triệt để. Điều này dẫn đến tình trạng giữa độ lún thực tế tăng đến 1.000% (gấp 10 lần) so với độ lún của tư vấn thiết kế.
Trong đó sai sót nhiều nhất là tính toán độ lún ở đường đầu cầu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hư hỏng bê tông nhựa nóng đối với các dự án giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời gây lãng phí và ảnh hưởng đến dư luận xã hội, cũng là nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Các công nhân đang thi công bù lún đường cao tốc Trung Lương, TP.HCM
|
Thanh tra Bộ GTVT cho biết, qua thanh tra các công trình bộ đã xử lý cấm các doanh nghiệp tham gia đấu thầu trong năm 2013 các công trình do bộ quản lý gồm Công ty COMA 3, Công ty cổ phần bêtông 620 Châu Thới.
Đồng thời Bộ cũng không xem xét chỉ định thầu đối với Công ty Thành An 110 và Công ty cổ phần xây dựng Vinashin.
Trước đó, dù đã khắc phục, xử lý nhiều lần, song bề mặt đường Mai Chí Thọ, tuyến đại lộ được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng hiện đang tiếp tục sụt lún nặng.
Vào tháng 8/2010 tuyến đường này chính thức được đưa vào sử dụng, thế nhưng chỉ vài tháng sau đó, tuyến đại lộ nghìn tỷ này đã xuất hiện tình trạng lún, nứt tại 1 số vị trí; đặc biệt là tình trạng lún mặt đường.
Trong khi đó, Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch, ĐBQH đoàn Hà Nội đã nêu ví dụ minh họa khi góp ý cho Luật Đầu tư công chiều 18/11: "Làm đường cao tốc Việt Nam chi phí đến 12 triệu USD/km, trong khi Trung Quốc làm chỉ có 5 triệu USD/km, còn Mỹ thì chỉ mất 4,5 triệu USD/km. Đưa ra ví dụ so sánh này cho thấy đầu tư công ở Việt Nam lãng phí và thất thoát như thế nào nhưng lại chưa quy định rõ cấp nào sẽ chịu trách nhiệm”.
Trước đó, đã rất nhiều lần Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã nhắc đến chuyện bớt xén vật liệu, chất lượng công trình kém. Ngày 19/8, tại cuộc họp về tình trạng trồi lún theo vệt bánh xe đang xảy ra trên nhiều mặt tuyến đường, mặt cầu, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo: “Truy trách nhiệm đến cùng, ai sai phải chịu”.
Theo ông Thăng, thời gian qua một số dự án, công trình đã có sự buông lỏng quản lý dẫn đến chất lượng công trình kém. Vì vậy, Bộ GTVT sẽ truy đến cùng trách nhiệm, lỗi do ai, đơn vị nào thì người đó phải bị xử lý, thậm chí cách chức, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra.
Chất lượng công trình không bảo đảm trước hết chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm. Thứ hai là tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát rồi mới đến nhà thầu.
Ngày 21/11, Bộ trưởng Thăng đã có văn bản đề nghị 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa phối hợp xử lý các chủ thể liên quan để chấn chỉnh chất lượng xây dựng các công trình giao thông. Danh sách các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp thực hiện dự án này đều được Bộ GTVT chỉ đích danh.
Nguyên nhân khiến hàng loạt cá nhân, tập thể bị Bộ GTVT yêu cầu xử lý, kiểm điểm trách nhiệm là những vết hằn, lún bánh xe xuất hiện trên những đoạn đường mới được làm xong.
Cụ thể, kết quả cho thấy nhiều sai sót như nhiều vị trí thiếu chiều dày kết cấu; thành phần hạt, độ chặt, độ rỗng dư không đảm bảo; hàm lượng nhựa không đạt yêu cầu theo công thức phối trộn.
Phí chồng phí, dân vẫn tự vá đường
Mặc dù, năm 2013, dự kiến Quỹ BTĐB Trung ương sẽ đạt trên 6.400 tỷ đồng, số tiền được chi theo kế hoạch của Quỹ là 4.100 tỷ đồng.
Hiện nay, với 8 loại phí hiện hành và 2 loại sắp áp dụng, gánh nặng với người dùng ôtô quá lớn. Trong khi đó, xe máy cũng chịu không ít loạt thuế phí vào quỹ bảo trì đường bộ. Theo tính toán của ông Hùng giá ôtô tại Việt Nam hiện cao gấp 3 lần, phần nhiều là do thuế và phí.
Mặc dù, báo cáo của các quỹ địa phương cho biết, số kinh phí này phân bổ cho các dự án sửa chữa hư hỏng cục bộ của 201 tuyến đường trọng yếu của các tỉnh và các dự án đều sẽ hoàn thành trong năm 2013. Thế nhưng cho đến nay, các đoạn đường hỏng vẫn đang tồn tại, gây ảnh hưởng đến tình trạng giao thông.
Nhiều đoạn đường bị hỏng
|
Trong khi đó, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, chỉ trong một tuần đầu tháng 6/2013, cả nước đã xảy ra 339 vụ tai nạn giao thông làm 151 người chết, 232 người bị thương.
Chính vì thế, nên người dân vẫn phải tự đi sửa đường, vá đường như ông Nguyễn Văn Bảy ở xứ cù lao thuộc ấp Long Bình (xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Ông Nguyễn Văn Bảy dù tuổi gần 70, không còn đảm đương nổi việc đồng áng. Thế nhưng, hàng ngày, ông kéo xe đẩy tới những công trình xây dựng đang sửa chữa để xin mớ xà bần mang về đập nhỏ, đem đi vá những “ổ gà” của mặt đường, những vũng nước đọng để không gây trở ngại cho xe hai bánh đi lại.
Thái Linh
No comments:
Post a Comment