23/02/2014 - 13:11
Khoảng 5 tháng nay một đàn voi rừng xuất hiện tại khu vực núi Mun, thôn 5 xã Trà Đốc huyện Bắc Trà My và thường xuyên tàn phá hoa màu của người dân khiến nhiều hộ chịu đói do hoa màu đã mất hết. Rất may, hiện đàn voi không tiến vào làng nên chưa có thiệt hại về người hay nhà cửa, tài sản.
Theo nhiều người dân địa phương có biết đàn voi rừng gồm ba con xuất hiện hồi đầu tháng 8/2013, tại khu rừng già Núi Mun, giáp ranh với xã Tiên Lãnh huyện Tiên Phước. Sau đó đàn voi băng qua Sông Tranh và tiến đến khu vực rẫy của người dân làng kiếm ăn. Đến nay đã 5 tháng xuất hiện nhưng đàn voi vẫn chưa bỏ đi mà còn quanh quẩn tại khu vực này.
Hơn chục hộ dân tại làng Khe Dưng có cây cối, hoa màu trên rẫy và các khu nà ven Sông Tranh và suối Khe Dưng đều bị voi giẫm đạp, phá nát. Trong đó có 11 hộ bị thiệt hại nặng. Riêng hộ ông Hồ Văn Nhựt, gia đình có ba con nhỏ, từ đầu năm 2014 đến nay bị thiếu gạo ăn vì toàn bộ diện tích lúa rẫy vụ vừa rồi bị voi phá sạch không thu hoạch được.
Đặc biệt, nhiều diện tích rẫy của dân tại dây chỉ cách làng khoảng 500m, voi đến giẫm phá, sợ voi tiến vào làng, dân làng đã nhiều lần tổ chức xua đuổi bằng cách la hét, dùng tiếng động lớn và lửa nhưng những con voi này vẫn không sợ hay bỏ đi. Rất may là đàn voi đã không tiến vào làng nên chưa có thiệt hại về nhà cửa và người.
Theo già làng của làng Tà Dưng, do sợ voi nên thời gian tới hàng chục hecta nương, rẫy ở khu vực khu vực vẹn Sông Tranh và ven suối Khe Dưng sẽ phải bỏ hoang.
Thêm đó, người dân khu vực cho biết còn nghe thấy tiếng voi con nên có lẽ voi cái trong đàn đã sinh nở. Bởi vậy đàn voi có thể hung dữ hơn trước để bảo vệ voi con và sẽ còn bám trụ ở khu vực này lâu dài để kiếm ăn.
Hiện tại Chính quyền xã Trà Đốc mới chỉ đưa ra những biện pháp tạm thời như bà con không làm rẫy, tránh xa đàn voi và hỗ trợ 11 hộ bị thiệt hại 50kg gạo. Tuy nhiên nếu để tình trạng này lâu dài thì cả bà con trong làng Tà Dưng lẫn đàn voi đều không đảm bảo an toàn.
Tại nhiều địa phương, khi bị voi quấy phá việc tổ chức đi săn hay bỏ thuốc cho voi chết cũng không hiếm. Thêm đó, khi thông tin về đàn voi xuất hiện tại khu vực núi Mun lan rộng thì cũng không ít thợ săn tìm đến đây để kiếm ngà voi.
Hiện nay, môi trường sống của loài voi đang bị tàn phá và xâm chiếm nặng nề bởi các công trình thủy điện. Riêng ở khu vực sông Tranh, rừng gần như bị cạo trọc để phục vụ thủy điện và lập các khu tái định cư. UBND tỉnh Quảng Nam ước tính bình quân mỗi dự án thủy điện “ngốn” hơn 1.560 ha rừng. Ít nhất 400 ha rừng đang nằm chờ chủ đầu tư Sông Tranh 2 thực hiện trồng rừng thay thế. Song với thời gian thực hiện 9 năm thì những chú voi buộc phải lang thang thêm chục năm nữa. Trong khi đó, công trình Sông Tranh 4 đã “ủi” rừng từ năm 2010 lại đang bị treo từ tháng 4/2012 sau sự cố ở Sông Tranh 2 khiến cho đất mảnh đất đã trơ trọi lại càng thêm hoang tàn, khi dự án không bị thu hồi và người dân không có chỗ trồng rừng, làm nông, càng không nói đến nơi ở cho những chú voi. Khi không còn nơi sinh sống, những con voi bản tính hiền lành cũng trở nên hung dữ và đe dọa lại con người để sinh tồn.
Vĩ Thanh
Theo báo Quảng Nam
No comments:
Post a Comment