Sunday, February 23, 2014

Ế ẩm là thực trạng phổ biến ở khắp Việt Nam

SÀI GÒN (NV) .- Các cửa hàng, siêu thị tại Việt Nam tiếp tục thực hiện hàng loạt chương trình khuyến mãi rầm rộ nhưng mãi lực vẫn thấp ngoài sự ước lượng của mọi người.


Một hàng bún ốc trên lề đường trung tâm thành phố Hà Nội vắng khách, một trong những dấu hiệu của ế ẩm bất thường đủ mọi mặt. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)


Tình trạng này không mới, đã kéo dài một vài năm nhưng càng ngày ế ẩm càng nghiêm trọng và khiến doanh giới lẫn các chuyên gia kinh tế bi quan về tương lai kinh tế Việt Nam.  

Báo chí Việt Nam đã có nhiều bài viết về tình trạng ế ẩm xảy ra khắp nơi, trong mọi lĩnh vực, theo đó, ngay cả những hệ thống siêu thị lớn, vốn rất đông đúc như Co.opmart, Big C, Metro, Fivi Mart, Ocean Mart,… gần như không nghỉ Tết và dù đã hạ giá bán, thậm chí đến 49% nhưng doanh số vẫn rất thấp. Giới điều hành các siêu thị tiết lộ, mãi lực liên tục sụt giảm, ngay cả trong dịp Tết vừa qua.

Cũng theo báo chí Việt Nam, chẳng riêng siêu thị, hệ thống các chợ chuyên mua bán thực phẩm cũng ế ẩm. Giá thực phẩm không những không tăng, nhiều loại còn giảm giá nhưng vẫn rất ít người mua. Câu cửa miệng mà nhiều người thường sử dụng để giải thích cho thực trạng này là dân đã cạn tiền!

Các chuyên gia kinh tế tiếp tục cảnh báo, nếu mãi lực tiếp tục suy giảm, hàng hóa ế ẩm thì sản xuất sẽ đình đốn, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phá sản, thêm nhiều người thất nghiệp và nền kinh tế tiếp tục lao xuống dốc. 

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy tình hình hết sức đáng ngại. Thông thường, nhu cầu mua sắm của tháng giáp Tết âm lịch luôn cao nhất trong năm nhưng tháng 1 vừa qua, chỉ số giá (CPI) chỉ tăng 0.69% so với tháng 12 năm ngoái. Đó là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua. CPI tăng như thế trong tháng giáp Tết là dấu hiệu cho thấy mãi lực của nền kinh tế còn thấp. Ông Kiêm dẫn một số liệu khác do Bộ Công Thương của nhà cầm quyền Hà Nội, theo đó, lượng hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đầu năm 2014 tăng 9.7% so với cùng kỳ năm 2013 để chứng minh khó khăn sẽ còn kéo dài.

Theo báo điện tử VietNamNet, hàng loạt doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng tiêu dùng để cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội, kể rằng, dịp Tết vừa qua, hệ thống  siêu thị nợ họ rất nhiều và dù “đòi gắt gao” vẫn không được thanh toán. Những doanh nghiệp này cho biết đã cạn vốn.

Âu lo về tương lai vẫn là cảm nhận của đa số dân chúng Việt Nam. Hồi hạ tuần tháng 12 năm ngoái, kết quả khảo sát cảm nhận của dân chúng tại Hà Nội về kinh tế Việt Nam trong năm 2013, cho thấy, đa số nhận định, kinh tế năm vừa qua hết sức tồi tệ.

Quần áo bán rất rẻ nhưng vẫn vắng bóng khách mua tại một cửa tiệm ở Sài Gòn. (Hình: Duy Thức/Người Việt)

Cuộc khảo sát này do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện. Theo đó, khi được hỏi về tình hình kinh tế của 6 tháng đầu năm 2013, chỉ có 3% dân Hà Nội cho rằng “tốt”. Khi được hỏi về tình hình kinh tế của 6 tháng cuối năm 2013, tuy có 41.7% dân chúng cho rằng “có khá hơn 6 tháng đầu năm 2013”, song nhìn chung, đa số dân chúng Hà Nội vẫn hết sức bi quan về tương lai.

Lý do khiến dân chúng Hà Nội bi quan về tương lai được lý giải là do thu nhập của đại đa số đã giảm đáng kể. Có đến 34.1% tự đánh giá thu nhập của họ quá thấp. Tỷ lệ hài lòng về thu nhập chỉ ở mức 6.3%.

Dẫu có 41.7% dân chúng nhận định, tình hình kinh tế của 6 tháng cuối năm 2013 khá hơn 6 tháng đầu năm 2013 nhưng chỉ số niềm tin tiêu dùng của sáu tháng cuối năm 2013 vẫn dưới mức trung bình. Nhóm thực hiện cuộc khảo sát nhận định, đa số dân chúng sống ở Hà Nội vẫn bi quan về tình hình kinh tế, việc làm và thu nhập. Đó cũng là lý do khiến năm vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế lẫn báo giới đồng loạt cảnh báo, niềm tin vào sự hồi phục kinh tế trong công chúng Việt Nam đang giảm đáng kể.

Không chỉ có người tiêu dùng kiệt quệ về tài chính, lo âu về tương lai, hạn chế chi tiêu tới mức tối đa, doanh giới cũng đang hành xử tương tự. Giữa năm 2013, Ngân hàng HSBC công bố, trong hai tháng 5 và 6, chỉ số mua hàng của giới quản trị (PMI), sụt giảm đáng ngại, điều đó cho thấy doanh giới đã hạn chế đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn kinh tế Việt Nam có thêm sức để vượt qua những khó khăn như hiện nay, điều đầu tiên mà chính quyền Việt Nam phải làm là khôi phục niềm tin của cả dân chúng lẫn doanh nghiệp vào khả năng điều hành kinh tế của mình. Tuy nhiên hàng loạt chính sách, giải pháp được đề ra từ 2012 đến nay chỉ tạo thêm bất an. 

No comments:

Post a Comment