ĐẤT VIỆT- 22/02/2014 -Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: tại một số di tích, lễ hội, khu dân cư trang trí bằng các loại đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, in nhiều chữ nước ngoài… đã gây ra nhiều hệ lụy xấu, phiền lòng du khách, không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Ngày 21/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 395/BVHTTDL-TTr đề nghị các Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện gấp một số nội dung để lễ hội 2014 diễn ra tốt đẹp.
Theo Công văn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tháo dỡ các loại đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ, in bằng chữ nước ngoài không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam trang trí tại các di tích, lễ hội và khu dân cư.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 179/CĐ-TTg ra ngày 10/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.
Lễ dâng hương tại Lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc Xuân Giáp Ngọ 2014. |
Trong đó nêu rõ các địa phương chỉ đạo việc tổ chức lễ hội theo tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển các hình thức, sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với các lễ hội..
Đồng thời, các địa phương cũng thực hiện nghiêm việc không sử dụng ngân sách Nhà nước vào việc tổ chức lễ hội; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm trong tổ chức lễ hội. Lãnh đạo… cán bộ, công chức chấp hành nghiêm việc không sử dụng giờ hành chính và xe công đi lễ hội, trừ các trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách được phân công...”
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành thanh, kiểm tra lễ hội, xử lý kiên quyết, nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực nêu trên và các hành vi vi phạm khác trong lễ hội; kiên quyết đưa những hộ kinh doanh trong khu vực 1 di tích, đổi tiền lẻ, bán đồ mã, kinh doanh trò chơi có thưởng biến tướng thành cờ bạc, treo bán thực phẩm tươi sống, xem bói, ăn xin… ra khỏi khu vực lễ hội.
Trước đó, cũng xảy ra tình trạng một số tỉnh thành của Việt Nam ngập tràn đèn lồng trái phép có in chữ Tam Sa xuất xứ Trung Quốc.
Từ trước Tết Nguyên đán 2013, tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương xuất hiện nhiều đèn lồng có chữ Tam Sa (đơn vị hành chính do Trung Quốc lập trái phép, gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam); và chữ Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Đèn lồng đỏ sao vàng của người dân Quán Toan, quận Hồng Bàng thành phố Hải Phòng. |
Ngay khi phát hiện sự việc trên, Công an thị xã Chí Linh đã cho in chữ Tam Sa, Nam Sa viết bằng tiếng Trung, chuyển cho công an phường, cảnh sát khu vực để đưa cho các hộ dân tự đối chiếu. Gia đình nào thấy chữ trên đèn lồng giống với chữ mẫu sẽ tự tháo dỡ. “Sau khi được thông báo, nhiều hộ dân tự tháo bỏ đèn lồng chứ không cần đối chiếu. Thậm chí nhiều nhà vừa treo lên đã tháo xuống”, một cán bộ Công an thị xã Chí Linh cho biết.
Tại Hải Phòng, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc một số đèn lồng có nội dung tuyên truyền chính trị, có chữ Tam Sa, Nam Sa, các cơ quan chức năng đã khẩn trương thu hồi, đồng thời vận động nhân dân không treo đèn lồng xuất xứ nước ngoài trước cửa nhà. UBNDTP tiếp tục có văn bản gửi công an, quản lý thị trường và chính quyền các địa phương yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nếu phát hiện đèn lồng phi pháp thì thu hồi ngay.
Ngay tại cửa ngõ Hải Phòng, ở hai bên đường QL5, đoạn qua khu vực Quán Toan, Q.Hồng Bàng, nhiều hộ dân cũng đã chủ động dán hình sao vàng năm cánh đè lên chữ Trung Quốc in trên đèn lồng, tạo thành đèn lồng đỏ sao vàng.
Huyền Hồ
No comments:
Post a Comment