Sunday, February 23, 2014

CPI tháng Tết tăng thấp nhất trong 10 năm: Dấu hiệu buồn của nền kinh tế!

SM- 23/02/2014     -Mặc dù là tháng Tết Nguyên đán hay còn gọi là “tháng ăn chơi” với vô vàn các lễ hội mùa xuân, song mức tăng của CPI tại cả 2 đầu tầu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM lại “chạm đáy” 10 năm. Đây có thể là một dấu hiệu buồn cho thấy một nền kinh tế ảm đạm hơn, người dân thắt chặt hầu bao do thu nhập ngày càng bị teo tóp và tình hình sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn hơn.


Người dân thắt chặt chi tiêu khiến CPI tháng 2/2014 tại Hà Nội và TP.HCM tăng thấp kỷ lục 10 năm qua
Theo số liệu của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hà Nội tháng 2/2014 tăng 0,49% so với tháng trước và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 5,93%. Trong khi đó, CPI tại TP.HCM còn có mức tăng thấp hơn 0,24% trong tháng 2 và xấp xỉ chỉ bằng một nửa tốc độ tăng giá tại Hà Nội.
 
Điểm chung của cả 2 thành phố là ngoài nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất thì các nhóm còn lại đều tăng rất khiêm tốn so tháng 1/2014. Thậm chí, nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng còn giảm giá 0,5% so với tháng trước.
 
Thực tế cho thấy mức tăng ì ạch của CPI trong tháng 2 này tại cả hai thành phố lớn nhất không phải là hiện tượng quá ngạc nhiên và cũng được nhiều người dự đoán từ trước. Bởi rõ ràng, sau tháng giáp Tết “cạn ví” vì mua đồ sắm Tết, lại thêm giá cả hàng hóa sau thời gian nghỉ dài thường bị dẩy lên cao, như một bát phở có thể tốn 50-80.000 đồng thì đương nhiên nhu cầu mua sắm của người dân trong tháng này sẽ bị nới lỏng. Hơn nữa, ngay trong tháng trước, vốn được coi là tháng “cao điểm” mua sắm phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, người dân còn tỏ ra đủng đỉnh, thậm chí là thắt chặt hầu bao khiến chỉ số giá tiêu dùng của Hà Nội và TP.HCM cũng chỉ tăng nhẹ, lần lượt là 0,7% và 0,4%.
 
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố lịch sử “sức mua thường giảm sau Tết”, việc chỉ số CPI của cả 2 đầu tầu kinh tế có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua lại là một dấu hiệu khá bất thường của nền kinh tế, phản ánh sự tiết giảm đáng kể trong chi tiêu của người dân. CPI tháng 2/2013 của Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ năm trước đó, CPI tháng 2/2012 thậm chí tăng đến 15,64% so với cùng kỳ năm 2011. Rõ ràng, sau một năm kinh tế ảm đạm với mức lương thưởng èo uột, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn thông báo nợ lương, cắt thưởng Tết, đương nhiên người dân buộc phải chi tiêu cẩn trọng hơn. Mặc dù, không ít chuyên gia đưa ra nhận định lạc quan về một 2014 “mã đáo thành công” của nền kinh tế Việt Nam, song đó là thì tương lai. Hiện tại, người lao động là những người cảm nhận được rõ ràng hơn ai hết về sự xuống sức của nền kinh tế và biểu hiện rõ ràng nhất là khoản thu nhập hàng tháng của họ đang ngày càng bị thu hẹp. Do đó, thắt chặt hầu bao vẫn là lựa chọn hàng đầu của người dân trong thời điểm khó khăn hiện tại.
 
Có thể thấy, tiếp nối một năm kinh tế cám cảnh 2013, các doanh nghiệp lại đang phải xoay sở với tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn ngay trong những tháng đầu năm 2014 này, khi không chỉ gặp khó ở đầu ra do người dân chi tiêu dè sẻn hơn mà còn “tắc nghẽn” ngay ở đầu vào do “bất lực” trong việc tiếp cận vốn vay. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hôm 14/2, tín dụng cả nước tháng đầu năm 2014 ước giảm 1,21% so với cuối năm 2013 và giảm mạnh (1,06%) so với cùng kỳ năm 2013 bất chấp việc chính phủ ra chỉ đạo sớm thúc đẩy cho vay sản xuất. Sự tăng trưởng ì ạch của tín dụng này đang là một dấu hiệu cho thấy dòng tín dụng đang bị nghẽn lại, đe dọa nghiêm trọng khả năng phục hồi của các doanh nghiệp vốn đang “chết lả”. Trong năm 2013, tổng số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động là 60.737 doanh nghiệp, tăng 12% so với năm trước. Với những khó khăn hiện tại, nhiều khả năng trong năm 2014, con số này sẽ không chỉ dừng ở 60.000.
 

No comments:

Post a Comment