ĐĂNG BỞI MỘT THẾ GIỚI -
Từ mô hình về suspended coffee (cà phê treo) ở nước Ý xa xôi, khách hàng khi đến mua trả tiền thêm cho một ly cà phê mà họ không uống và được chủ quán ghi vào sổ “treo” lại để phục vụ cho những người vô gia cư hoặc nghèo khó đến quán sau đó, một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM đã cho ra đời dự án cơm treo…
Một buổi sáng ghé vào quán cà phê trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP.HCM), tôi để ý thấy trên bàn một mẩu quảng cáo : “Cơm treo”, ở mặt trước có lời mời : mua một voucher cơm trưa là bạn đã góp một suất ăn cho người nghèo tại các quán cơm “nụ cười”…
Voucher "cơm treo"
Trả tiền cà phê ra về, tôi đã mua thêm bốn voucher sau khi được nhân viên ở đây giải thích về ý nghĩa của nó – với mỗi voucher (15.000 đồng/ voucher) - tôi đã góp “chút niềm vui nhỏ” vào quỹ từ thiện của hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười (nơi người nghèo có thể vào ăn một suất cơm trị giá 15.000 đồng mà chỉ phải trả một số tiền tượng trưng là 2.000 đồng
Chia sẻ yêu thương
Nhân viên quán cà phê trên cho biết nhiều khách hàng lúc đầu không hiểu “cơm treo” là gì, nhưng sau khi được giải thích họ đã tự nguyện mua thêm voucher để tặng lại cho người nghèo.
Trưa 18.2, ở quán cơm xã hội Nụ Cười 4 tại Bến Vân Đồn, quận 4 chúng tôi bắt gặp nhiều hình ảnh các cụ già, em nhỏ cầm những tấm voucher đến ăn trưa. Bà Văn Thị Viết (51 tuổi), dẫn hai cháu ngoại là Hiền (2 tuổi) và Tô Mì (2 tuổi rưỡi) vào quán với hai voucher trên tay.
Bà kêu hai phần cơm rồi cùng ăn chung với cháu. Bà Viết cho biết do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất sớm, các con đã lớn đi làm thuê nhưng lúc có việc, lúc không nên hằng ngày để không phải sống dựa vào con, bà đi lượm ve chai bán đắp đổi qua ngày.
Bạn Huyền tặng voucher cơm treo cho ông Võ Ngọc Hạnh chuyên bán vé số ở khu vực quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh : Q.Đ |
Từ khi có quán cơm Nụ Cười, bà Việt là khách thường xuyên ở đây, vì như bà nói mỗi suất cơm chỉ có 2000 đồng mà rất tươm tất (gồm cơm, canh, đồ ăn mặn, món xào). Được tặng voucher ăn miễn phí, bà rất vui liền dẫn hai cháu đi ăn cùng “Thực sự tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ mong được nhiều suất ăn miễn phí cho những người nghèo như chúng tôi”, bà Viết nói.
Cụ Hồ Văn Tạo,(80 tuổi) làm nghề bán vé số từ hơn một năm nay, khi được tặng một voucher ăn trưa đã không giấu được xúc động, cho biết bán vé số mỗi ngày tiền lời không bao nhiều, nên cứ đến trưa là tui xếp hàng vào ăn quán Nụ Cười, giá chỉ có 2000 đồng. Giờ có cái này nửa hả, ăn miễn phí hả “cảm ơn, cảm ơn lắm !”.
Chứng kiến hình ảnh các em nhỏ bán vé số, đánh giày khi được trao tặng tấm voucher, các em không nói được lời nào, nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương giữa con người với con người đã được sẻ chia…
Anh Trần Viết Huân, một trong những người sáng lập dự án “cơm treo”, cho biết đầu tháng 5-2013 chúng tôi được đọc một bài viết giới thiệu về suspended coffee (cà phê treo) của anh Lê Giang với mong muốn triển khai mô hình này ở Việt Nam.
Mô hình cà phê treo khởi đầu từ nước Ý, khách hàng khi đến mua trả tiền thêm cho một ly cà phê mà họ không uống và được chủ quán ghi vào sổ “treo” lại để phục vụ cho những người vô gia cư hoặc nghèo khó đến quán sau đó.
“Khi đó chúng tôi nghĩ ngay đến ý tưởng khách hàng vào các quán ăn có thể mua thêm một, hai suất ăn “treo” cho người nghèo. Và sau đó tháng 12-2013, dự án “cơm treo” ra đời bao gồm các thành viên của Quỹ từ thiện tình thương TP.HCM và các tình nguyện viên.
Để tấm lòng nối những tấm lòng
Anh Huân cho biết tiền bán voucher được bổ sung vào nguồn kinh phí cho hoạt động của các quán cơm Nụ Cười. Nhất là quán Nụ Cười 4 ở quận 4, số lượng người nghèo vào ăn rất đông với khoảng 800 đến 1.000 người/ ngày.
Tuy nhiên, do hình thức này còn mới nên hiện mới chỉ có tám quán cà phê và một số nhà hàng tự nguyện đứng ra bán voucher.
Bà Văn Thị Viết được tặng hai voucher dẫn hai cháu ngoại vào ăn tại quán cơm xã hội Nụ 4 trên đường Bến Vân Đồn, quận 4 TP.HCM. Ảnh : Q.Đ |
“Mục đích của voucher “cơm treo” là tạo ra một cách thức chia sẻ, đóng góp thuận lợi, dễ dàng hơn : bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ một bữa ăn trưa với chi phí 15.000 đồng cho người kém may mắn hơn mình. Qua đó chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên một cộng đồng nhân ái ngày càng rộng mở”, anh Huân nói.
Trong những năm còn du học ở Pháp, anh Huân cùng bạn bè quyên góp vật chất gửi về đóng góp cho những hoạt động từ thiện tự phát của một nhóm bạn bè. Khi về nước, được biết nhóm này đã thành lập Quỹ Từ Thiện Tình Thương để có thể làm được nhiều việc hơn, anh lập tức có mặt tại các chương trình hoạt động từ thiện của quỹ này, đồng thời cùng bạn bè kết hợp với các quán cơm xã hội Nụ Cười tổ chức Ngày thứ năm hạnh phúc với phở (hủ tíu, bún bò) giá rẻ cho người nghèo.
Tuy nhiên, khi các quán cơm xã hội mang tên Nụ Cười ra đời, Huân cho rằng để có thể duy trì các quán ăn xã hội giá rẻ kiểu như thế này thì cần mở rộng thêm nhiều phương thức hoạt động và cơm treo là một phương án đó.
Trong nhóm dự án cơm treo còn có Phương - một cô gái hiện đang làm việc tại Công ty IBM Việt Nam với Huân. Phương cho biết trước đây cô thường cùng bạn bè đi làm từ thiện bằng cách nấu ăn tại các bệnh viện, thăm trẻ em nghèo ở chùa…Nhưng khi nghe Huân đưa ra ý tưởng về “cơm treo” thì cô rất xúc động và đã tham gia nhóm dự án.
Để nhiều người biết đến dự án, ngoài việc vận động các quán cà phê bán voucher Phương tự mình đi “bán dạo” voucher với các bạn bè trong và ngoài công ty. Từ tháng 12 đến nay, Phương đã “bán dạo” được khoảng 300 voucher.
“Mỗi việc làm từ thiện tôi đều thấy vui, bán được một, hai triệu tôi gom lại chuyển cho quỹ. Đây là hình thức mới để duy trì các quán Nụ Cười hoạt động lâu dài”, Phương nói.
Nhóm dự án còn có Hoàng, là kiến trúc sư nên đứng ra thiết kế các voucher và Linh vợ của Huân. “Trao “cần câu” hay “con cá” đều tốt với người nghèo, chúng tôi mong muốn duy trì mô hình “cơm treo” bằng mọi giá để có thể trao “con cá” cho những người kém may mắn, bị thiệt thòi trong xã hội.
Nhưng muốn vậy chúng tôi đang cần sự hợp tác từ các nhà hàng, quán ăn để phân phối voucher “cơm treo và của tất cả mọi người mua voucher ủng hộ chương trình. Trên tất cả chúng tôi mong ước lòng nhân ái sẽ lan tỏa khắp nơi, bắt đầu từ từng suất cơm rất nhỏ này…”, anh Huân tâm sự.
Làm gì với voucher “cơm treo” đã mua ?
Khi mua một voucher “cơm treo” là bạn đã góp một suất ăn cho người nghèo tại các quán Nụ Cười và bạn có thể tùy nghi sử dụng voucher này theo cách bạn muốn : Bạn có thể trao tặng voucher này cho một người nghèo bạn gặp trên đường, bạn cũng có thể giữ lại voucher này như một kỷ niệm và yên tâm rằng số tiền bạn đã đóng góp bằng cách mua voucher sẽ được sử dụng cho bữa cơm từ thiện tại các quán, bạn cũng có thể ghé quán cơm Nụ Cười cùng ăn với những người bạn để trải nghiệm bản thân
(Trích trong dự án “cơm treo” )
Vân Nghi
No comments:
Post a Comment