Sunday, February 23, 2014

Đà Nẵng muốn đổi Chủ tịch tỉnh thành Thị trưởng!

ĐẤT VIỆT- 23/02/2014    -Trong tháng 3 tới, Chính phủ sẽ trình và xin ý kiến của Bộ Chính trị cho phép Đà Nẵng triển khai chính quyền đô thị. Theo đó với mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng sẽ có thị trưởng vào năm 2021.

Thông tin được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, UBND cùng các sở, ngành của Đà Nẵng về đề án thực hiện chính quyền đô thị tại địa phương này, ngày 21/2.

Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng Trần Thọ cho biết, sau khi có chỉ đạo về việc Đà Nẵng thí điểm thực hiện đề án xây dựng chính quyền đô thị, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo và thành lập ban chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của chuyên gia và chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đà Nẵng được xem là địa phương có nhiều sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Đà Nẵng được xem là địa phương có nhiều sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Tờ Vneconomy đưa tin, đề án do Đà Nẵng xây dựng, lộ trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng sẽ có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (dự kiến đến năm 2016), chính quyền vẫn phân 3 cấp như hiện nay với UBND thành phố, UBND quận, huyện, phường, xã, nhưng thực hiện cơ chế thủ trưởng hành chính đối với người đứng cầu các cơ quan trên.

Các cơ quan chuyên môn của thành phố sẽ được chuyển từ chức năng tham mưu sang chức năng quản lý nhà nước, tổ chức sắp xếp lại thành các nhóm chính là nhóm tổng hợp (thanh tra, kế hoach, tài chính, nội chính, tư pháp, nội vụ), nhóm quản lý chuyên ngành (đô thị, kinh tế, xã hội); cơ quan hành chính cấp quận, huyện cũng sẽ được tinh gọn với các công chức chuyên môn trực tuyến theo dõi ngành, lĩnh vực… Cùng với đó sẽ tiến hành bỏ hội đồng nhân dân tại 11 xã thuộc huyện Hoà Vang.

Trong giai đoạn hai (từ 2016-2021), chính quyền đô thị chỉ còn 2 cấp với hội đồng nhân dân thành phố, UBND thành phố và UBND phường, xã, giảm bớt UBND quận, huyện, nhằm tăng dần thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND thành phố.

Giai đoạn ba được thực hiện từ năm 2021 trở đi với việc thực hiện chuyển từ chế độ lãnh đạo tập thể của UBND thành phố sang chế độ lãnh đạo và chịu trách nhiệm cá nhân của thị trưởng.
Việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường từ năm 2009 đến nay, hoạt động của chính quyền các cấp tại thành phố đang ổn định, thông suốt; người dân và doanh nghiệp hài lòng với cách thức phục vụ của chính quyền về chất lượng dịch vụ công.

Với thực tế trên, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị là đòi hỏi thực tiễn, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng cũng như nâng cao chất lượng của dân cư đô thị, chất lượng phục vụ của chính quyền.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tinh thần xuyên suốt xây dựng đề án là phải tuân thủ các quy định về tổ chức chính quyền địa phương của Hiến pháp sửa đổi 2013. Mục tiêu xây dựng thí điểm chính quyền đô thị Đà Nẵng phải bảo đảm 3 vấn đề lớn là có lợi hơn cho người dân; tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển tốt hơn và đề cao trách nhiệm của thành phố.

Phó thủ tướng cũng lưu ý, việc xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị của thành phố Đà Nẵng cần bảo đảm các quy định của pháp luật, không để xảy ra “khoảng trống quyền lực”, với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan cấp trên, hội đồng nhân dân thành phố, Mặt trận Tổ quốc…

Dự kiến sau khi Đà Nẵng hoàn tất lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và hoàn thiện đề án, Chính phủ sẽ báo cáo, xin ý kiến của Bộ Chính trị về đề án này trong tháng 3 tới.

Hiện Đà Nẵng được cho là một đô thị phát triển nhanh, mạnh, với ban lãnh đạo quả quyết, dám nghĩ dám làm và có nhiều sáng tạo.

Đây cũng là thành phố có Phó Chủ tịch UBND trẻ nhất Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Anh, năm nay 35 tuổi.

Phương Nguyên

No comments:

Post a Comment