Sunday, February 23, 2014

Dịch cận kề, thiết bị... hỏng hóc!

TNO-24/02/2014 03:10

Đó là thực trạng đáng lo ngại trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay, được nêu tại hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở người và phòng chống dịch sởi ngày 23.2.

Dịch cận kề, thiết bị... hỏng hóc
Giết mổ, buôn bán gia cầm nhỏ lẻ là nguy cơ phát tán mầm bệnh cúm A/H5N1 - Ảnh: Ngọc Thắng
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cúm A/H5N1 có nguy cơ cao bùng phát tại VN với nhiều nguyên nhân: Dịch cúm H5N1 trên gia cầm đang xảy ra tại 17 tỉnh trên cả nước và chưa có xu hướng dừng lại; vi rút cúm H5N1 vẫn ghi nhận trên các đàn thủy cầm nhưng không có biểu hiện bệnh, do đó gây khó khăn cho việc phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch.
 
Lập đội ứng phó với phản ứng sau tiêm chủng
Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương triển khai tiêm vắc xin sởi lần này đạt mục tiêu 95% trẻ 9 - 24 tháng tuổi được tiêm mũi một và tiêm vét. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị tại một số tỉnh, đặc biệt là miền núi phía bắc ngoài duy trì lịch tiêm thường xuyên cần thành lập đội tiêm chủng cơ động. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần thành lập đội ứng phó với phản ứng sau tiêm chủng nhằm giảm thấp nhất các phản ứng sau tiêm chủng, để người dân yên tâm. Ngoài ra, phải đặc biệt lưu ý tới các vắc xin tỷ lệ tiêm thấp trong thời gian qua. Khi tỷ lệ tiêm chủng xuống thấp sẽ chưa thấy tác hại ngay nhưng những năm sau sẽ thấy rõ và dịch sởi hiện nay là một minh chứng rõ ràng.
Cúm A/H5N1 đang là chủng có độc lực mạnh nhất, với tỷ lệ tử vong hiện ở mức 50% (63/126 ca mắc cúm gia cầm tại VN từ 2003 - 2014 tử vong). Riêng trong tháng 1.2014, 2/2 bệnh nhân mắc cúm gia cầm đều tử vong. “Việc cùng lúc lưu hành nhiều chủng vi rút cúm: H1N1, H3N2, cúm mùa, cúm gia cầm H5N1 làm tăng nguy cơ biến đổi, trong đó có thể trở thành chủng có khả năng lây lan mạnh hơn, khó khăn cho phòng dịch”, ông Phu khuyến cáo.
Trong khi đó, đại diện Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) nhận định việc đóng cửa các chợ ở tỉnh Quảng Đông và các tỉnh khác của Trung Quốc dẫn đến tình trạng gia cầm đến tuổi xuất bán bị thừa và cần đẩy đi tiêu thụ ở nơi khác với giá rất rẻ. Trong khi đó, việc đảm bảo ngăn ngừa tất cả số gia cầm vận chuyển xuyên biên giới một cách bền vững trong thời gian dài là rất khó khăn, dẫn đến nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào VN nếu không kiểm soát được gà nhập lậu. Còn Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN Takeshi Kasai đánh giá: “Dịch cúm gia cầm H7N9 có thể xâm nhập vào VN do ca bệnh trên người hoặc qua gia cầm nhập lậu”.
Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn cũng nhìn nhận địa phương đang duy trì 14 điểm chốt tại biên giới đường mòn 24/24 giờ nhưng việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu còn rất khó khăn. Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết 28 máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu phục vụ phòng chống dịch cúm, giúp sàng lọc các trường hợp nghi ngờ nhưng 9 cái đã bị hỏng trong khi nguy cơ các ca bệnh vào VN là rất lớn.
Chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phòng chống dịch phải rất cụ thể. "9/28 cái máy bị hỏng. Mỗi máy giá khoảng 1 tỉ đồng đâu phải đến mức chúng ta không có tiền để mua. Nhưng cái máy hỏng, chúng ta có biết để đặt sửa ngay hoặc mua lại ngay không, hay đến bây giờ có dịch mới biết máy hỏng? Điều này các địa phương phải liên tục kiểm tra”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu các cơ quan nhà nước, các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin dịch bệnh cho báo chí để tuyên truyền đến người dân.
Liên Châu

No comments:

Post a Comment