Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) thông báo trong ngày 22.2 đã ghi nhận thêm một số ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 mới. Hiện tại, cả nước đang có 52 ổ dịch ở 17 tỉnh, thành phố, làm chết trên 51.000 gia cầm.
Tiêu hủy gia cầm tại xã Phong Thạnh Đông - Ảnh: Trần Thanh Phong
|
Theo Phó cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành, các ổ dịch cúm gia cầm chủ yếu phát ra lẻ tẻ tại các hộ chăn nuôi nhưng được các địa phương ngăn chặn, xử lý. Nguyên nhân chính là do thời tiết lạnh, độ ẩm cao khiến gia cầm giảm sức đề kháng. Nhiều đàn gia cầm không được tiêm phòng nên dễ nhiễm bệnh. Đáng chú ý, tỷ lệ lưu hành vi rút cúm A/H5N1 gần 6% trên đàn thủy cầm ở các tỉnh phía nam là rất cao .
Thông tin về công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 trước nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, ông Đàm Xuân Thành cho biết các tỉnh biên giới phía bắc giáp Trung Quốc được xác định là khu vực có nguy cơ. Cục Thú y đã chỉ đạo, hỗ trợ ngành thú y địa phương chủ động gia tăng tần suất lấy mẫu xét nghiệm. Hiện tại, ngành thú y với 11 phòng xét nghiệm đảm bảo đủ năng lực để phát hiện kịp thời vi rút trên lãnh thổ Việt Nam. Mỗi lần xét nghiệm, một đơn vị có thể xử lý cùng lúc 500 mẫu gộp, tương đương 2.000 mẫu gia cầm và cho kết quả chính xác sau 5 giờ kể từ khi nhận mẫu. Cũng theo ông Đàm Xuân Thành, trong trường hợp phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc lưu hành trong môi trường, sẽ áp dụng ngay lệnh đóng cửa các chợ gia cầm, khoanh vùng địa bàn thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng trong thời gian ít nhất là 10 ngày.
Cũng trong ngày 22.2, Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu xác nhận vừa phát hiện thêm đàn vịt chạy đồng gần 1.200 con mắc bệnh cúm A/H5N1 ở xã Phong Thạnh Đông (H.Giá Rai) và đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ. Trước đó, tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Vĩnh Phú Tây (H.Phước Long) và xã Ninh Quới A (H.Hồng Dân), với gần 3.500 con mắc bệnh.
P.Hậu - Trần Thanh Phong
No comments:
Post a Comment