Chủ nhật 23/02/2014 06:49
ANTĐ - Suốt 30 năm qua cứ nghe ai báo ở đâu có xác chết dù ban ngày hay ban đêm ông cũng chạy đến nơi để vớt xác. Vớt lên cơ quan chức năng kiểm tra, khám nghiệm nhưng không có ai nhận ông lại mang về gần nhà mình chôn cất, lo hương khói cho những người xấu số. Người đàn ông đó là Nguyễn Văn Dũng (SN 1970), ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Cũng trong chừng đó thời gian ông đã vớt được 499 xác chết và lập nên một “nghĩa địa vô danh” với 66 ngôi mộ.
Ông Nguyễn Văn Dũng bên những ngôi mộ vô danh
Men theo con đường bê tông nhỏ chạy luồn lách giữa những vườn đào chúng tôi tìm đến nhà ông Dũng. Căn nhà cấp 4 nơi cả gia đình ông sinh sống nằm ngay bên bờ sông Hồng. Lúc chúng tôi đến ông Dũng cùng ông Dương Anh Sỹ - một người bạn thân của ông đang đi vớt xác tận chân cầu Thanh Trì.
“Ông ấy đi dự đám cưới đứa cháu họ ở bên Sóc Sơn, nghe người ta gọi điện thoại có xác một người đàn ông nổi dưới chân cầu thế là ông ấy bỏ cả đám cưới chạy về gọi ông Sỹ đi vớt. Chắc đang đợi công an khám nghiệm. Tôi cũng bỏ đám chạy về lỡ không có ai nhận còn sắm sửa lễ lạt, áo quan mà chôn cất cho người ta”, bà Lan vợ ông Dũng tiếp chuyện.
Đợi mãi đến hơn 4 giờ chiều ông Dũng mới về nhà. Trước mặt tôi là một người đàn ông thân hình vạm vỡ, nước da ngăm đen, đầu hói cua. Mới gặp và nhìn cải vẻ bề ngoài ấy khiến nhiều người có cảm giác ông là một tay giang hồ bặm trợn nhưng khi trò chuyện, tôi thấy bên trong cái vẻ ngoài đó lại là một con người hiền lành, ít nói.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó làm nghề trồng hoa, cây cảnh ở làng đào Nhật Tân. Nhà đã nghèo lại đông anh em nên ông Dũng không được đến trường như chúng bạn, ngày ngày Dũng theo cha đi chài lưới trên sông Hồng. Cũng chính nghiệp chài lưới khiến cho ông gặp phải nhiều vụ chết đuối và làm quen với việc vớt xác.
Rít một hơi thuốc ông Dũng kể: “Đó là năm tôi 13 tuổi, chiều hôm ấy tôi cùng mấy đứa bạn ngồi chơi bên bờ sông bỗng nhiên tôi thấy trong lòng cồn cào, nóng ran. Men theo bờ sông đi được khoảng 70m thấy trên mặt sông có cái gì đó trắng trắng nỗi lềnh bềnh gần lùm cỏ, đến gần mới biết đó là xác chết một người đàn ông. Kéo lên bờ tôi hất hẳn cái xác lên vai rồi chạy một mạch về trước cửa nhà mình. Cả làng kéo đến xem ai cũng tái xanh mặt. Sáng hôm sau chính quyền địa phương đến xác minh nhưng không có ai nhận thế là cha con tôi mang vào vườn hoa nhà mình chôn”.
Từ đó mỗi khi có xác chết ở đâu người dân lại về báo cho ông Dũng, ai có người thân bị chết, tự tử ở đâu cũng đến nhờ ông đi tìm. Nghe tin có người chết dù đang làm gì ông Dũng cũng bỏ việc chạy đi vớt. “Ở cái phường này chỉ có ông Dũng là người không sợ ma. Ban đầu ai cũng nói ông ấy rỗi hơi cứ mang xác chết về nhà nhưng về sau thấy được việc làm ý nghĩa của ông nên nhiều người cũng vào giúp. Người đi cùng để hỗ trợ ông, người góp chút tiền mua hương hoa, quần áo chôn cất những người xấu số, nhờ ông ấy mà nhiều người tìm được người thân của mình”, bà Dương Thị Hiền, một người dân cụm 2 phương Nhật Tân nói.
Nói đến những cái xác chết mà ông đã từng vớt lên, ông Dũng kể vanh vách. Nào là xác của một cụ bà lúc vớt lên đã bị phân hủy tay chân. Xác một đôi thanh niên buộc chặt tay vào nhau. Cho đến xác những đứa trẻ đựng trong túi nilon… “Nhiều. Nhiều lắm, họ chết đủ tư thế, có người còn nguyên hình hài, có người lâu ngày đã bị phân hủy một số bộ phận. Vớt ai chỗ nào tôi nhớ hết”, ông Dũng nói.
Tính đến nay hơn 30 năm vớt xác ông đã vớt được khoảng 500 xác chết. “Già, trẻ, gái, trai có đủ. Có người tôi đi đánh cá gặp. Có người biết người thân tự tử đến nhờ tôi đi vớt, cũng có người được người dân địa phương phát hiện rồi gọi tôi. Trong 500 xác chết đó nhiều người đã được người thân tìm đến nhận nhưng nhiều người tôi đang chôn cất thờ cúng mà không biết họ là ai, quê ở đâu”, ông Dũng trầm ngâm.
Khúc sông Hồng nơi ông Dũng thường xuyên tìm thấy xác chết
Chôn cất người dưng
Dẫn tôi ra một khu đất rộng chừng 150m2 được xây hàng rào nằm sát bên bờ sông Hồng, cách nhà khoảng hơn 200m ông Dũng thở dài nói: “Đấy là khu nghĩa địa tôi chôn cất những người xấu số. Có lúc nghĩa địa này lên đến cả trăm người nhưng về sau người này truyền tai người kia, công an chụp hình nhận dạng đăng lên báo nên nhiều người biết đã tìm đến nhận. Nay còn 66 ngôi mộ chưa có ai nhận, chỉ mong sao nhiều người biết họ ở đây mà đến đưa họ về”.
Cẩn thận thắp hương cho từng ngôi mộ rồi chỉ tay vào 2 nấm mồ đang lún phún cỏ ông Dũng chia sẻ: “Đôi nam nữ này khoảng 22 đến 23 tuổi, tôi đi đánh cá thấy xác họ nổi gần chân cầu Long Biên, khi vớt lên tay họ cột chặt vào nhau nên tôi đoán họ tự tử”. Nói rồi ông trải lòng: “Cứ thấy trong người nôn nao là tôi lo lắm. Ra sông thể nào tôi cũng thấy có cái xác đang nổi”.
Trong những ngôi mộ vô danh đó có ngôi ngót nghét đã 30 năm cũng có ngôi đang lún phún cỏ. Hầu hết những ngôi mộ đều do ông Dũng bỏ tiền nhà mua quan tài, quần áo, hương hoa về chôn cất. Nhiều hôm không có tiền vợ chồng ông đành bán cả gà lợn, lấy tiền mua áo quan cho người dưng. “Mới tháng trước có người đến tìm mộ người thân đưa cho ông ấy 30 triệu đồng mà ông ấy có lấy đâu. Cả nhà nhiều hôm hết gạo ra nhà tôi lấy nhưng ông ấy bảo mình làm phúc, làm đức giúp người ta, người ta mất người thân lại mất tiền nữa thì tội nghiệp lắm”, ông Sỹ bạn của ông Dũng chia sẻ.
Kể về những lần đi vớt xác ông Dũng cho biết ám ảnh nhất vẩn là vụ chìm đò năm 1994 thế kỷ trước. Đêm đó đang đánh cá gần bến đò cô Trôi bất ngờ ông thấy rất nhiều vải vóc, quần áo, quang gánh trôi giữa sông. Nghi có chuyện chẳng lành ông lao ra kéo đồ lên bất ngờ chân liên tục chạm vào rất nhiều người. Lên bờ ông định thần lại mới biết một chuyến đò bị chìm. Cả đêm hôm đó một mình ông vớt lên bờ hơn 30 xác chết. “Tôi lao như điên xuống nước cứ chạm vào ai là kéo lên ngay vậy mà không kịp cứu. Khi họ lên bờ tất cả đã lịm đi. Trong số đó có 4 người không ai nhận nên tôi đưa về đây chôn cất”, ông Dũng kể.
Nói về những việc chồng đang làm bà Lan vợ ông xúc động: “Ban đầu tôi sợ lắm, sợ người ta dị nghị, sợ đủ mọi chuyện nhưng thấu hiểu được suy nghĩ của chồng nên tôi rất ủng hộ. Mình không vớt lên để họ trôi vô định giữa sông có ngày mất xác. Chôn cất rồi có người thân đến nhận mình cũng thấy vui lòng”.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND phường Nhật Tân cho biết, chính nhờ ông Dũng mà nhiều thi thể nạn nhân đã được tìm thấy. Ông Dũng luôn là người sát cánh giúp đỡ cơ quan công an và chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm và xác định danh tính những người xấu số, việc làm của ông Dũng rất đáng được trân trọng.
Tôi sợ nhất là cái nghĩa địa này rộng ra
“Tôi sợ nhất là thấy trong lòng nôn nao, vì cứ nôn nao rồi ra sông là có xác chết nổi. Thấy ai đến là tôi lo lắm vì tôi biết ngay có người vừa bị chết nên người ta đến nhờ mình đi tìm. Tôi rất sợ cái nghĩa địa này cứ rộng ra. Nói vậy nhưng không đi vớt người ta lên tôi áy náy lắm, cứ đứng ngồi không yên. Còn sức tôi sẽ còn đi vớt xác, để họ lạnh lẽo trôi dưới nước tôi thấy đau đớn lắm”, ông Dũng nói.
“Tôi sợ nhất là thấy trong lòng nôn nao, vì cứ nôn nao rồi ra sông là có xác chết nổi. Thấy ai đến là tôi lo lắm vì tôi biết ngay có người vừa bị chết nên người ta đến nhờ mình đi tìm. Tôi rất sợ cái nghĩa địa này cứ rộng ra. Nói vậy nhưng không đi vớt người ta lên tôi áy náy lắm, cứ đứng ngồi không yên. Còn sức tôi sẽ còn đi vớt xác, để họ lạnh lẽo trôi dưới nước tôi thấy đau đớn lắm”, ông Dũng nói.
No comments:
Post a Comment