Thứ Năm, 13/2/2014, 09:03 (GMT+7)
(TBKTSG) - Xét về những gì đã làm được trong năm 2013 và tình hình kinh tế hiện nay, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục được kỳ vọng sẽ đem lại những kết quả ấn tượng.
Theo Tổng cục Thống kê, năm ngoái các doanh nghiệp FDI xuất siêu khoảng 14 tỉ đô la Mỹ, giúp Việt Nam xuất siêu 860 triệu đô la Mỹ dù khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 13 tỉ. Thống kê cũng cho thấy xu hướng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI. Năm 2011, khu vực này chiếm 56,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ lệ đó lên đến 63,1% năm 2012 và 61,4% năm 2013.
Tuy không thể phủ nhận vai trò của FDI đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam, thực tế đó đã làm dấy lên nhiều lo ngại về những tác động không mong muốn từ khu vực này. Nạn chuyển giá, công nghệ lạc hậu, nâng giá thiết bị hay nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người” chỉ là một số vấn đề điển hình. Gần đây lại nổi lên chuyện nhà đầu tư ngoại lấn át tại thị trường trong nước dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp nội có thể mất trắng trên sân nhà, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ.
Ngay cả trường hợp Samsung - thường được xem như một điển hình trong lĩnh vực xuất khẩu mấy năm nay - cũng làm dư luận băn khoăn. Năm 2013, một mình Samsung xuất khẩu 23 tỉ đô la Mỹ, so với tổng kim ngạch xuất khẩu 132 tỉ của Việt Nam. Nhưng cũng chỉ riêng Samsung đã nhập khẩu 21 tỉ đô la Mỹ linh kiện từ Trung Quốc, càng làm trầm trọng hơn tình hình nhập siêu từ nước này. Trong khi đó, mặc cho doanh số khổng lồ của Samsung, năm ngoái Việt Nam chỉ thu được 50 triệu đô la Mỹ tiền thuế từ tập đoàn này vì những ưu đãi dành cho họ.
Vậy thì Việt Nam sẽ chọn con đường nào dành cho FDI? Câu trả lời của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã rõ ràng. Trả lời báo chí trong nước, ông Vinh cho rằng không có FDI, Việt Nam khó có thể đạt tăng trưởng kinh tế cao, cải thiện cơ cấu kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian qua cũng như sắp tới. Ông Vinh cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà FDI.
Có lẽ Bộ trưởng Vinh cũng không còn con đường nào khác nếu nhìn từ lộ trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới Việt Nam đã cam kết. Gần nhất, ngay trong năm nay các doanh nghiệp FDI có thể sẽ tham gia kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm và lúa gạo, vốn chỉ dành cho doanh nghiệp trong nước. Rất có thể trong năm nay, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ kết thúc. Xa hơn một chút sẽ là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Có người ví von, nếu thiếu “con hổ FDI”, kinh tế Việt Nam khó có thể cất cánh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay.
Lập luận trên càng thuyết phục hơn nếu chúng ta nhìn vào các nền kinh tế chung quanh mình. Chẳng phải Singapore, Thái Lan, Malaysia, và gần hơn hết, Trung Quốc, đã không thể có được ngày hôm nay nếu họ thiếu FDI hay sao?
Như vậy, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho những mặt trái của FDI. Trước hết, cần tự trách mình. Lời giải cho bài toán FDI, và rộng hơn, cho cả nền kinh tế, trước hết nằm ở chính sách.
Năm con ngựa, Việt Nam cần những chính sách đúng để bắt được hổ và thuần dưỡng nó.
No comments:
Post a Comment