Tuesday, February 25, 2014

VN: 'Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao'

BBC-Cập nhật: 15:59 GMT - thứ ba, 25 tháng 2, 2014


Được đánh giá là một trong các nước Đông Nam Á có tỷ lệ người đỡ đẻ có kỹ năng tại các ca sinh nở cao, nhưng Việt Nam vẫn là một trong sáu nước của khu vực có tên trong danh sách 75 nước trên thế giới phải chịu gánh nặng về tỷ lệ tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh cao.
Theo báo cáo công bố hôm 25/2/2014 của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), mỗi năm có gần 12 ngàn trẻ tử vong trong quá trình sinh nở hoặc tử vong trong ngày đầu sau sinh tại Việt Nam.
Con số này trên toàn thế giới là 2,2 triệu em, theo báo cáo "Ending Newborn Deaths" (Chấm dứt tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh).
Báo cáo của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nói khoảng một nửa các ca tử vong này lẽ ra có thể tránh được, nếu như các bà mẹ và các bé được tiếp cận với dịch vụ y tế miễn phí và nữ hộ sinh có kinh nghiệm.

'Nhiều tiến bộ'

Trả lời BBC Tiếng Việt, bác sỹ Huỳnh Thị Trong, Trưởng khoa sản Bệnh viện An Sinh từ Thành Phố Hồ Chí Minh nói vấn đề sức khỏe thai sản và trẻ sơ sinh hiện nay đã có rất nhiều tiến bộ và tốt hơn so với trước đây.
"Cách đây 10, 20 năm, hệ thống sản phụ khoa của thành phố chỉ có một số bệnh viện lớn và các trung tâm y tế quận huyện. Nay đã có thêm nhiều bệnh viện tư, có cả các trung tâm chuyên khoa sản có đầu tư của nước ngoài. Nhờ đó, vấn đề quản lý thai nghén, chăm sóc thai phụ và trẻ sơ sinh tốt hơn nhiều," bác sỹ Trong nói.
"Sản phụ được đi khám thường xuyên hơn để theo dõi bệnh và tầm soát dị tật bẩm sinh của em bé," bà giải thích thêm.
Trong Thông cáo báo chí ra cùng ngày, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đánh giá Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Gunnar Andersen, giám đốc tổ chức này nói: "Chúng ta cũng không nên dừng lại ở những thành tựu có được. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp tục cố gắng để các dịch vụ y tế tốt hơn và không còn có trẻ em bị tử vong bởi những nguyên nhân có thể can thiệp được."
Hồi tháng Năm năm ngoái, báo cáo thường niên của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nói Việt Nam là một trong mười nước đứng đầu trên thế giới thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, giảm 48% tính từ 1990 đến 2011.
Việt Nam có tỷ lệ người đỡ đẻ có kỹ năng tại các ca sinh nở cao, 91,9%
Cũng trong báo cáo thường niên này, Save the Children khuyến nghị Việt Nam đầu tư cho các giải pháp chi phí thấp nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, mà theo tổ chức này là chỉ tốn khoảng hơn 100 ngàn đồng chi phí mua sản phẩm cho một lần điều trị đã có thể giúp cứu được một phần ba các ca tử vong.
Các sản phẩm mà Save the Children đề cập tới gồm nội tiết tố dạng tiêm cho các bà mẹ có nguy cơ đẻ non, dụng cụ hồi sức trẻ bị ngạt khi sinh, dung dịch sát khuẩn rốn và thuốc kháng sinh dạng tiêm cho các bé bị nhiễm khuẩn và viêm phổi.
Tuy nhiên, bác sỹ Trong cho rằng khuyến nghị này là không chính xác, bởi "trong tất cả các cơ sở y tế, những cái đó đều được chuẩn bị sẵn hết," kể cả thuốc hỗ trợ phổi cho em bé.
Cùng quan điểm với bác sỹ Trong, bác sỹ Lê Văn Ninh, nguyên Trưởng khoa sản Bệnh viện Gia định nói: "Bây giờ hầu như bệnh viện nào cũng có phương tiện hồi sức cấp cứu sơ sinh cũng như việc tiêm phòng trước và sau sinh. Có rất nhiều tổ chức quốc tế vào huấn luyện, giúp đỡ các bệnh viện. Thuốc nào trên thế giới có là Việt Nam có hết."

'Cần phổ cập kiến thức'

Tuy nhiên, vấn đề trang bị kiến thức thai sản cho phụ nữ mang thai là điều cần được thực hiện tốt hơn, qua đó họ tự biết cách chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai."
"Nếu có điều kiện thì cần tuyên truyền qua báo chí, qua các tình nguyện viên vào tận trong các nhà máy xí nghiệp, nơi cố rất nhiều công nhân trong các khu công nghiệp. Sự hiểu biết của họ [vế sức khỏe thai sản] là rất ít, họ rất cần giúp đỡ," bác sỹ Ninh nói.
Cần tuyên truyền qua báo chí, qua các tình nguyện viên vào tận trong các nhà máy xí nghiệp, nơi có rất nhiều công nhân trong các khu công nghiệp. Sự hiểu biết của họ [vế sức khỏe thai sản] là rất ít, họ rất cần giúp đỡ"
Bác sỹ Lê Văn NinH.
 Bác sỹ Ninh cũng cho biết vấn đề chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền khác nhau có sự chênh lệch đáng kê: "Ở những thành phố lớn, các trường hợp sinh non, thiếu tháng, thậm chí chỉ 800-900, cũng vẫn có thể nuôi được. Tuy nhiên, chuyện này không phải đồng đều trên toàn quốc."
Ngay việc đi bệnh viện công hay bệnh viện tư để khám và chăm sóc thai sản cũng là một vấn đề đáng chú ý.
Với việc chất lượng ở cả hai bên đều "tốt như nhau", theo lời bác sỹ Huỳnh Thị Trong, thì việc lựa chọn bệnh viện tư dường như phù hợp với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn thay vì cho đại đa số dân chúng, khi mà việc hỗ trợ chi trả bằng nguồn bảo hiểm y tế cho các đối tượng khác nhau là khác nhau.
"Việt Nam chưa có bảo hiểm rộng rãi. Bảo hiểm y tế chỉ sử dụng chủ yếu trong giới cán bộ công nhân viên hoặc trong các doanh nghiệp mà thôi chứ chưa phải cho toàn dân, trừ những người dân mua bảo hiểm tự nguyện."
"Các loại chế độ bảo hiểm y tế vẫn được áp dụng cả ở các bệnh viện tư và bệnh viện công, nhưng với những ai không đủ điều kiện [mua bảo hiểm] thì người ta sẽ chọn bệnh viện công vì chi phí ít hơn," bác sỹ Trong nói.
Việt Nam là nước hiện đang chi cho lĩnh vực y tế tính theo ngân sách chính phủ trên đầu người là 93,39 đôla Mỹ, cao hơn mức tối thiểu mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, 60 đôla.
Bên cạnh Việt Nam, năm quốc gia Đông Nam Á khác bị đưa vào danh sách 75 nước có tỷ lệ tử vong cao ở bà mẹ và trẻ sơ sinh gồm Campuchia, Lào, Indonesia, Miến Điện và Philippines.
Trong số này, Indonesia là nước có nhiều trẻ sơ sinh tử vong nhất, hơn gần 48 ngàn ca mỗi năm.

No comments:

Post a Comment