Tuesday, February 25, 2014

Thanh tra Chính phủ than khó trong cuộc chiến chống chuyển giá!

SM- 25/02/2014      -Mặc dù thừa nhận hiện tượng doanh nghiệp “lỗ giả, lãi thật”, chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết với nước ngoài có xảy ra ở Việt Nam, song nhận diện được là một chuyện, còn việc giải quyết được hay không lại là một vấn đề khác. Thanh tra Chính phủ mới đây thừa nhận sự phối hợp lỏng lẻo giữa thuế và hải quan cũng như những bất cập, lỗ hổng tồn tại trong các quy định hiện hành khiến việc kiểm soát chuyển giá trở thành nhiệm vụ bất khả thi.


Chuyển giá đang trở thành thực trạng nhức nhối tại Việt Nam trong thời gian qua và các cơ quan hữu quan vẫn “bất lực” trong việc xử lý vấn nạn này
Tại Việt Nam, vấn đề chuyển giá, báo lỗ triền miên của các doanh nghiệp FDI đang là một thực trạng nhức nhối trong thời gian qua. Chuyển giá có thể định nghĩa ngắn gọn là hành vị định giá chuyển giao không dựa trên nguyên tắc giá cả thị trường giữa các công ty có liên kết với nhau trong cùng một tập đoàn để “né” thuế bằng cách chuyển lợi nhuận từ công ty này sang công ty khác. Các doanh nghiệp thường thực hiện hành vi “chuyển giá lỗ” thông qua các hình thức như: “thổi phồng” một loạt các chi phí như chi phí kinh doanh, chi phí hành chính, chi phí quản lý, hay “ma số” giá trị tài sản vốn góp cũng như giá mua bán hàng hóa...
 
Theo báo cáo hội nghị tổng kết 25 năm thu hút FDI hồi đầu năm 2013, cả nước có khoảng 14.500 doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra rằng hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ là “khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước (tương đương khoảng 7.250 doanh nghiệp - PV), trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm”. Tuy nhiên, trong năm 2013, Tổng cục Thuế mới nội soi ra và truy thu thuế được của 122 doanh nghiệp. Trong số đó có nhiều “đại gia” tên tuổi gắn liền với bài ca báo lỗ triền miên trong thời gian dài như Keangnam Vina, Hualon Corporation, Coca Cola, Adidas, Metro, Cash&Carry… Sau đợt thanh, kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đang từ lỗ lớn “bỗng dưng” thành lãi, hay từ lãi ít chuyển sang lãi nhiều, nâng tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp này lên 2.599 tỷ đồng.
 
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, sở dĩ vấn nạn chuyển giá đang “tự do lộng hành” tại Việt Nam là do sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, đặc biệt là thuế và hải quan còn quá lỏng lẻo trong việc xác định căn cứ tính thuế hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, những rào cản về việc xác minh tại nước ngoài đối với dữ liệu, thông tin về dấu hiệu chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài càng khiến việc kiểm soát chuyển giá trở nên khó khăn hơn.
 
Mặt khác, những bất cập trong việc hướng dẫn chính sách thuế của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cũng tạo “kẽ hở” cho các doanh nghiệp FDI lách luật né thuế. Đơn cử như trường hợp của Công ty Loteco (Đồng Nai), năm 2011, Tổng cục Thuế có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp xác định doanh thu, thu nhập chịu thuế, phương pháp chuyển lỗ, thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, văn bản này của Tổng cục Thuế lại mâu thuẫn với quy định tại Thông tư 128 (năm 2003) của Bộ Tài chính.
 
Chung quy, vấn đề nằm ở khâu… nói chuyện, soạn thảo văn bản và trình độ ngoại ngữ của các cán bộ đặc trách.
 
Trong cuộc phỏng vấn với báo Đại Đoàn Kết… từ hồi năm ngoái, ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - đã nhấn mạnh năng lực chuyển giá của doanh nghiệp khi cho rằng tình hình đang ngày càng tinh vi, phức tạp và khó chứng minh hơn. Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức thuộc Văn phòng Luật sư Basico (Hà Nội) cho rằng rất khó để buộc tội trốn thuế đối với các doanh nghiệp FDI dù có phát hiện nghi vấn chuyển giá và truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Bởi thực tế các doanh nghiệp không trốn thuế công khai mà đang “lách” thuế dựa trên chính những sơ hở trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, quy định pháp luật thuế của Việt Nam. Do đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng cần phải xem lại ngay từ khâu cấp giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp FDI, xem xét kỹ lưỡng việc khai báo giá trị các tài sản (thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu…) đưa vào Việt Nam. Bởi rõ ràng nếu để xảy ra tình trạng doanh nghiệp khai vống giá cao gấp chục lần để có thể hạch toán lỗ thì lỗi là do sự buông lỏng quản lý của chính các cơ quan hữu quan.
 
Và một lần nữa, lại xuất hiện các kiến nghị bổ sung thêm cơ chế phát hiện và xử lý hành vi chuyển giá đối với các doanh nghiệp chế xuất nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung. Tuy nhiên, con đường để từ một đề xuất được cụ thể hóa thành văn bản quy phạm pháp luật chính thức là cả một quãng đường dài đằng đẵng. Trong lúc chờ, những nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng chỉ có thể dừng lại ở mặt… giấy tờ và nghi ngờ.
 
Hoạt động chuyển giá thường được thực hiện thông qua các giao dịch quốc tế, tức là chuyển lãi từ những công ty con tại quốc gia có thuế suất cao sang những công ty ở quốc gia có thuế suất thấp hơn. Tuy nhiên, các công ty có liên kết trong cùng một quốc gia cũng có thể sử dụng chiêu bài trốn thuế này bằng cách lợi dụng các chính sách thuế khác nhau giữa các vùng trong một quốc gia như những quy định về mức thuế ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh… Hiện tượng chuyển giá không chỉ gây thất thu tới nguồn NSNN mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, vẽ ra một bức tranh kinh tế không trung thực.
 
 
 

No comments:

Post a Comment