Tuesday, February 25, 2014

Tổng thống Mỹ phê chuẩn hợp tác hạt nhân với Việt Nam

HÀ NỘI (NV) - Tổng thống Hoa Kỳ đã phê chuẩn thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam. Nếu Quốc Hội Hoa Kỳ không phản bác, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 5.

Hồi tháng 10 năm ngoái, đại diện Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận về hạt nhân dân sự. Lúc đó, trong một thông báo về chương trình hợp tác năng lượng, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xem Việt Nam như một đối tác nhiều tiềm năng.



Mô hình nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam (Hình: nangluongvietnam.vn)

Thỏa thuận về hạt nhân dân sự, được gọi tắt là “Hiệp định 123”, từng được hai ngoại trưởng Việt Nam và Hoa Kỳ cùng ký tại Hội nghị Thượng đỉnh Ðông Á ở Brunei. Theo đó, các công ty Hoa Kỳ có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam hoặc bán nhiên liệu cũng như thiết bị, công nghệ liên quan đến điện hạt nhân cho Việt Nam.
Ông John Kerry, ngoại trưởng Hoa Kỳ, từng cho rằng, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai về năng lượng nguyên tử ở khu vực Ðông Á. Ðến 2030, tiềm năng của thị trường này có thể đạt tới 50 tỷ đô la.

Trong thỏa thuận về hạt nhân dân sự có những quy định nhằm ngăn chặn việc Việt Nam làm giàu chất uranium hoặc phổ biến hạt nhân, song phía Hoa Kỳ nhận xét, Việt Nam “có thành tích rất tốt trong việc không phổ biến hạt nhân và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tin cậy.”

Tháng 7 năm ngoái, với sự hỗ trợ của IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NNSA) và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM), Việt Nam đã giao 16 ký uranium nhiên liệu có độ làm giàu cao cho ROSATCOM. Sau vụ chuyển giao này, lò nguyên tử Ðà Lạt sẽ chỉ sử dụng nhiên liệu có độ làm giàu thấp.

Trước nữa, vào tháng 6 năm 2010, thủ tướng Việt Nam phê duyệt kế hoạch phát triển điện hạt nhân.

Kể từ khi Việt Nam loan báo dự định đầu tư, phát triển các nhà máy điện hạt nhân, đã có rất nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam cùng lên tiếng để ngăn cản vì quá tốn kém, nhiều rủi ro, thiếu nhân lực. Tuy nhiên, bất chấp những phân tích về tác hại nhiều mặt của điện hạt nhân, chính quyền Việt Nam vẫn khẳng định, từ năm 2014 đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân ở miền Trung, trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên và Hà Tĩnh.

Ðể thực hiện kế hoạch phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã hợp tác với Nga và Nhật (tìm hiểu, lựa chọn công nghệ) và Hoa Kỳ được nhắm tới như đối tác thứ ba.

Ðến cuối năm ngoái, ông Yukiya Amano, tổng giám đốc IAEA đã đến Việt Nam gặp gỡ cả các viên chức cao cấp nhất trong chính quyền Việt Nam như thủ tướng, phó thủ tướng, nhiều bộ trưởng lẫn chính quyền tỉnh Ninh Thuận và Ban Quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tổng giám đốc IAEA cũng đã đến thị sát vị trí dự kiến sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).
Ông Amano khuyến cáo, chính quyền phải minh bạch trong tất cả các thông tin liên quan đến điện hạt nhân, kể cả các thông tin về tai nạn điện hạt nhân. Ông nhấn mạnh, nhà máy điện hạt nhân là dự án khổng lồ thành ra không thể hoàn hảo và sẽ có vấn đề nào đó, vì thế phải thông tin đầy đủ cho dân chúng. Ðồng thời phải nêu giải pháp xử lý, xem đó là một thứ cam kết để dân chúng yên tâm.

Tổng giám đốc IAEA một mặt hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam khởi động chương trình điện hạt nhân “một cách an toàn và bền vững,” mặt khác cảnh báo Việt Nam rằng, đối với nhà máy điện hạt nhân, an toàn là tiêu chí hàng đầu. Do vậy, Việt Nam cần phải thành lập cơ quan chuyên trách về an toàn hạt nhân. Cơ quan này phải hoạt động độc lập. Ngoài ra phải chuẩn bị thật tốt cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân chứ không thể vội vàng.
Sau chuyến thăm này, thủ tướng Việt Nam tuyên bố sẽ dời kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến năm 2020. 

No comments:

Post a Comment