Philippines vừa chính thức phản đối Trung Quốc sau khi ngư dân nước này tố cáo đã bị lính tuần duyên của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công gần một bãi đá ngầm còn đang tranh chấp.
Bộ Ngoại giao ở Manila đã triệu tập đại biện lâm thời của Trung Quốc để chuyển công hàm phản đối về sự kiện xảy ra hôm 27/1 gần bãi cạn Scarborough, theo người phát ngôn Raul Hernandez.
Theo hãng thông tấn AFP, ông Hernandez nói bộ của ông "cực lực phản đối hành động ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt tại khu vực Bajo de Masinloc của Philippines".
"Bajo de Masinloc [bãi cạn Scarborough] là một phần không thể tách rời của Philippines mà Philippines giữ chủ quyền và quyền tài phán."
Bãi này nằm cách đảo chính của Philippines, đảo Luzon, có 220km và vùng biển xung quanh được cho là ngư trường truyền thống của Philippines.
Theo ông Hernandez, một trong ba tàu tuần duyên của Trung Quốc đang có mặt trong khu vực đá phun vòi rồng vào hai tàu cá Philippines, không gây thương tích nhưng buộc tàu Philippines phải rút lui.
Ông nói thêm: "Tàu Trung Quốc liên tục kéo còi, sau đó phun vòi rồng vào tàu Philippines trong nhiều phút".
Lúc đó có 14 tàu cá của Philippines đang đánh bắt ở trong khu vực, các tàu đều đã về bến an toàn.
Bãi Scarborough cách đảo Hải Nam, vị trí gần nhất của Trung Quốc, tới 650km.
Thế nhưng Bắc Kinh lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này, gây đối đầu hồi tháng Tư 2012 và Philippines phải rút đi từ hồi đó.
Ông Hernandez kêu gọi Trung Quốc "tôn trọng chủ quyền của chúng tôi" và nói Philippines sẽ có biện pháp để bảo vệ quyền lợi của ngư dân.
Về phần mình, Trung Quốc từ chối trả lời trực tiếp về cáo buộc của Manila và chỉ nói ngắn gọn rằng nước này có chủ quyền không thể chối cãi tại đây.
Quy tắc ứng xử
Trong khi đó theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực kéo dài quá trình đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với khối Asean.
Tuần trước, trong chuyến thăm Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi các bên không chần chừ vì "càng để lâu căng thẳng càng âm ỉ".
Ông cũng cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột khi một bên nào đó "tính toán sai".
Kerry cũng đã mang vấn đề này ra bàn luận với Bắc Kinh.
"Tàu Trung Quốc liên tục kéo còi, sau đó phun vòi rồng vào tàu Philippines trong nhiều phút"
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với hãng tin Anh quốc rằng Bắc Kinh thật lòng muốn thúc đẩy COC. Tuy nhiên bộ này cảnh báo: "Gánh nặng thật to lớn và con đường còn rất dài trong đàm phán COC".
Giới chuyên gia về Biển Đông đã nhiều lần cảnh báo chiến thuật trì hoãn của Trung Quốc.
Một dự thảo cho bộ quy tắc do Indonesia viết đã được mang ra Asean thảo luận cả năm nay, nhưng Trung Quốc tỏ ra không mặn mà, theo Termsak Chalermpalanupap, cựu thành viên ban thư ký Asean.
No comments:
Post a Comment