Tuesday, February 25, 2014

Nông dân Việt Nam tiếp tục bỏ ruộng!

LONG AN (NV) - Nông thôn Việt Nam thiếu người trồng cấy, ruộng đất bỏ hoang vì nông dân bỏ xứ đi làm thuê.
Theo tường thuật của nhiều tờ báo tại Việt Nam, hiện rất khó thấy thanh niên ở nông thôn vì họ đã tản ra khắp nơi để tìm sinh kế do không còn sống được nhờ ruộng vườn. “người cày bỏ ruộng” đã trở thành thực trạng đáng ngại suốt từ năm ngoái đến nay và càng ngày càng trầm trọng.



Rao bán một mảnh ruộng ở Thủ Thừa, Long An. Sau năm năm thực hiện “nghị quyết tam nông,” người cày thi nhau bỏ ruộng. (Hình: Báo Tin Tức)

Trò chuyện với tờ Dân Việt, viên chủ tịch xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tiết lộ, dân số của xã này liên tục... giảm. Trên giấy tờ, dân số của xã này đã giảm từ 11,000 người (1993), xuống còn 7,780 (2013) nhưng trên thực tế, chỉ còn chừng 2,400 người. Viên chủ tịch xã ước đoán, hơn 90% dân trong độ tuổi lao động đã bỏ làng, bỏ ruộng đi tìm việc ở nơi khác.

Nông thôn Việt Nam càng ngày càng nhiều đất hoang, thiếu người trồng cấy, kể cả ở những vùng mà ruộng đất vốn rất hiếm hoi như Hà Tĩnh. Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Hà Tĩnh loan báo, tình trạng nông dân bỏ ruộng đang diễn ra trên diện rộng. Hiện có 7,500 gia đình bỏ hoang khoảng 1,300 héc ta đất và hơn 1,200 gia đình trả lại cho chính quyền 109 héc ta ruộng.

Hồi cuối năm ngoái, trong một cuộc họp tổng kết công việc năm 2013 và bàn về kế hoạch làm việc của năm 2014, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sẽ không để nông dân nghèo. Chính quyền Việt Nam sẽ đẩy mạnh “tái cơ cấu nông nghiệp” để tăng thu nhập cho nông dân.

Ðề cập đến tình trạng nông dân bỏ ruộng, viên bộ trưởng Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, phân trần, tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã chựng lại và không bền vững. Các giải pháp tiêu thụ nông sản chỉ có tính ngắn hạn và trở thành “điểm nghẽn” cản trở sự tăng trưởng chung của nông nghiệp.

Cũng tại buổi họp vừa kể, một viên phó chủ tịch của tỉnh Thanh Hóa, cảnh báo, chẳng riêng nông dân mà ngay cả ngư dân cũng gặp đủ thứ khó khăn khi muốn bám biển. Trong khi nông dân bỏ ruộng, tìm tới những thành phố lớn để mưu sinh thì ngư dân bỏ tàu để đi làm chui cho các tàu đánh cá của Trung Quốc. Một nữ phó chủ tịch của tỉnh Bình Ðịnh nói thêm rằng, “Chính phủ đề ra nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân nhưng trên thực tế, các chính sách đó không có hiệu quả.”

Dẫu ông Nguyễn Tấn  Dũng, thủ tướng Việt Nam, khẳng định, nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ cho nền kinh tế, tạo sự ổn định về chính trị xã hội” và ông ta “rất sốt ruột khi nông dân Việt Nam vốn chăm chỉ nhưng thu nhập ngày càng thấp,” trong hai tháng qua, nông dân vẫn tiếp tục bỏ ruộng và ngư dân tiếp tục bỏ tàu, bỏ biển.

Cho đến đầu tuần này, ông Trần Văn Hậu, ngụ ở xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, vẫn còn kể với báo giới rằng ông và những nông dân khác trong vùng đang phải “tự bơi.” Một người nông dân khác tên là Nguyễn Văn Lạng, ngụ cùng xã với ông Hậu khẳng định, nông dân chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, trừ chuyện miễn đóng phí thủy lợi.

Năm 2008, Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN ban hành một nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn và nông dân (thường được gọi tắt là nghị quyết về tam nông). Cho dù Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn vẫn khẳng định, nghị quyết về tam nông là đúng đắn, hồi đầu năm nay, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn vẫn phải thừa nhận mức sống của nông dân còn thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị tăng, bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân còn bất cập, nông dân phải tự gánh chịu đủ loại rủi ro do thu hồi đất đai nhưng bồi thường không thỏa đáng, thủy điện xả lũ không đúng quy trình, buộc đóng góp quá mức...

Ở cuộc họp “sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết tam nông,” ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tịch Hội Nông Dân Việt Nam, nói rằng, tình trạng nông dân bỏ hoang đất đai, không canh tác, đòi trả ruộng diễn ra ở khắp nơi có liên quan đến thu nhập, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và vì vậy trở thành “một dấu hỏi lớn cho những nhà hoạch định chính sách.”

Ðáng chú ý là vài năm qua, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp đôi. Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2009-2013, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn lên tới 520,000 tỉ đồng, bằng 52% tổng vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên càng ngày, nông dân càng cay cực, đói khổ. 

No comments:

Post a Comment