SM- 25/02/2014 -Thu hút một lượng lớn ưu đãi, nhưng tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp đang hoạt động chỉ đạt khoảng 63%. Không những vậy, đến hết năm 2013, đã có 707 dự án vốn trong và ngoài nước bị thu hồi, ngừng hoạt động hoặc không có khả năng triển khai.
Theo Chinhphu.vn, trong số 707 dự án trên, có 161 dự án vốn trong và ngoài nước đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 4.787 tỷ đồng và 260 triệu USD, 203 dự án ngừng hoạt động với tổng vốn 5.286 tỷ đồng và 386 triệu USD. Ngoài ra, có 343 dự án chưa hoặc không có khả năng triển khai... Tổng số các dự án này chiếm khoảng 10% tổng số các dự án đầu tư trong các KCN, KKT.
Tính đến hết năm 2013, cả nước có 289 KCN với tổng diện tích 81.000 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động đạt trên 63%. Cùng với đó là 15 KKT ven biển với tổng diện tích 697.800 ha. Trong đó đã có 149 KCN có tỷ lệ lấp đầy trên 60%, 117 KCN có tỷ lệ lấp đầy từ 20% đến 60% và 23 KCN đang triển khai và thu hút đầu tư còn hạn chế. Như vậy, theo báo cáo này, có 266 KCN đi vào hoạt động. Song thông tin đăng trên trang thanhtravietnam.com ngày 16/2 trích báo cáo từ Bộ Xây dựng lại cho thấy số đi vào hoạt động chỉ đạt 179. Còn theo báo Sài Gòn Giải Phóng số đăng ngày 14/2 trích lời GS-TS Võ Thanh Thu - Trường Đại học Kinh tế TPHCM - cũng thống nhất có 289 KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, song đi vào hoạt động lại đạt 184. Một sự mâu thuẫn nữa là nếu báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp của các KCN đang hoạt động đạt gần 70% thì báo cáo mới trên trang chinhphu.vn chỉ ghi nhận 63%, số liệu trên báo Sài Gòn Giải Phóng thậm chí còn ít hơn: 46%.
Bên cạnh những KCN đã thành hình, cả nước còn tồn 21 KCN có trong quy hoạch song mới triển khai được một phần diện tích, trong khi có đến 176 KCN được quy hoạch song hoàn toàn chưa được triển khai, chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Điều này đã biến nhiều KCN đã nhanh chóng được… chuyển đổi mục đích sử dụng. Chẳng hạn KCN Rạch Bắp thuộc xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương cơ sở khang trang song chỉ lác đác 6 nhà xưởng hoạt động, còn lại thì chủ yếu được tận dụng trồng sắn! Hay như KCN Đồng An 2 thuộc phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, chỉ có 30 doanh nghiệp hoạt động chiếm 27% diện tích, còn lại là đất dành để… chăn bò!
Hồi năm ngoái, khi nói về thực trạng các KKT, KCN, Bộ Xây dựng thừa nhận: “Quy mô các KKT quá lớn, dẫn đến lãng phí đất đai, nguồn lực thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung. Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật KKT được đầu tư thiếu đồng bộ. Trên cả nước, hình thành quá nhiều KKT dẫn đến đầu tư dàn trải.” Còn năm trước đó, khi cả nước có 267 KCN, khu chế xuất được thành lập, TS Nguyễn Văn Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nói rằng: Do quy hoạch KCN còn chưa thực sự thống nhất với quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, sử dụng đất, đô thị, kết cấu hạ tầng và chưa tính toán đến toàn diện khả năng, điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng có của địa phương và của vùng. Vậy nhưng, lạ một điều là đến nay, số KCN được thành lập đã tăng lên (từ 267 lên 289) nhưng số hoạt động thực có vẻ lại… không đổi, nếu tính theo báo cáo của Bộ Xây dựng là 179.
Trong số 179 KCN đang hoạt động, chỉ có 143 (tương đương 80%) đang vận hành hoặc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, song mới chỉ mới xử lý được khoảng 58% tổng lượng nước thải. Như vậy, trung bình mỗi ngày-đêm có tới 240.000 m3 nước thải ô nhiễm từ các KCN được xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý. Hiện tượng người bệnh, trâu bò chết, nông dân mất đất canh tác, nuôi trồng thủy sản… nhờ thế diễn ra phổ biến, trải dọc đất nước. |
Vĩ Thanh
No comments:
Post a Comment