Monday, March 17, 2014

Vạch trần công nghệ làm giả hồ sơ, giấy tờ, hài cốt



(Kienthuc.net.vn) - Những thủ đoạn làm giả hộ chiếu, CMND, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, sổ đỏ, thậm chí tiền hay hài cốt liệt sĩ khiến nhiều người phải sửng sốt. 

Hộ chiếu, CMND giả
Trong khi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn chưa tìm thấy, nhiều người đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào 2 vị khách trong số 239 hành khách trên chuyến bay này lại có thể dễ dàng qua mặt hệ thống an ninh để dùng hộ chiếu giả.
Theo báo cáo của Interpol, riêng năm 2002 có khoảng 40 triệu hộ chiếu đã bị đánh cắp. Một vài trong số chúng được bán bất hợp pháp cho những người có ngoại hình giống với chủ sở hữu. Số hộ chiếu còn lại bán ngoài chợ đen cho dân chuyên làm giả.
 
Thị trường hộ chiếu chợ đen rất lớn. Mỗi ngày một người có thể bán được 5-6 hộ chiếu giả. Giá mỗi chiếc hộ chiếu giả sẽ rơi vào khoảng từ 10 - 10.000 USD tùy vào độ khó bảo mật của mỗi quốc gia và trên hết là lý lịch thật của khách hàng.
Làm một hộ chiếu giả mất vài tuần hoặc vài giờ, tùy vào độ khó của từng hộ chiếu. Chỉ cần dùng tay kéo nhẹ là bạn có thể lột được mặt trước và mặt sau của tờ hộ chiếu. Công nghệ dễ làm nhất là in chồng một bức ảnh giả lên một hộ chiếu ăn cắp. Hộ chiếu này sau đó được sử dụng bởi các đường dây buôn lao động, gái mại dâm, nhập cư bất hợp pháp và tệ nhất là khủng bố, như với kẻ đánh bom tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới năm 1993.
Theo Frontex, cơ quan quản lý biên giới châu Âu, số hộ chiếu giả được dùng để nhập cảnh vào đây đã tăng mạnh. Trong báo cáo quý gần nhất, Frontex nói các vụ dùng hộ chiếu giả bị phát hiện tăng 61% so với quý trước và mỗi tháng có 170 vụ bị phát hiện. Hai người đi trên chuyến bay MH370 bị mất tích của Hãng hàng không Malaysia dùng danh tính Christian Kozel và Luigi Maraldi đều là những hộ chiếu bị mất cắp ở Phuket.
Thủ thuật làm giả chứng minh nhân dân tại Việt Nam cũng tương tự. Các đối tượng làm giả ăn cắp hoặc mua lại những chứng minh nhân dân bị ăn cắp rồi sau đó thay ảnh, hoặc trực tiếp làm giả chứng minh thư. 
Tiền giả
Tiền cũng là một trong những thứ được làm giả khá nhiều ở Việt Nam. Tiền được làm giả chủ yếu theo phương pháp thủ công: vẽ, khắc và in lưới. Chúng tách đôi tờ tiền thật rồi dán từng mặt vào một tờ giấy khác. Tờ giấy này được phun màu điện tử giống y chang tiền thật. Cách làm giả này chủ yếu được các đối tượng trong nước sử dụng.
 Rất nhiều vụ buôn bán, vận chuyển tiền giả tại Việt Nam đã bị phát hiện trong thời gian qua. 
Còn các tổ chức làm bạc giả ở nước ngoài lại "ưa thích" phương pháp in offset hoặc photo màu. Sản phẩm được tạo ra từ cách làm này có độ tinh xảo rất cao, mắt thường khó phát hiện được đâu là tiền giả. Đặc biệt với loại mệnh giá 100.000 đồng, chúng đã vô hiệu hóa tác dụng của máy kiểm tra tiền.
Tội phạm nước ngoài vào Việt Nam còn nhúng tiền giả vào hóa chất là cho tờ bạc chuyển sang màu sẫm, tạo cảm giác tiền cũ đã được lưu thông từ lâu. Cách này cũng "qua mặt" được máy kiểm tra tiền của ngân hàng và các doanh nghiệp.
Để lưu hành tiền giả, các đối tượng thường lợi dụng lúc thiếu ánh sáng, đông người... để kẹp tiền giả vào tiền thật nhằm lừa bịp người người tiêu dùng. Một cách khác là chúng sử dụng tiền giả có mệnh giá cao mua hàng hóa có giá trị thấp, với mục đích thu về tiền thật.
Giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp giả
Giấy phép lái xe và bằng tốt nghiệp có lẽ là thứ giấy tờ được làm giả nhiều nhất tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện và bắt giữ hàng loạt đối tượng, đường dây làm giả hai loại giấy tờ trên.
Mới đây nhất, ngày 15/3, VKSND Tối cao cho biết, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương chỉ đạo và hỗ trợ điều tra mở rộng đường dây, ổ nhóm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với số lượng rất lớn.
Giấy phép lái xe giả nhìn y như thật. 
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố 6 bị can có liên quan.
Khám xét nơi ở của những đối tượng này, cơ quan công an đã thu giữ được các loại máy in phôi, máy ép nhựa, máy tính xách tay cùng nhiều thiết bị, hình con dấu Bộ, ngành… sử dụng cho việc làm giả giấy tờ của các cơ quan Nhà nước.
Cơ quan điều tra đã thu được một số lượng giấy tờ giả "khủng": Trên 200 giấy phép lãi xe đã hoàn chỉnh, trên 700 giấy phép lái xe chưa hoàn chỉnh, trên 150 bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trung học cơ sở và nhiều chứng chỉ chuyên môn khác...
Được biết, từ đầu năm 2012 đến nay, đối tượng Hùng cùng cha vợ của đối tượng Tám đã tiêu thụ khoảng 100 giấy phép lái xe hạng A1 và nhiều giấy phép lái xe hạng B2, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông... Một giấy phép lái xe hạng A1 (loại giấy) bán từ 250.000 đến 700.000 đồng/chiếc, loại thẻ bán khoảng 1,1 triệu đồng/chiếc, hạng B2 (loại giấy) bán 11,5 triệu đồng/chiếc… Còn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông bán 12 triệu đồng/chiếc.
Như vậy, trong số nhiều lái xe đang điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, có hàng trăm lái xe đang sử dụng giấy phép lái xe giả. Tức là, họ chưa được đào tạo, sát hạch để cấp giấy phép lái xe, nhưng vẫn ngồi sau vô lăng tay lái. Đây là hiểm họa rình rập cướp đi sinh mạng của nhiều người, nên cần phải triệt tận gốc.
Hài cốt liệt sĩ cũng bị làm giả
Ngay cả hài cốt liệt sĩ – những người đã hy sinh vì độc lập, tư do của dân tộc, cũng bị một số kẻ bất lương làm giả vì tiền.
Hồi cuối năm 2013, vụ việc “nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy (tức “cậu Thủy”, 54 tuổi, ngụ tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bị cơ quan điều tra bắt giam vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản về các hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sĩ đã gây phẫn nộ trong dư luận.
Đối tượng Thủy đang trong 1 buổi cất bốc hài cốt liệt si giả tại Gio Linh, Quảng Trị.  
Sau khi vụ việc bốc hài cốt giả ở thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị) vào ngày 25/7/2013 bị phát giác, nhiều người dân địa phương cho biết có nhìn thấy Nguyễn Văn Thúy (tức "cậu Thủy") và một số người có mặt ở địa phương vào thời điểm tháng 3/2013.
Sau này xâu chuỗi sự việc, cơ quan chức năng dễ dàng nhận ra Thủy có mặt ở đây để chọn vị trí đặt các "hài cốt" và tiến hành chôn xương cùng các di vật.
Thời điểm bốc mộ được "cậu" lựa chọn vào thời điểm chập choạng tối và kéo dài sang rạng sáng hôm sau.
Trước khi việc bốc mộ diễn ra, Thủy tổ chức lễ cầu siêu cho vong linh các “liệt sĩ”. Sau đó, “cậu” gọi hồn người chết nhập vào người phụ nữ to mập đã được chọn trước. Ít nhất trong 3 lần cất bốc tại Đắk Lắk và Quảng Trị, Thủy sử dụng người phụ nữ này.
Khi các "liệt sĩ" nhập hồn thì luôn nhắm mắt, hỏi han người thân, đôi khi quát mắng.
Khi tìm được vị trí mộ, “cậu Thủy” cầm hương làm phép, xin được cất bốc. Trong suốt thời gian này, “cậu Thủy” ngồi ghế ở phía trên chỉ đạo, lâu lâu "cậu" phán còn thiếu hạt nút của người này, sót miếng xương cổ của người khác.
Các di vật được tìm thấy luôn luôn là bi đông nước, dép cao su, mũ cối, một vài ngôi sao, nhưng tuyệt nhiên không có võng hay súng đạn. Các hố chôn hài cốt chỉ sâu chừng 0,6 - 1m. Các bi đông đều đặt cùng một tư thế và với một nét khắc tương tự nhau.
Điều đặc biệt của “cậu Thủy” là có thể biết trước được số lượng hài cốt sẽ cất bốc và biết cả tên tuổi của họ.
Tại lần cuối cùng, do không được trực tiếp thực hiện bốc mộ, thay vào đó là lực lượng quân sự địa phương nên các hành vi của Thủy và đồng bọn đã bị phát giác.
Theo kết luận về việc giám định cuối cùng từ Viện pháp y Quân đội về các di vật cũng như các mẫu xương được “cậu Thủy” cho là hài cốt liệt sĩ, đây chỉ là xương động vật, chủ yếu là xương lợn nái, mèo... Các di vật như dép cao su, bi đông khắc tên liệt sĩ… là các di vật được Thủy và đồng bọn làm giả.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment