Monday, March 17, 2014

Thanh Hóa: Nhiều cử nhân trốn phân công công tác, quỵt tiền đào tạo


(GDVN) - Bất chấp hàng vạn cử nhân thất nghiệp, nhiều y bác sỹ cử tuyển ở Thanh Hóa quyết không nhận quyết định phân công công tác, "quỵt" tiền đào tạo của nhà nước...
Phân việc, không làm
Chuyện này xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa khi thực hiện chủ trương của Bộ Y tế và nhằm tăng cường bác sĩ cho các huyện miền núi. Từ nhiều năm qua, Thanh Hóa có chính sách hỗ trợ đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng. Số sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được phân về miền núi tỉnh Thanh Hóa làm việc.

Theo đó, từ năm 2011 đến nay, gần 60 sinh viên ngành Y tốt nghiệp ra trường đã được Sở Y tế Thanh Hóa tiếp nhận, phân công công tác tại các Bệnh viện Đa khoa ở các huyện miền núi, đáp ứng yêu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Dự kiến thời gian tới số sinh viên (được đào tạo theo địa chỉ) còn lại sẽ tiếp tục được bố trí công tác ổn định.
Tuy nhiên, ngành Y Thanh Hóa đang tồn tại nghịch lý “dở khóc, dở cười" khi một số sinh viên ngành y ra trường dù đã được bố trí công tác ổn định nhưng họ vẫn từ chối không nhận việc. 
Kiến nghị của Sở Y tế thanh Hóa về việc một số sinh viên không nhận công tác
Trong số đó có một trường hợp là bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1988) trú tại thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, tốt nghiệp năm 2013, được phân công công tác về Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy. Nhưng do hoàn cảnh gia đình nên có nguyện vọng xin được bồi thường kinh phí đào tạo để liên hệ công tác tại tỉnh ngoài.
Còn 2 trường hợp dù đã được sở Y tế Thanh Hóa gửi thông báo nhiều lần nhưng không đến nhận quyết định phân công công tác gồm: Bác sĩ Nguyễn Quang Cường (sinh năm 1981), trú tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tốt nghiệp năm 2011, được phân công công tác về Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành; bác sĩ Phạm Ngọc Minh (sinh năm 1988), trú tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tốt nghiệp năm 2013, được phân công về Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát.
Xử lý thế nào?
Được biết, những trường hợp nêu trên được đi học theo chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng, được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí học tập. Theo cam kết, sau khi tốt nghiệp, những sinh viên này phải về công tác tại tỉnh Thanh Hóa theo sự phân công của ngành chức năng. Thời gian công tác 5 năm sau khi ra trường mới có quyền được xin thuyên chuyển công tác. 
Trước tình trạng trên, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 1429/UBND-VX truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Văn Việt: Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện: Yên Định, Thạch Thành, Cẩm Thủy xử lý nghiêm sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học các chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực y tế, diện đào tạo theo địa chỉ sử dụng không chấp hành sự phân công công tác của cấp có thẩm quyền; xem xét, giải quyết việc bồi hoàn kinh phí đối với những sinh viên nêu trên có nguyện vọng công tác tại địa phương khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, số cử nhân từ chối nhận quyết định nêu trên vẫn đang " mất tích" một cách bí ẩn?
Trong khi đó tại nhiều huyện miền núi Thanh Hóa đội ngũ y, bác sĩ vẫn đang thiếu
Ngày 15/3, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho  biết: “Hiện tại, chúng tôi đã nhận được công văn của UBND tỉnh giao cho sở Nội vụ phối hợp với sở Y tế xem xét xử lý 3 trường hợp sau khi tốt nghiệp đại học các chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế, diện đào tạo cử tuyển đã không chấp hành sự phân công công tác của cấp có thẩm quyền. Chúng tôi đang xác minh thông tin về 3 trường hợp trên hiện đang ở đâu? Nếu phát hiện các trường hợp trên đang công tác ở phạm vi ngoài tỉnh, Sở sẽ báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý ”. 
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2013, toàn tỉnh có 24.956 học sinh - sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Trong đó, người có trình độ trên ĐH là 45, ĐH và CĐ khoảng 12.000. Việc một số sinh viên ngành Y kiên quyết từ chối nhận quyết định bố trí công tác vô tình tạo nên một nghịch lý trong công tác giáo dục, đào tạo tại Thanh Hóa.

No comments:

Post a Comment