Monday, March 17, 2014

Chợ như chốn không người!

17/03/2014 10:56 (GMT + 7)
 
 Nhiều chợ lâm vào cảnh người bán nhiều hơn người mua (ảnh chụp tại chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: T.Đạm
 
 TT - Các siêu thị không còn cảnh đông đúc, trung tâm thương mại thì đìu hiu, có nơi đóng cửa. Còn tại chợ sức mua thấp đến mức nhiều tiểu thương trong một tuần chỉ bán được vài ba món hàng. Rõ ràng, sức mua tại nhiều đô thị chưa bao giờ ảm đạm như lúc này...
Quần áo thời trang, mũ nón, giày dép - những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu - sức mua đã giảm từ 40-80% so với các năm trước. Tiểu thương như “ngồi trên lửa” khi hàng hóa cứ xếp chồng lên nhau mà vốn không rút ra được.
Hàng tồn như núi
"Nếu trước đây nhiều shop lấy quần áo lên đến cả triệu đồng thì nay hầu hết chỉ dám lấy hàng giá từ 300.000 đồng trở xuống, nên hàng tồn chất cao như núi"
Bà Nguyễn Thị Kim Loan (chủ sạp quần áo tại chợ An Đông)
Những ngày giữa tháng 3-2014, dạo quanh nhiều khu chợ đầu mối, chuyên bán sỉ tại TP.HCM như An Đông (Q.5), Bình Tây (Q.6) hay các chợ lẻ có tiếng như Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chúng tôi đều bắt gặp khung cảnh: vắng khách!
Tại khu vực bán quần áo của chợ Bà Chiểu, chờ gần 30 phút chúng tôi mới gặp được một khách hàng là chị Lữ Thị Thu Hoài (đường Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh). Mặc dù nhà gần chợ nhưng chị Hoài cho biết: “Hơn một tháng rồi tui đâu ra chợ mua bán thứ gì. Bữa nay ra chợ mua hai bộ đồ cho con hết 120.000 đồng. Dịp tết vừa qua đã ngốn một mớ nên chẳng còn đâu mà mua sắm quần áo, chi tiêu chi nữa”. Một số tiểu thương tại đây cho hay gặp được khách, bán được hàng cho người như chị Hoài là may mắn, có người cả ngày không bán được thứ gì.
Ở chợ Bình Tây - một trong những chợ bán sỉ lớn của TP.HCM, cả khu tầng trệt bày bán la liệt túi xách và giày dép, mặc dù được xếp chật các lối đi với đầy đủ mẫu mã nhưng tiểu thương nào cũng rầu rĩ vì người bán nhiều hơn người mua. Nhìn chồng túi xách xếp cao như núi, ông Nguyễn Đức Quang, chủ sạp túi xách Quang Khải, thở dài cho biết từ qua tết đến nay ngày đông nhất ông cũng chỉ bán được vài chục cái, còn phần lớn ngồi ngáp từ sáng đến chiều. “Tính ra phải giảm đến 40% so với năm ngoái. Nếu năm ngoái còn bán được lai rai, năm nay khách vãng lai rất ít, còn mối mua sỉ đi các tỉnh hầu như bặt tăm. Tình hình này chỉ trông vào mùa học sinh tháng 8, 9 mới mong bán xong mẫu cũ năm ngoái” - ông Quang than.
Ở tầng trên, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - chủ sạp quần áo Thanh Thúy - cho biết từ hai năm trở lại đây, lượng hàng ở chợ bán ra giảm 30-40% theo từng năm, do chợ chủ yếu bỏ sỉ đi tỉnh, nhưng mối ở tỉnh bán ế quá. “Nhiều mối qua năm mới là biệt tăm luôn, hàng lấy từ tết tới giờ chưa trả tiền. Nếu mọi năm mối lấy thanh toán tiền ngay trong tháng thì nay phải đợi đến ba, bốn tháng đã trở nên phổ biến. Mối nợ mình, mình nợ nhà sản xuất, cứ trong vòng luẩn quẩn vậy thì chỉ có đóng shop” - bà Thúy lo lắng.
Theo bà Thúy, không chỉ bỏ sỉ, bán lẻ cũng trở nên ế ẩm. So với hai năm trước đây lượng khách nước ngoài đến chợ giảm 80% nên nhiều tiểu thương phải đóng cửa. Hiện tầng 1 có khoảng 250 sạp kinh doanh quần áo, nhưng hết 80 sạp làm kho và đóng cửa, còn lại buôn bán cầm chừng.
Tương tự, tại chợ sỉ An Đông với lầu 1 bày bán chủ yếu túi xách và giày dép, lầu 2 bán quần áo nhưng cũng trong tình cảnh thưa vắng người mua. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, chủ sạp quần áo Kim Loan, buồn bã cho hay cả ngày hôm nay chỉ được một mối. “Nếu trước đây nhiều shop lấy quần áo lên đến cả triệu đồng thì nay hầu hết chỉ dám lấy hàng giá từ 300.000 đồng trở xuống, nên hàng tồn chất cao như núi. Những năm trước, một mẫu (thời trang) có thể “sống” được hai năm, thì nay chỉ vài tháng là lỗi mốt phải bán theo dạng tồn kho, nên lấy 10 cái bán hết năm cái theo dạng tồn kho, chấp nhận lỗ nhưng vẫn không bán được” - bà Loan rầu rĩ.
Cũng theo bà Loan, mấy năm trước thường thời điểm này mối ở các tỉnh miền Trung vào lấy quần áo thời trang mùa hè dự trữ gỡ gạc, cơ sở đã chuẩn bị hàng đầy kho, nhưng năm nay bán rất chậm, coi như mối miền Trung mất đứt. Tình trạng ế ẩm này có thể sẽ kéo dài đến tận tháng 9, tháng 10.
Theo bà Nguyễn Thị Nga - chủ một cơ sở may quần áo jean tại chợ Tân Bình, người mua ngày càng ít trong khi các cơ sở may, các cửa hàng, trung tâm thương mại kinh doanh thời trang mọc lên như nấm, nếu không cạnh tranh tốt về giá và có các kênh phân phối riêng, người bán sẽ lâm vào tình trạng ế ẩm. “Qua tết đến nay, lượng hàng các mối trong nước lấy giảm đáng kể so với năm ngoái. Vào thời điểm này, nếu năm ngoái trong nước chiếm 60% trong gần 2.000 sản phẩm ra thị trường/ngày thì nay chỉ còn khoảng 30%. Để giữ chân công nhân, chúng tôi phải tìm mối đẩy hàng sang Lào và Campuchia với giá thấp hơn trong nước khoảng 5-10%” - bà Nga nói.
Chỉ số CPI tại TP.HCM và cả nước trong tháng 2 qua các năm
Đồ họa: Vĩ Cường
Bỏ chạy khỏi trung tâm thương mại
CPI tháng 3 sẽ còn giảm
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 nhiều khả năng sẽ xuống thấp hơn nữa so với tháng 2. Do sức mua thị trường quá yếu, nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục giảm giá, thậm chí phải bán phá giá. Tuy nhiên chỉ ở một số nhóm hàng, còn lại ở các nhóm khác giá biến động giảm sẽ không quá lớn nên khó có khả năng xảy ra tình trạng chỉ số CPI tháng 3 về mức âm. Cũng theo ông Phong, thông thường từ tháng 3 tới tháng 10 chỉ số CPI có biến động thấp, dao động không quá lớn do sức mua khó có đột biến.
D.TUẤN
Tình cảnh ế ẩm không chỉ xảy ra ở các chợ, các trung tâm thương mại ở những khu vực sầm uất nhất trung tâm quận 1 cũng tương tự. Hơn 10g ngày thứ bảy (15-3), cả tầng trệt trung tâm thương mại Lucky (đường Nguyễn Huệ, Q.1) vắng khách. “Bán buôn gì giờ này anh, mở cửa hàng gần sáu tháng nay, em bán được duy nhất một đôi bông tai giá 270.000 đồng” - chị Hương Ly, chủ một gian hàng tại đây, nói với chúng tôi. Theo các tiểu thương, tình trạng sức mua èo uột đã xảy ra từ nhiều tháng nay, ngay cả dịp tết cũng không khá hơn bao nhiêu. “Kinh hoàng lắm anh ơi, một gian hàng thuê đã 25 triệu đồng/tháng, còn tiền hàng bỏ ra cả tỉ bạc, giờ trót đâm lao thì phải theo lao chứ không biết làm sao” - một tiểu thương kinh doanh mặt hàng quần áo than thở.
Dạo quanh một vòng trung tâm thương mại này có thể thấy quá nửa các gian hàng vẫn đóng cửa im lìm dù đã quá trưa ngày cuối tuần, không ít trong số đó đã bị ban quản lý tòa nhà niêm phong vì “nợ quá hạn” tiền thuê sạp hằng tháng. “Tôi thuê hai sạp tại tầng này, một sạp đã bị niêm phong, còn một sạp ráng lay lắt theo chứ giờ không biết tính sao” - chị Hồ Thị Thu Đông, chủ một sạp giày dép, cho biết.
Tình hình èo uột tại trung tâm thương mại Kỳ Đồng (Q.3) còn bi đát hơn. Chị Mai Hương, một tiểu thương tại đây, cho hay từ nhiều tháng nay việc kinh doanh “gần như là con số 0”. Tiểu thương không ai bán được hàng, trước đây có hơn 50 gian hàng thì đến nay chỉ còn hơn 10 gian hàng trụ lại. Tuy nhiên, đến ngày 27-2 cũng đã không thể “cầm chừng” được hơn. Ghi nhận tại trung tâm này sáng 16-3 cho thấy bên trong quầy kệ hàng hóa vẫn còn nhưng cửa kính đóng im lìm, mọi hoạt động kinh doanh gần như “đóng băng” hoàn toàn.
Không chỉ có trung tâm thương mại, trên nhiều tuyến đường, nhiều cửa hàng kinh doanh cũng đã biến mất hoặc đổi chủ rất nhiều lần vì “bán không được, trong khi ôm một đống nợ chưa biết đến bao giờ mới trả nổi” - anh Q.H., một chủ cửa hàng vừa đóng cửa trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3), nói. Trên đường Hai Bà Trưng (Q.3), tiệm quần áo của một thương hiệu lớn cách đây hai tuần cũng rút khỏi thị trường, toàn bộ biển hiệu được tháo xuống, căn nhà trống trơn và đóng kín cửa. Theo chủ căn nhà này, buôn bán không được là nguyên nhân khiến nhãn hiệu này trả mặt bằng, mặc dù đang kêu gọi, quảng bá nhưng chủ nhà cho hay cũng rất khó khăn khi cho thuê mặt bằng thời điểm này.
DŨNG TUẤN - NGUYỄN TRÍ
Lượng vật liệu xây dựng tồn kho đến thời điểm này - Đồ họa: Vĩ Cường
Sắt, thép, ximăng... dồn ứ
Nhóm hàng vật liệu xây dựng vẫn là một trong những nhóm hàng chịu tác động nặng nề nhất của sức mua yếu. Những ngày này tại phố vật liệu xây dựng nổi tiếng dọc các đường Tô Hiến Thành, Thành Thái, Lý Thường Kiệt (TP.HCM)... chỉ thấy người bán ngồi ngáp ngắn ngáp dài chờ khách. “Đến tận bây giờ vẫn không có một đơn hàng nào đặt cho ra hồn, hàng lấy từ trước tết đến giờ vẫn còn mà người mua thì không thấy đâu” - bà H.T., chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Thành Thái, thở hắt ra trong ngao ngán. Trong sổ giao nhận hàng hóa, mục “giao hàng” gần như trống trơn, trong khi mục “nhập hàng” thì số liệu mới nhất ghi nhận từ tháng 11-2013 với số lượng vài chục bộ sứ vệ sinh, 200 tấn ximăng, 15 tấn thép, vài trăm thùng gạch ốp lát cỡ 40x40cm.
Dù đã chủ động cắt giảm sản xuất từ 30-40%, thậm chí có nơi lên đến 50%, nhưng các doanh nghiệp sản xuất ngành vật liệu xây dựng vẫn phải đối mặt với tình cảnh ứ hàng. Giám đốc một doanh nghiệp thép trong khối Tổng công ty Thép VN thừa nhận dù đã chủ động cắt giảm sản xuất gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn xấp xỉ 20.000 tấn/tháng, nhưng mức tiêu thụ của công ty ông vẫn chỉ đạt khoảng 12.000 tấn/tháng, và hiện còn tồn hơn 13.000 tấn sau hai tháng đầu năm. Khối tư nhân cũng “sống dở chết dở” khi lượng hàng tồn kho còn cao hơn gấp nhiều lần khối doanh nghiệp nhà nước. Giám đốc điều hành doanh nghiệp thép tư nhân thuộc loại lớn khu vực phía Nam cho hay doanh nghiệp ông còn tồn hơn 50.000 tấn thép dù “đã đẩy mạnh xuất khẩu hòng bù đắp vào lượng tiêu thụ quá chậm ở thị trường nội địa”. “Nhu cầu xây dựng dân dụng trong dân quá ít, còn thị trường bất động sản và các công trình đầu tư công vẫn trong quá trình được giám sát gắt gao nên đầu ra chưa thể như kỳ vọng của doanh nghiệp” - vị giám đốc này nói.
Tính đến cuối tháng 2-2014, Hiệp hội Thép VN đã ghi nhận lượng thép tồn kho của các thành viên toàn hiệp hội lên đến gần 360.000 tấn. Nếu tính luôn gần 500.000 tấn phôi thép đang nằm tại các kho của doanh nghiệp thì lượng hàng tồn xấp xỉ hơn 850.000 tấn.
Ngành ximăng cũng chẳng “khỏe” hơn ngành thép là bao khi thời điểm trước lẫn sau tết đều ế như nhau. “Nếu không xuất khẩu được ximăng, tôi tin rằng lượng tồn kho của các doanh nghiệp sẽ rất lớn chứ không chỉ gần 2,7 triệu tấn như hiện nay” - ông L.T., tổng giám đốc doanh nghiệp ximăng T, nói.
Hội Vật liệu xây dựng VN cũng cho biết thêm hiện lượng gạch ốp lát tồn kho khoảng 16 triệu m2 (tương đương hai tháng sản xuất), kính xây dựng tồn kho khoảng 12 triệu m2 (tương đương 1,5 tháng sản xuất) và chưa biết đến khi nào mới “giải quyết” xong lượng hàng tồn này.
TRẦN VŨ NGH

No comments:

Post a Comment