Thứ Hai, 17/03/2014 23:12
Một bé gái 13 tuổi (ngụ tỉnh Đồng Nai) 6 lần bị bắt vì trộm cắp xe đạp. Một bé trai 8 tuổi (ngụ tỉnh Bắc Ninh) bị bố bạo hành đến sung huyết vùng mặt, chấn thương sọ não, hôn mê sâu. Một bé trai 4 tuổi (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị mẹ của hiệu trưởng trường tư thục dùng dép đánh sưng mặt.
Những thông tin trên trong mấy ngày liên tiếp khiến dư luận chú ý, đặc biệt dù trước đó đã có không ít trường hợp tương tự.
Tháng 2-1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ 2 trên thế giới ký tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Điều 3 của công ước ghi nhận trong tất cả những hành động liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải đặt lên hàng đầu. Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em có hiệu lực từ năm 2005 quy định: Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định hành vi xâm hại sức khỏe hoặc hành hạ, đánh đập thành viên gia đình nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, có thể bị xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng. Chương trình quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giao cho nhiều bộ, ngành tổ chức các dự án nhằm tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ... Người ngược đãi hoặc bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một số tội danh...
Thế nhưng, hằng năm, cả nước vẫn có khoảng 3.000-4.000 vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em, 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em với khoảng 900 em là nạn nhân (đây chỉ là số vụ có trình báo, thực tế chưa thống kê đầy đủ). Từ năm 2007 đến tháng 6-2013, toàn quốc có gần 95.000 người chưa thành niên phạm tội, ở hầu hết các lĩnh vực mà nhiều nhất là trộm cắp tài sản. Độ tuổi phạm tội dưới 14 tuổi chiếm 13%; từ 14-16 tuổi chiếm 34,7%.
Như vậy, có thể thấy việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em chưa thực sự được coi trọng. Ngoài việc Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em chưa quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em, chưa chú trọng trách nhiệm giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể... một cách toàn diện; ngoài các yếu tố về kinh tế, giá trị gia đình đang băng hoại, đạo đức xuống cấp, tình trạng phân biệt đối xử về giới còn cao... thì nhận thức và việc thực thi pháp luật trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em còn rất mơ hồ và bị xem nhẹ. Cơ quan chức năng chưa phát huy hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không có giải pháp phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những tiêu cực xảy ra với trẻ em.
Bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai đất nước. Để không quá muộn, phải hành động ngay từ bây giờ một cách đồng bộ, quyết liệt, mà việc trước tiên là phổ biến và giáo dục những quy định pháp luật về quyền trẻ em một cách thiết thực, cụ thể đến từng người dân.
Tố Trâm
No comments:
Post a Comment