Monday, March 17, 2014

Thương lái Trung Quốc lừa:Bộ Công thương, Nông nghiệp đã làm gì?



(Thị trường) - Thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản của Việt Nam, Nhà nước phải đi sâu hơn và đi trước một bước để có những biện pháp rõ ràng.
Là quan điểm của PGS TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương trong cuộc trao đổi với báo Đất Việt trước thực trạng thương lái Trung Quốc đang ồ ạt thu mua các loại nông sản như lá cây khoai lang, lá sắn, cây culi, mầm thảo quả, hạt mây rừng... giá cao với động cơ không rõ ràng.
Theo PGS TS Hoàng Thọ Xuân, để tình trạng trên diễn ra là do chúng ta không hiểu về nhà buôn của Trung Quốc. Ông cho rằng, phải hiểu mới có thể đưa ra những chính sách đối phó, phản ứng phù hợp thay vì cách giải quyết như hiện nay chỉ là tuyên truyền, cảnh báo việc phải thận trọng, xem hợp đồng mua bán, quy định hợp đồng phải trên giấy tờ thay vì bằng miệng ….
Không ít người nông dân phá cả ruộng sắn nhà mình đi, hái lá để bán nhưng thương lái Trung Quốc đã không quay lại lấy
Không ít người nông dân phá cả ruộng sắn nhà mình đi, hái lá để bán nhưng thương lái Trung Quốc đã không quay lại lấy
"Những cách trên chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, trong khi gốc của vấn đề là phải có điều tra, xem xét các sản phẩm được mang đi đâu, dùng làm gì, mục tiêu kinh tế hay mục tiêu phi kinh tế", PGS TS Hoàng Thọ Xuân nói.
PGS TS Hoàng Thọ Xuân cho rằng, làm như vậy mới có chủ trương, chính sách ứng phó lâu dài. Những cơ quan của nhà nước như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải hiểu sâu sắc xem nguyên nhân bắt nguồn từ đâu, chủ trương này là của ai, có phải vì mục tiêu kinh tế để thu lợi nhuận hay phi kinh tế.
"Đây là việc các cơ quan chuyên môn nên làm, phải dựa trên những căn cứ pháp lý, những việc này đã diễn ra nhiều năm, không phải ngày một ngày hai, phải có chính sách lâu dài nếu không, hôm nay chặn được lá khoai lang, ngày mai sang lá nhãn, chặn được mầm thảo quả, ngày mai sang mắt trâu, móng trâu, đỉa…", PGS TS Hoàng Thọ Xuân cảnh báo.
PGS TS Hoàng Thọ Xuân lưu ý, có 2 căn cứ pháp lý quan trọng áp dụng vào trường hợp này không thỏa đáng là trong cam kết WTO có quyền xuất nhập khẩu. Trong quyền xuất khẩu, doanh nghiệp thương nhân nước ngoài không được phép mở mạng lưới thu mua trực tiếp với người dân thông qua doanh nghiệp Việt Nam tức là không được vào tận nhà, tận ao, tận vườn để thu mua.
Thứ 2 là quyền phân phối, chúng ta không cam kết với thế giới về sự hiện diện của thể nhân. Thực tế, phải thể chế hóa một bước nữa mới thực hiện được vì không thể ra chợ quy trách nhiệm ngay nếu thấy người nước ngoài mua của người Việt Nam. Thêm nữa, người Trung Quốc lại núp bóng thương nhân Việt Nam, không mua trực tiếp của người dân, mà mua qua đại lý của Việt Nam nên mình phải tính táo không họ sẽ phủ nhận. 
Theo PGS TS Hoàng Thọ Xuân, phải có chế tài đối với các trường hợp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, xử lý làm sao, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm là Bộ hoặc giao cho chính quyền xã, huyện.
PGS TS Hoàng Thọ Xuân cũng nhấn mạnh thêm rằng, hiện tất cả những gì chúng ta đã nói chỉ là phỏng đoán, mua chè bẩn hạ thấp danh tiếng chè Việt Nam, vơ vét tài nguyên, phá vỡ quy hoạch… trong khi không quá khó để xác định được việc Trung Quốc mua các sản phẩm đó về để làm gì.
"Phải có nghiên cứu căn cơ để có giải pháp lâu dài, làm một cách tế nhị, không thể làm ồ ạt như một làn sóng tẩy chay. Nhà nước phải đi sâu hơn và đi trước một bước để có những biện pháp rõ ràng", PGS TS Hoàng Thọ Xuân nói.
Tâm An 

No comments:

Post a Comment