2014-03-16
Các thuyền nhân Việt Nam tại trại Yongah Hill đang tuyệt thực, cầu nghuyện để hiệp thông với giáo xứ Mỹ Yên hôm 5/9/2013.-Hình do thuyền nhân trại Yongah Hill cung cấp
Như tin đài chúng tôi đã loan trong tháng 2 vừa qua, nhiều thuyền nhân Việt Nam đã bị đối xử tàn tệ khi chuyển từ trại tạm giam Yongah Hill sang Christmas Island. Nay lại có thư cầu cứu của các thuyền nhân trong trại này về việc họ bị kỳ thị bởi nhân viên của trại.
Không tôn trọng niềm tin tôn giáo
Ngoài những khó khăn mà thuyền nhân tầm trú tại Úc gặp phải do chính sách cứng rắn của chính quyền hiện hành. Thuyền nhân tầm trú tại trại Yongah Hill còn phải đối diện với một thách thức khác, đó là những hành động có tính cách phân biệt đối xử của nhân viên làm việc trong trại này. Anh Jos Nguyen, một thanh niên công giáo từ Nghệ An, đã ở trại Yongah Hill từ hơn 8 tháng nay tâm sự:“Cái việc làm mà họ không được phép làm trong một đất nước văn minh, một đất nước tôn trọng quyền tự do con người. Chúng em rất là buồn về vấn đề họ xử sự với chúng em như vậy. Chúng em nghĩ rằng họ rất là kỳ thị và không tôn trọng con người Việt Nam.”
Đỉnh điểm là sự việc xảy ra vào đêm 5 tháng 3 vừa qua, lúc 8 giờ tối, khi một nhóm thanh niên công giáo khoảng 50 người tụ họp cầu nguyện trong phòng ăn thì nhân viên Serco (SERCO là một công ty tư nhân được trại mướn để lo việc kỷ luật, trật tự) vào phòng ngăn không cho nhóm này cầu nguyện bằng những hành động hết sức thô lỗ. Anh Jos Nguyễn thuật lại:
Họ không tôn trọng chúng em thì đã đành rồi, họ còn không tôn trọng niềm tin tôn giáo của chúng em, họ đã xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của chúng em.“Ngày 5/3 vừa rồi, theo như thường lệ thì chúng em đọc kinh cầu nguyện vào lúc 8 giờ tối, khoảng 8.15 giờ chúng em vẫn còn đang đọc kinh cầu nguyện thì có một nữ Serco vào, tỏ ra rất hung hãn, to tiếng, yêu cầu chúng em phải dừng ngay đọc kinh. Khi đó, chúng em vẫn còn đang đọc kinh nên cho một vài người biết nói tiếng Anh kêu bà ta thông cảm, nếu có chuyện gì thì để chúng em đọc kinh xong rồi giải quyết. Bà ta đi ra ngoài nhưng tỏ thái độ không hài lòng, vừa đi ra vừa lớn tiếng, khi đó chúng em vẫn tiếp tục đọc kinh cầu nguyện, một lát sau có một ông Serco vào, ông ta đi đi lại lại trước mặt chúng em, chúng em ngồi một vòng và đặt chiếc tượng ở trên bàn thì ông ta tỏ ra hung dữ, nhưng vì chúng em vẫn đọc kinh và không tỏ ra thái độ gì cho nên ông ta đi ra và dùng 2 cánh tay đóng sầm cửa tỏ vẻ phản đối là mọi người đều giật mình nhưng mà chúng em vẫn tiếp tục cầu nguyện.
-Jos Nguyễn
Sau đó, khoảng 8.25 giờ thì ông này và 1 bà Serco khác chạy vào giữa chúng em quát mắng yêu cầu chúng em ngừng ngay việc đọc kinh và đuổi chúng em ra ngoài như đuổi những con vật. Họ chửi bới những câu rất ư là thô tục. Họ dùng những lời như là: f… you! f… off!, get out! yêu cầu chúng em phải dừng ngay đọc kinh. Khi đó tất cả chúng em rưng nước mắt và cúi xuống và không có một phản ứng gì vì chúng em cảm thấy họ quá xúc phạm. Chỉ một lúc sau là lực lượng bảo vệ ART chạy vào yêu cầu chúng em ra, chúng em ngồi cúi mặt thì họ kéo từng người ra, sau đó chúng em cũng đứng dậy đi ra ngoài.”
Một phòng dành cho thuyền nhân tại Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012. DIAC PHOTO.
Đa số người Việt ở trại Yongah Hill là Công giáo, hàng tuần có Cha người Việt và người Mỹ vào làm lễ. Trại Yongahah Hill được đem vào xử dụng từ năm 2012, được xây dựng khang trang gồm 143 khu nhà với phòng thể thao, giải trí, phòng họp báo..v.v…Thế nhưng không có một căn phòng để cầu nguyện. Mỗi khi có Linh mục vào dâng lễ hay để đọc kinh cầu nguyện thì họ phải sử dụng sân bóng rổ để làm lễ. Ngoài ra, mỗi buổi tối họ cũng đọc kinh cầu nguyện ở sân bóng chuyền, không có mái che. Do bị mưa gió nên họ phải xin người quản lý trại và các sắc dân khác để được sử dụng phòng xem TV để cầu nguyện mỗi ngày khoảng chừng 30-40 phút và đã được sự đồng ý, do đó sự việc xảy ra làm họ rất ngạc nhiên:
“Trong giờ câu nguyện thì chúng em cũng đã xin phép trước rồi. Hôm đó thì chúng em không biết tại sao họ lại làm như vậy và không biết chuyện gì đã xảy ra. Một điều đáng buồn hơn nữa là: Họ không tôn trọng chúng em thì đã đành rồi, họ còn không tôn trọng niềm tin tôn giáo của chúng em, họ đã xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của chúng em. Chưa bao giờ chúng em chứng kiến một cái cảnh ở một đất nước văn minh như vậy. Trong phòng chúng em cầu nguyện, cái tượng chúng em để trên bàn, cái bàn thì nó thấp, khi họ vào đó, họ chổng mông, chổng đít lên chổ cái tượng mà mình tôn thờ và dùng những lời lẽ như thế thì chúng em không thể chịu nỗi và nhiều người đã rơi nước mắt.”
Lặng lẽ chôn nỗi uất nghẹn
Giáo dân công giáo ở các giáo xứ Nghệ an, Cồn dầu là những giáo dân rất trọng đạo, họ phải ra đi để có thể có được tự do tín ngưỡng. Sự xúc phạm đến Chúa toàn năng của họ là điều khó thể chấp nhận được, nhất là ở một xứ tự do. Sự việc xảy ra đêm 5/3, ngoài sự ngạc nhiên, với họ, còn là nỗi đau đớn khi niềm tin của mình bị xúc phạm. Không dám có phản ứng tự vệ, họ chỉ còn biết cúi đầu lặng lẽ chôn nỗi uất nghẹn vào lòng. Anh Dũng, đã ở đây được gần 8 tháng chia sẻ:Em cũng là người lớn tuổi, em cũng biết tiếng Anh khá nhiều nhưng em cũng không dám nói gì cả, em chỉ ngồi và cảm thấy rất là đau lòng và cảm thấy một nỗi buồn rất là ghê gớm.“Cao điểm nhất vẫn là vào cái đêm mà tụi em đọc kinh cầu nguyện. Em cũng là người lớn tuổi, em cũng biết tiếng Anh khá nhiều nhưng em cũng không dám nói gì cả, em chỉ ngồi và cảm thấy rất là đau lòng và cảm thấy một nỗi buồn rất là ghê gớm. Cũng như nhiều người ở đấy, người ta chết lặng, người ta thấy các Serco quát, quát. Có người thì hiểu, có người thì không hiểu, nhưng mà người nào cũng ngồi chết lặng trong tim, ngồi yên lặng, không nói được câu nào, người ta rưng rưng, cảm thấy rất là đau khổ cảm thấy rất là tủi thân, nhiều người cứ rưng rưng ứa nước mắt như thế, rất là buồn.”
-Anh Dũng
Trại Yongah Hill có khoảng 300 trại viên, trong đó có 180 người Việt, đa số độc thân, còn lại là các sắc dân Afghanistan, Sri Lanka, Iran, Irak… trong khi các sắc dân khác tuy thiểu số nhưng vẫn có điều kiện để thực hiện tín ngưỡng, người Việt thì không, anh Jos Nguyen nói:
“Các sắc dân khác thì họ cho một phòng cầu nguyện ở trên khu vực riêng còn Việt Nam thì không. Các ngày lễ của các sắc dân khác thì họ tổ chức cho, còn chúng em thì xin trước cả tháng họ cũng không tổ chức cho, ví dụ lễ Giáng sinh chẳng hạn, kể cả Tết Dương lịch, Tết Âm lịch hay ngày lễ Giáng sinh họ cũng không tổ chức cho. Rồi ví dụ như di chuyển người hay đưa người ra ngoài đi khám bệnh thì họ còng tay, kẹp nách tức là họ đối xử với người Việt Nam khác với các sắc dân khác, em nghĩ là đó là sự kỳ thị.”
Việc phân biệt đối xử còn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác, anh Jos Nguyen cho biết tiếp:
“Các sắc dân khác thì được ra ngoài đi chơi và đi dã ngoại mỗi tuần hoặc hàng tháng, còn với người Việt Nam thì không, còn vừa rồi họ có cấp chiếu khán một năm cho các sắc dân khác, Việt Nam cũng không có, còn di chuyển trong trại này như đi khám bác sĩ thì các sắc dân khác thì đi bình thường như những con người còn Việt Nam thì bị còng tay giống như những tội phạm.”
Anh Dũng cũng chia sẻ:
“Các sắc dân khác thì được ra ngoài đi chơi, còn bọn em thì không được đi. Vấn đề xin ra ngoài thì có một số người lớn tuổi xin ra ngoài thì họ bảo người Việt mà đi ra ngoài thì chúng tôi phải còng tay, còng chân các bạn thì các bạn có đồng ý như vậy không? Thì em thấy là rất buồn.”
Sau khi vụ việc xảy ra, họ phải ra sát bờ rào của trại để đọc kinh, nhưng lại bị sự nghi ngờ của nhân viên trại sợ rằng họ trốn trại nên họ lại phải trải khăn trên vĩa hè để ngồi đọc kinh mỗi tối.
Ra đi, họ đã để lại gia đình, bạn bè, quê hương, hành trang duy nhất mà họ có thể mang theo là niềm tin tôn giáo như một cứu cánh cuối cùng, nay quyền tự do tín ngưỡng ấy cũng bị ngăn trở. Anh Dũng bày tỏ nỗi thất vọng:
“Em ra đi thì cũng rất là nhiều hy vọng, nhưng những hy vọng đó mờ dần dần đi. Bản thân em thì ở nhà cũng là một người hoạt động từ lúc nhỏ nên ở nhà cũng bị chính quyền kỳ thị rất là nhiều cho nên bây giờ em bị trả về thì chắc chắn là em sẽ bị… Tức là liên luỵ đến bản thân em thì không sao, nhưng mà gia đình em, anh em của em… rất là nhiều chuyện. Riêng em thì có thể ngồi tù từ 3 đến 12 năm, đó là điều rất có thể xảy ra.”
Trong các tháng vừa qua đã có 14 trường hợp bỏ trốn, đa số là người Việt Nam. Tuy nhiên việc đánh đồng những người bỏ trốn này với những trại viên tuân thủ kỷ luật trại và sống bằng niềm tin tôn giáo để có những hành động phân biệt đối xử là chuyện cần phải được làm sáng tỏ. 46 thanh niên công giáo đã viết thư lên ban giám đốc của trại. Họ không đồng ý câu trả lời dễ dàng của nhân viên bộ di trú – David – khi được các thuyền nhân đặt vấn đề về sự cố xảy ra "tôi cũng không chắc chắn nhưng cũng có thể có điều đó xảy ra. Như bạn biết là vốn dĩ trong này không có sự công bằng mà."
No comments:
Post a Comment