Monday, February 10, 2014

Tượng Phật lạ đột ngột xuất hiện giữa Thủ đô

"Pho tượng lạ xuất hiện trong ngôi chùa cổ, chiếm vị trí của toàn bộ tượng có ở đây được hàng nghìn năm. Tôi không nghĩ lại có những người thiếu hiểu biết đến như thế", họa sĩ Quách Đông Phương.
 
Sáng 8/2, phóng viên VietNamNet đã có mặt tại chùa Bà Đá trên phố Nhà thờ Hà Nội để kiểm chứng thông tin gây bức xúc nhiều người những ngày gần đây liên quan đến 'bức tượng lạ'. Đúng như mô tả, bức tượng Phật Dược sư lớn được đặt ở tiền đường, che khuất hệ thống tượng Phật cổ phía sau.  

chùa Bà Đá, tượng Phật lạ, di sản, xâm phạm di tích Ảnh chụp sáng 8/2

Không phù hợp
Chùa Bà Đá được xây từ năm 1056 dưới đời Lý Thánh Tông. Chùa được dựng trên nền tháp Báo Thiên nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa và là một trong những di tích có ý nghĩa lịch sử và văn hóa quan trọng của Hà Nội. Chính vì vậy, sự xuất hiện của một bức tượng không thuần Việt lại càng gây choáng cho nhiều người. Đi lễ chùa vào đêm Giao thừa vừa qua sau thời gian chùa tiến hành trùng tu, họa sĩ Lê Thiết Cương nói khi nhìn thấy bức tượng ông đã sốc.

"Chẳng thà nó ở chùa vùng xa, miền quê nào đó, còn đây là chùa mà hệ tượng Phật đã đầy đủ, cực kỳ đẹp và nguyên vẹn. Bản thân pho tượng đó không xấu nhưng khi đặt trong ngôi chùa này thì nó không hợp với tổng thể chung. Lịch sử Phật giáo Việt có hơn 2000 năm, đủ sức mạnh để sinh ra những bức tượng đẹp đủ cho 1 ngôi chùa, không cần phải đi cóp nhặt ở đâu về. Thêm nữa, không gian tâm linh và không gian kiến trúc chùa Việt đã ổn định như vậy rồi. Việc làm thêm 1 ban nữa ở ngay chính điện khi vừa bước vào sân làm phá vỡ toàn bộ không gian kiến trúc đó".

Khi được hỏi về vấn đề này, GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng với nhiều công trình về Phật giáo, đồ thờ và chùa chiền VN nói: "Những chùa đã được xếp hạng phải được pháp luật bảo hộ. Những chuyện bỏ ra hay đưa vào, bất kể 1 đồ thờ nào, cả tượng pháp đều phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp. Không chấp nhận những chùa của thủ đô đưa những thứ lạc loài vào. Bởi vì ngành văn hóa chủ trương khi đưa vào trong chùa tượng mới, đặc biệt những di tích được xếp hạng phải thông qua cơ quan quản lý, và chỉ đưa những gì di tích đó thiếu chứ không phải bày hết đồ của người công đức".

Tôi thấy kinh ngạc
Họa sĩ Quách Đông Phương, nhà sưu tập tượng Phật lâu năm tỏ ra kinh ngạc và bức xúc khi nhận được thông tin về sự xuất hiện của bức tượng lạ: "Tôi thấy kinh ngạc vì nó thể hiện thẩm mỹ tồi. Đây chính xác là một pho tượng có chất lượng thẩm mỹ kém. Nguy hiểm hơn khi nó lại chiếm vị trí lớn trong ngôi chùa cổ, chiếm lĩnh cả vị trí của toàn bộ bức tượng có ở đây được hàng nghìn năm. Tôi không nghĩ lại có những người thiếu hiểu biết đến như thế.

Tôi nghĩ phải báo với cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý nhanh vì chùa là nơi tâm linh của nhân dân trong nhiều thế kỷ nay chứ không phải của riêng ai mà có thể tùy tiện thay đổi. Chùa phải là nơi thể hiện sự gần gũi, để người dân tìm đến chốn bình yên. Chùa cần được trả lại đúng với nét văn hóa và thẩm mỹ, được trả lại đúng với ý nghĩa tâm linh của người dân trong nhiều thế kỷ".

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng đồng tình và cho rằng trụ trì ở các chùa chỉ thay mặt người dân để trông coi chứ không có quyền quyết định số phận của ngôi chùa.

Cơ quan quản lý không được báo cáo
Chiều 8/2, VietNamNet đã liên hệ với Ban quản lý di tích & danh thắng Hà Nội và được biết chùa Bà Đá được xếp hạng di tích cấp thành phố. Theo quyết định 11 của UBND TP. Hà Nội về quản lý di tích thì chùa thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND Quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi đã liên lạc với bà Phan Thị Tuyết Lan, trưởng phòng VH&TT quận Hoàn Kiếm và được biết phòng Văn hóa không hề được thông tin về sự xuất hiện của bức tượng lạ trên. Bà Lan cho biết sẽ báo cáo ngay với phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm phụ trách mảng này để xin ý kiến và có biện pháp xử lý.

GS Trần Lâm Biền cho rằng với trường hợp trên thì bức tượng dứt khoát phải bỏ ra khỏi chùa Bà Đá. Tối 9/2, VietNamNet đã nhận được thông báo từ bà Phan Thị Tuyết Lan, trưởng phòng VH&TT quận Hoàn Kiếm. Bà cho hay ngay sau khi nhận điện thoại từ phóng viên, bà và lãnh đạo Quận đã đi thị sát tình hình tại chùa Bà Đá.  

Đại đức Thích Chiêu Tuệ, trưởng ban Hoằng Pháp, Giáo hội phật giáo Việt Nam, TP.Hà Nội, 1 trong những vị trông nom chùa Bà Đá: Tượng này theo mẫu của Đài Loan!

"Đây là pho tượng Đức phật Dược Sư làm bằng nhựa composite. Tượng này thầy nhờ phật tử mua hộ đem từ TP.HCM ra. Thầy có thỉnh 2 pho, 1 pho để bày đàn tại chùa Bà Đá, 1 pho bày đàn tại chùa của thầy ở bên Sóc Sơn (chùa Vạn Phúc - pv). Ở đây, thầy bày đàn từ ngày 8-14 tháng giêng thì kết thúc, chiều ngày rằm thầy sẽ đem trở về bên Sóc Sơn. Tượng này không để cầu nguyện hàng ngày mà chỉ khi có đàn, có lễ cầu an mới đem ra, xong lại phủ khăn cất đi.  

Bà Đá không phải là chùa do một một người trụ trì, là trụ sở của giáo hội nên có 1 ban quản trị tổ đình. Ban quản trị có 9 thầy, mỗi thầy trực ở chùa Bà Đá để phục vụ tín ngưỡng cũng như đèn nhang cúng Phật 1 tháng. Đến phiên của thầy trùng vào tháng Tết (16 tháng chạp đến 16 tháng giêng) nên trách nhiệm của thầy là phải cúng. Do vậy thầy bày đàn này theo tinh thần của phật giáo, đầu năm cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Tượng chỉ phù hợp khi bày đàn dược sư, khi kết thúc đàn thì rước về để ở thư viện. Trong bài trí tòa tam bảo của chùa không bao giờ có tượng Dược sư và tượng không phù hợp trong việc thiết trí thờ cúng trong tòa chính điện".

Khi được hỏi: Một số người lập luận rằng hệ thống tượng của chùa Bà Đá đã quá hoàn chỉnh, không đến mức thiếu tượng mà phải thỉnh tượng mới để cầu an?
 
Đại Đức Thích Chiêu Tuệ nói: "Họ lập luận như thế là đúng vì chùa của mình đã có hệ thống tượng rất cổ. Nhưng nếu nói đầy đủ thì chưa đúng. Ví dụ ở chùa Mía có hàng trăm pho tượng. Đây là tín ngưỡng và tín ngưỡng thì người ta thường xuyên tụng kinh Dược sư. Và pho tượng Dược sư này để đáp ứng nhu cầu cầu an,  tức là đức Phật chữa bệnh cho con người".

Trước câu hỏi: Bà Đá là chùa cổ và có hệ thống tượng hoàn chỉnh và việc đưa tượng mới vào chùa để cầu an gặp phải phản ứng của nhiều người, vậy năm sau thầy có tiếp tục đưa tượng vào để lập đàn cúng?, Đại Đức Thích Chiêu Tuệ khẳng định đây là việc làm đáp ứng nhu cầu của bà con phật tử, phù hợp với giáo lý của phật giáo, nhất là trong kinh dược sư. Khi có đủ điều kiện sẽ tiếp tục thiết lập lại đàn tràng, còn làm ở đầu thì chưa biết.

Hạnh Phương

No comments:

Post a Comment