SM- 10/02/2014 -Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, nhiều công sở vắng hoe, thậm chí nhiều văn phòng còn tắt đèn đóng cửa, không bóng người. Trong khi đó, các đền chùa đông nghịt người bất kể là ngày đầu tuần, hay giờ hành chính. Tại bãi xe của các đền chùa danh tiếng xuất hiện không ít ôtô “biển xanh” dù nhiều tỉnh thành đã ra văn bản cấm công chức đi lễ hội giờ hành chính.
Một chiếc xe biển xanh tại lễ hội Yên Tử.Ảnh: VnExpress.
Xe biển xanh thấp thoáng tại các lễ hội.
Theo VnExpress, bãi gửi xe không thuộc diện ưu tiên trong ngày khai mạc của lễ hội xuân Yên Tử hôm qua xuất hiện khá nhiều xe biển xanh thuộc các tỉnh, TP như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang... Những xe này không có phù hiệu của Ban tổ chức.
Một xe biển xanh trên đường vào đền Trần. Ảnh: Lao Động.
Tại nhiều lễ hội lớn như chợ Viềng hay tại đền Trần, đền Bà Chúa Kho vẫn thấp thoáng những bóng xe mang biển đăng ký của các cơ quan nhà nước.
Trưng dụng xe công để đi lễ hội đầu năm đã trở thành phổ biến dù rằng đó là việc vi phạm quy định quản lý và sử dụng phương tiện Nhà nước. Mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có văn bản nghiêm cấm việc tổ chức đi lễ hội vào giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội... Vậy nhưng những ôtô công mang biển đăng ký của Hà Nội vẫn xuất hiện ở nhiều nơi diễn ra lễ hội.
Tương tự, Thanh Hóa cũng có lệnh cấm xe công đi lễ chùa, thậm chí còn lập đường dây nóng "tố" xe công đi lễ nhưng nhiều xe mang biển xanh với mã số đăng ký của tỉnh Thanh Hóa vẫn có mặt tại lễ hội Phủ Na và nhiều điểm di tích khác.
Một số năm trước, sau khi báo chí phát hiện xe công đi lễ hội, Chính phủ đã có lệnh xử lý nghiêm và nhiều địa phương rà soát lại biển số xe đã bị công bố để kiểm điểm. Bởi vậy năm nay, nhiều xe công đã được ngụy trang tránh bị “bắt quả tang” ví như dùng báo, nilon, bìa carton che biển, hay nhiều xe lùi kín vào góc khuất để giấu mình.
Trốn giờ làm đi lễ?
Xe biển xanh của Ninh Bình trong lễ Phủ Giầy ngày 9/2. Ảnh: Viettq.vn
Không chỉ tận dụng xe công mà nhiều công chức còn thản nhiên “ăn cắp giờ nhà nước” để đi lễ chùa trong giờ làm việc. Tại các địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, tổ đình Phúc Khánh đông nghịt người từ sáng sớm tới tối khuya. Những bãi gửi xe thường xuyên chật kín, những hàng bán đồ cúng lễ cũng mọc lên như nấm sau mưa. Và trong nườm nượm người đến cúng lễ thì cũng không ít là những công chức đang “ăn cắp” giờ làm việc, thậm chí nhiều người còn mang nguyên bộ đồng phục.
Chị Linh Ngọc, nhân viên một công ty kinh doanh nước sạch, cho biết đã thành thông lệ, ở văn phòng chị tuần làm việc đầu năm mọi người đến khai xuân chúc tết rồi rủ nhau về các nhà chơi. Các nhóm thì tổ chức đi lễ chùa, một số phòng ban còn tổ chức đi du xuân ở các điểm lễ hội ngoài thành phố.
Độc chiêu che biển số có 1 không 2 của 1 chiếc xe biển 80A.
Tương tự, văn phòng một công ty tư vấn xây dựng suốt từ mùng 7 đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch đều tĩnh lặng, ngoài nhân viên trực và bảo vệ thì không một bóng người bởi toàn bộ công ty còn bận đi lễ chùa xa và dự các lễ hội lớn ngày đầu năm.
Với tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi nên nếu không có điều kiện để rủ nhau đi lễ hội thì không khí làm việc cũng khá uể oải. Tại các công sở, dường như giờ làm việc cũng được rút ngắn bởi mọi người đi làm muộn hơn và cũng về sớm hơn mà cũng không bị soi xét nhiều như trong năm.
Bà Bình, cư dân tại khu chung cư Trung Hòa, than rằng, đứa cháu nội sinh đúng ngày 1 Tết ngày đầu tiên làm việc của năm mới bà đã hối hả ra làm giấy khai sinh và thủ tục nhập khẩu cho cháu. Song đi đến vài ba lượt vẫn chưa xong bởi nhân viên phường đi làm chưa đủ hoặc đến không đúng lúc người có trách nhiệm ký duyệt hồ sơ có mặt, đã vậy nhân viên ở đây còn nghỉ sớm hơn bình thường.
Vấn nạn công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong năm qua, sau khi Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng công bố 30% công chức hiện không mang lại hiệu quả trong công việc. Song với lượng xe công đi lễ đầu năm và số công chức nườm nườm đi chùa cũng đã cho thấy thông tin này cũng là hợp lý.
Chẳng phải bây giờ mới có chuyện công chức bỏ công sở đi chơi hội, Chính phủ và các địa phương, thậm chí từng ban ngày cũng đã ra nhiều văn bản để chấn chỉnh vấn nạn này. Song những văn bản ấy cũng chỉ là cho "đẹp" mà thôi. Bởi bấy lâu nay có mấy ai bị xử lý vì đi lễ hội trong giờ hành chính cũng thật khó để kiểm soát được việc này bởi toàn công ty, văn phòng đều dự hội thì lấy ai kiểm tra và biết kiểm tra ai.
Vĩ Thanh
No comments:
Post a Comment