Monday, February 10, 2014

Gia cầm chết hàng loạt ở nhiều địa phương!

SM- 10/02/2014      -Rét đậm, rét hại, cùng với gia cầm lậu từ Trung Quốc vẫn có cách qua mặt cơ quan chức năng đã góp phần khiến gia cầm chết, bệnh ngày liên tục xuất hiện tại nhiều tỉnh.



Từ đầu tháng 2/2014 đến nay, dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đã tái xuất tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trang trại nhà ông Lường Tú Hoàng (trú tại thôn Kiếu, xã Anh Sơn) xuất hiện 186/354 con gia cầm bị ốm, chết. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy mẫu bệnh phẩm trên số gia cầm bị chết dương tính với virus cúm A/H5N1.
 
Tương tự, tại một hộ chăn nuôi tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cũng xuất hiện hơn 100 con gia cầm gồm vịt và ngan chết hàng loạt do mắc cúm A/H5N1. Tại các huyện Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước, tỉnh Long An, từ mùng 1 Tết đến nay đã có khoảng 8.000 con gà chết rải rác chưa rõ nguyên nhân. Ngoài ra, cũng trong sáng nay (10/2), đàn gà khoảng 2.000 con của vợ chồng ông Nguyễn Căn Tài (trú tại ấp 1, xã Long Sơn, huyện Cần Đước) đã chết do dịch tả. Trước đó, người ta cũng đã phát hiện dịch cúm gia cầm xuất hiện tại Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Tây Ninh. Tại Đồng Tháp và Bình Phước đã có bệnh nhân bị cúm gia cầm.
 
Để kiểm soát tình hình, các tỉnh đã tiến hành tiêu hủy số gia cầm mắc bệnh, phun thuốc tiêu độc, khoanh vùng dập dịch. Công tác lập chốt kiểm dịch ở các đường giao thông, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm càng trở nên đặc biệt quan trọng khi hiện nay, dịch cúm gia cầm cũng đang lan rộng tại Trung Quốc với biến thể mới, và đang đe dọa sẽ xâm nhập vào Việt Nam. Điều nguy hiểm là, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn bản tin của Tân Hoa Xã cho biết trong những bức thư ngỏ, Hiệp hội Người chăn nuôi gia cầm quốc gia Trung Quốc đã yêu cầu các nhà chức trách địa phương “ngừng thông báo về các ca nhiễm virus H7N9 đơn lẻ”, nhằm tránh gây thiệt hại lớn hơn nữa cho ngành này, trong khi chỉ từ đầu năm đến nay đã ghi nhận có 115 người được xác nhận là bị nhiễm cúm gia cầm, trong đó có 25 người đã tử vong. 
 
Thế nhưng, thông tin mà báo Đất Việt phản ánh hồi tháng 1/2014 đang khiến dư luận rất lo ngại. Theo đó, tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 02 đóng trên địa bàn Quốc lộ 1 cũ (Ngọc Hồi, Thường Tín, Hà Nội) - chốt tuyến cuối cùng trên cung đường từ các tỉnh lân cận phía Nam về nội thành Hà Nội, có hiện tượng “đóng cửa đi ngủ”, tạo điều kiện cho hàng ngàn xe chở gà, gia cầm dễ bề vào nội thành như thể không có chốt kiểm soát vậy. Một chốt đã vậy, thì cũng không có gì đảm bảo sẽ không có những chốt thứ hai, thứ ba…
 
Trong khi đó, đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông đến nay ập về miền Bắc trong mấy ngày qua cũng rất dễ khiến phát sinh dịch bệnh trên gia súc gia cầm. Bên cạnh việc lo dịch bệnh hoành hành, bà con còn phải lo phòng chống rét cho gia súc, gia cầm khi phải liên tiếp hứng chịu 2 đợt lạnh tăng cường khiến nhiệt độ tại hầu hết các địa phương sẽ giảm mạnh nhất là tại các vùng núi cao trung bình từ 7-10 độ C. Thậm chí theo ghi nhận từ 1h đến 7h sáng ngày 10/2, nhiệt độ tại khu du lịch Mẫu Sơn, Lộc Bình, Lạng Sơn đã giảm xuống âm 0,3 độ C, xuất hiện băng giá phủ trắng trên các ngọn cỏ, cành cây. Dưới trời giá rét kèm mưa lạnh, bà con nông dân lại tất bật kiểm tra, che chắn chuồng trại bằng đủ các loại  chăn cũ, bao tải, bạt, bao gai… tạm ngăn bớt cái rét đang đe dọa đến đàn vật nuôi - nguồn sống chông chênh cho cả gia đình.
 
Ở miền Tây Nam Bộ, dù không chịu ảnh hưởng quá lớn từ giá rét, song ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hơi nước bốc lên khiến độ ẩm trong không khí tăng cao nên gây ra sương mù dày đặc, không những làm hạn chế tầm nhìn khi điều khiển xe cộ lưu thông vào sáng sớm, mà còn ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa, dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh cho cây trồng.
 

No comments:

Post a Comment