Monday, February 10, 2014

Châu Á bình yên hay bất ổn trong năm 2014?

Giới chuyên gia dự báo trong năm 2014, châu Á sẽ chứng kiến chuỗi sự kiện đầy bất ngờ nối tiếp sau những bất ổn chính trị, tranh chấp chủ quyền, cải cách kinh tế vốn khấy đảo dư luận năm 2013.
1. Chính trị
Triều Tiên ngày càng đáng sợ
Những hành động khiêu khích hay đe dọa của Triều Tiên đối với các quốc gia láng giềng và Mỹ trong năm 2013 được giới quan sát đánh giá chưa “thấm tháp” gì so với quyết định tử hình Jang Sung-taek – người chú của chủ tịch Kim Jong-un và từng nắm quyền lực lớn thứ hai tại quốc gia cô lập. 
Chủ tịch Kim Jong-un và người chú Jang Sung-taek hồi đầu năm 2013
Ông Jang Sung-taek (67 tuổi) từng là một trợ thủ đắc lực cho chủ tịch Kim Jong-un, đã bị tử hình hôm 12/12 sau cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA mô tả ông Jang là “kẻ cặn bã” phạm tội phản quốc, tham nhũng, quan hệ bất chính với phụ nữ, cờ bạc và hút sách. 
Trong khi đó, một số nguồn tin cho rằng ông Jang bị tử hình vì âm mưu thâu tóm ngành xuất khẩu than của Triều Tiên. 
Song, một điều chắc chắn quyết định tử hình ông Jang và những phụ tá thân cận của ông này đã minh chứng cho quyết tâm thanh trừng nội bộ của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đồng thời gửi đi thông điệp về một cái kết thê thảm cho những kẻ chống đối. 
Ngoài ra, theo một quan chức cấp cao Hàn Quốc giấu tên, khả năng “100%”Triều Tiên sẽ tổ chức một cuộc chiến tranh và dự báo thời điểm này sẽ diễn ra trước tháng Tư năm nay. 
Nhật Bản và chủ nghĩa dân tộc
Thế giới đang chứng kiến hình ảnh đổi thay của một đất nước Nhật Bản quyết đoán và mang tính chủ nghĩa dân tộc hơn kể từ thời điểm ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng vào cuối năm 2012.
Thậm chí, Thủ tướng Abe đã khép lại năm 2013 bằng một sự kiện gây tranh cãi khi tới thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni hôm 26/12. Đây là lần đầu tiên ông Abe tới thăm ngôi đền này trong khoảng thời gian 7 năm nắm chức vụ Thủ tướng.
Chuyến thăm của ông Abe đã gây làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận Trung Quốc cũng như khiến mối quan hệ song phương giữa hai nước rơi xuống vực thẳm. 
Trong khi đó, Hàn Quốc đánh giá chuyến thăm tới ngôi đền Yasukuni của ông Abe là hành động “khiêu khích”. Thậm chí, Mỹ còn tỏ ra thất vọng khi Thủ tướng Abe làm hỏng tiến trình đưa Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau hơn trong chính sách trụ châu Á của Washington. 
Chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản lần đầu tiên tăng trong 10 năm qua dưới thời Thủ tướng Abe 
Năm 2013 được đánh giá là năm thất bại trong mối quan hệ song phương giữa Tokyo và Seoul điển hình là cuộc tranh chấp lãnh thổ quần đảo Takeshima/Dokdo và trong năm 2014, xu thế này vẫn sẽ tái diễn. 
Tuy nhiên, ngay đầu năm 2014, nhằm xoa dịu những bất đồng quan điểm chính trị với các quốc gia láng giềng sau chuyến thăm tới ngôi đền chiến tranh Yasukuni, Thủ tướng Abe đã đề nghị tổ chức các cuộc đối thoại mở với Bắc Kinh và Seoul. 
Trong khi đó, để đối phó với “Con rồng châu Á” – Trung Quốc, Nhật Bản cũng khẳng định đảm bảo khả năng cung cấp cũng như chất lượng công nghệ và thiết bị hạt nhân cho Ấn Độ và ký kết thỏa thuận bán các máy bay thủy phi cơ US-2 do tập đoàn ShinMaywa sản xuất. 
Một số nguồn tin cho biết chính phủ Ấn Độ đang có ý định mua ít nhất 15 thủy phi cơ US-2. Theo giới chuyên gia, thủy phi cơ phải được xếp vào danh mục được sử dụng cho mục đích dân sự như tìm kiếm cứu nạn để đủ điều kiện xuất khẩu phù hợp với lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà Nhật tự áp đặt vào năm 1967, để chống lại chủ nghĩa quân phiệt sau Thế chiến thứ 2. 
Bầu cử Ấn Độ
Hôm 3/1, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố ông sẽ không giữ chức vụ hiện tại ngay cả khi đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào mùa Hè tới.
Ông Singh (81 tuổi) đã giữ chức Thủ tướng Ấn Độ trong 10 năm qua. Với tuyên bố về kế hoạch nghỉ hưu, ông Singh đã khép lại những dự báo về việc ông sẽ tiếp tục nắm giữ cương vị thủ tướng Ấn Độ trong nhiệm kỳ thứ 3.
Rahul Gandhi - ứng cử viên tranh cử Thủ tướng Ấn Độ trong cuộc bầu cử tới
Thủ tướng Singh khẳng định đảng Quốc đại sẽ công bố ứng viên cho chức thủ tướng vào thời điểm thích hợp và nhấn mạnh ông Rahul Gandhi "có những ưu điểm nổi bật". Ông Gandhi (43 tuổi) là hậu duệ của dòng họ Gandhi - những người nắm đa số quyền lực trên chính trường Ấn Độ và hiện là phó chủ tịch đảng Quốc đại. 
Tuy nhiên, đảng Quốc đại hiện đang thất thế trước đảng đối lập Bharatiya Janata do ông Narendra Modi lãnh đạo và gặp không ít khó khăn trong việc giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Trong khi đó, ông Singh nhấn mạnh nếu thủ lĩnh đảng đối lập Modi trở thành thủ tướng Ấn Độ, đó sẽ là một thảm họa. 
Ông Narendra Modi giữ chức Thống đốc bang miền tây Gujarat trong suốt hơn 11 năm qua và từng bị cáo buộc không làm tròn trách nhiệm để ngăn chặn bạo loạn ở tiểu bang này vào năm 2002 khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Bất ổn chính trị Thái Lan
Cuộc khủng hoảng chính trị Thái Lan chưa có hồi kết
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan cùng với làn sóng biểu tình của phe đối lập “Áo Vàng”ngày càng nghiêm trọng hơn. 
Thậm chí, tình hình chính trị tại Thái Lan sẽ đi vào ổn định hay rơi vào khủng hoảng với những cuộc bạo động bùng phát và nguy cơ đảo chính vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn ngay cả khi cuộc bầu cử sớm vào ngày 2/2 theo đề xuất của Thủ tướng Yingluck Shinawatra diễn ra theo dự định.
Indonesia bầu cử Tổng thống 
Nhiều khả năng, người dân Indonesia sẽ bầu chọn thị trưởng Jakarta Joko Widodo – một chính trị gia mang tư tưởng tiến bộ trở thành tổng thống của nước này. 
Cuộc thăm dò dư luận mới nhất do các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố cho thấy nếu cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào thời điểm hiện nay thì số phiếu thu được của ông Joko thuộc Đảng Dân chủ Indonesia-Đấu tranh (DPI-P) là 34,7% - cao gấp 3 lần so với Chủ tịch Đảng Phong trào Indonesia Vĩ đại (Gerindra), cựu Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm (Kopassus) và Quân Dự bị chiến lược (Kosstrad) của Quân đội Indonesia. 
Ứng cử viên tranh cử Tổng thống Indonesia Joko Widodo 
Trong khi đó, trung tướng (đã nghỉ hưu) Prabowo Subianto nhận được 10,7% số phiếu ủng hộ. Ông Prabowo là người luôn ở vị trí thứ hai trong tất cả cuộc thăm dò về tín nhiệm của cử tri Indonesia cho tới nay.
Cuộc thăm dò của CSIS còn cho thấy DPI-P cũng được hưởng lợi từ uy tín của ông Joko khi 29,9 % số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho PDI-P nếu đảng này chọn ông Joko làm ứng cử viên tổng thống.
Một cuộc điều tra khác do tổ chức độc lập Indikartor tiến hành cũng vừa công bố kết quả cho thấy ông Joko nhận được 47,4% số phiếu ủng hộ, tiếp theo là ông Prabowo Subianto (15,8%) và Chủ tịch Đảng Golkar Aburizal Bakrie (12,6 %).
2. Kinh tế
Trung Quốc cải cách
Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đầu tháng 11 năm ngoái đã cho công bố hàng loạt chính sách cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc sẽ chuyển dần sang nền kinh tế định hướng thị trường hơn là chịu sự tác động lớn và dưới quyền kiểm soát của các công ty nhà nước. 
Trung Quốc sẽ chuyển dần sang nền kinh tế định hướng thị trường 
Theo đó, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đưa Trung Quốc thoát khỏi lối mòn phát triển kinh tế khi tránh xa mô hình sản xuất đại trà giá rẻ mà thay vào đó là phát triển ngành dịch vụ và tiêu dùng. 
Do đó, năm 2014 sẽ là năm quan trọng để giới lãnh đạo Trung Quốc thử nghiệm những cải cách đã được đề ra trong Phiên họp toàn thể lần thứ 3. Song việc thi hành những chính sách này lại đang vấp phải không ít trở ngại khi nó đụng tới quyền lợi và lợi ích của các thành viên trong nội bộ Đảng Trung Quốc và các công ty quốc doanh. 
Theo giới chuyên gia, một điều chắc chắn là kể từ năm 2014, Bắc Kinh sẽ chuyển đổi sang kinh tế thị trường cũng như triển khai nhiều chính sách tăng giá trị đồng Nhân dân tệ trong hệ thống ngoại tệ quốc tế.
Dư luận Trung Quốc cũng đang ghi nhận những phản ứng trái chiều khi lãnh đạo nước này công khai hàng loạt cuộc điều tra tham nhũng trong hàng ngũ Đảng Cộng Sản, cũng như vấn đề chênh lệnh lớn trong thu nhập giữa người giàu và nghèo hay nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp khi không thể tạo ra đủ công ăn việc làm cho giới trẻ. Đây chính là lý do Trung Quốc giành khoản chi tiêu đảm bảo an ninh nội địa lớn hơn là quốc phòng. 
Học thuyết kinh tế Abe (Abenomics)
Tái xuất hồi tháng 12/2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết hồi sinh kinh tế Nhật Bản, vượt qua giai đoạn giảm phát kéo dài và niềm tin người tiêu dùng suy yếu. Chính sách được ông Abe áp dụng là in thêm tiền, tăng chi tiêu công và cải cách cấu trúc kinh tế.
Học thuyết kinh tế Abe (Abenomics) đang dần phát huy tác dụng với nền kinh tế Nhật Bản
Những chính sách này được gọi chung là học thuyết kinh tế Abe (Abenomics). Kết quả không ngờ là niềm tin người tiêu dùng và giới đầu tư Nhật Bản đã được cải thiện. Chính học thuyết Abenomics đã giúp hạ giá đồng Yên và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải đối mặt với  những lo ngại về sự bùng nổ của nợ công, khi hiện nay, số nợ công của Nhật Bản tương đương 245% GDP.
Song khi những chính sách trong học thuyết Abenomics phát huy hiệu quả sâu rộng hơn, quá trình tăng trưởng và tương tác kinh tế giữa Nhật Bản và các đối tác thương mại sẽ được tăng cường trong năm 2014.  
3. Quân sự
Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng gia tăng khi tàu thuyền và chiến đấu cơ của 2 nước nhiều lần đối đầu trên hải phận và không phận gần quần đảo tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Giới chuyên gia quốc tế nhận định trong năm 2014, nguy cơ đụng độ quân sự giữa Tokyo và Bắc Kinh sẽ ngày một nghiêm trọng hơn. 
Trong năm 2013, chính quyền Nhật Bản đã thi hành một số chính sách cứng rắn nhằm khẳng định chủ quyền trước quần đảo tranh chấp với Trung Quốc. Điển hình, lần đầu tiên trong 10 năm qua, Tokyo tăng khoản chi tiêu quân sự để mua các phương tiện đổ bộ và tăng sức mạnh hải quân. Thậm chí, mới đây, Nhật Bản đã đồng ý di dời căn cứ không quân Mỹ Futenma tới một khu vực vắng dân cư sinh sống tại tỉnh Okinawa. 
Nhật Bản - Trung Quốc dự báo đối đầu căng thẳng trong cuộc chiến giành chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Trả lời trước câu hỏi lý do đồng ý di dời căn cứ Futenma, thị trưởng tỉnh Okinawa Hirozaku Nakaima nhận định: “Quyết định này hoàn toàn chiểu theo sự đồng thuận của người dân địa phương trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên mặt trận quốc tế ngày càng gia tăng. Tỉnh Okinawa cần đóng góp một phần trong chiến lược quốc gia”.  
Trong khi đó, Trung Quốc lại không có dấu hiệu chịu lùi bước trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điển hình, hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố thiết lập “Vùng nhận diện phòng không” trên biển Hoa Đông bao gồm cả không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như nhiều lần điều động máy bay tuần tra tới khu vực chồng lấn với không phận của Nhật Bản. 
Nếu Nhật Bản và Trung Quốc vẫn cương quyết bảo vệ những chính sách quốc phòng đã đề ra và tăng cường điều động quân sự, nguy cơ xảy ra xung đột là gần như không tránh khỏi. Do đó, tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được xem là mối đe dọa an ninh lớn nhất trong khu vực châu Á năm 2014. 



Minh Thu

No comments:

Post a Comment