Monday, February 10, 2014

Dân một đằng, chính phủ một nẻo.

Bất cứ một chính thể nào nếu bị dân quay mặt đi và không ủng hộ sẽ không có cơ hội tồn tại, theo ý kiến của một nhà xã hội học từ Việt Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, dân chở thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền
Lịch sử cho thấy các chính thể cộng sản ở Liên Xô cũ và khối Đông Âu trước đây, và các nước độc tài ở Bắc Phi và Trung Đông trong Mùa Xuân Ả-rập gần đây sụp đổ vì "xa rời" nhân dân, ông Nguyễn Đức Truyến nói.

Theo ông, từng có nhiều triều đại hùng hậu ban đầu trong lịch sử Việt Nam, nhưng đã không tránh khỏi suy vong khi đánh mất sự ủng hộ của nhân dân, những người như lời Nguyễn Trãi nói là có thể "chở thuyền và cũng có thể lật thuyền".

Trao đổi với BBC hôm 09/2/2014 từ Hà Nội, ông Nguyễn Đức Truyến, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Văn hóa, Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng không có một chính thể, thể chế, đảng phái chính trị nào có thể thoát khỏi một quy luật khách quan.

Họ sẽ bị đào thải nếu đặt quyền lợi tối thượng của mình lên trên quyền lợi, lợi ích của nhân dân, dân tộc và đất nước, ông nói.

"Những thiết chế đã sụp đổ thực sự là những thiết chế đã xa dân..."




Dân tộc Việt Nam nói như là tử vi 'tôi sinh vào giờ ấy thì chẳng làm được gì nên hồn cả', thì tôi nghĩ không đúng"
Tức là thiết chế đó chỉ hướng vào phục vụ bản thân chính thể của nó thôi, còn nó không chú ý gì đến đời sống của người dân, những nguyện vọng của người dân, cho nên dần dần người ta quay lưng lại, người ta không ủng hộ nó nữa,"

"Khi người dân đã quay lại bất hợp tác với hệ thống chính trị đó, thì hệ thống chính trị đó, cho dù thế nào, cũng không thể nào giữ được, không thể ổn định được và bản thân nó tự sinh ra lủng cũng, sinh ra mâu thuẫn và đi đến tự sụp đổ."

Ưa ổn định hơn đột biến?

Gần đây, một nhà Việt Nam học từ Sài Gòn, giáo sư Trần Ngọc Thêm nêu quan điểm cho rằng Việt Nam có xu hướng ưa một sự chuyển đổi xã hội và thể chế "từ từ, không xáo trộn" hơn là "đột biến", có thể gây "đổ vỡ lớn" như ở phương Tây.

Hôm 31/01/2014, giáo sư Thêm, hiện là Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học Quốc gia TPHCM, nói với BBC:

"Đặc biệt với Việt Nam, nó là nền văn hóa âm tính, và cách biến đổi của nó là từ từ, không xáo trộn, không gây những đổ vỡ lớn. Trừ những giai đoạn xung đột bên trong bên ngoài, ví dụ như chống giặc ngoại xâm, thì nó lại là chuyện khác, còn khi nội bộ với nhau thì nó là sự biến đổi từ từ."

Bình luận về quan điểm này, ông Nguyễn Đức Truyến nói:
"Tôi không đồng ý, vì vấn đề chứng minh cái đó thì không có gì chứng minh điều đó cả. Nhưng tôi lại nghĩ rằng người Việt Nam rất hay có đột biến, Cách mạng Tháng Tám là đột biến...

"Chúng ta không nói đến những nguyên nhân, không nói đến những yếu tố này, yếu tố kia, nhưng tại sao các nước khác vẫn còn đang trong vòng nô lệ, thì Việt Nam đã là nước đầu tiên thoát ra khỏi vòng nô lệ ngay sau thời kỳ Thế chiến thứ Hai, còn trước cả Trung Quốc?"

Tiến sỹ Truyến cho rằng dân tộc Việt Nam không phải là một 'dân tộc cam chịu' mà trái lại là một dân tộc 'bất khuất' qua suốt quá trình lịch sử quốc gia ộc tới nay.

"Dân tộc Việt Nam nói như là tử vi 'tôi sinh vào giờ ấy thì chẳng làm được gì nên hồn cả', thì tôi nghĩ không đúng."

Đầu năm Giáp Ngọ, tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng, một cây bút đấu tranh dân chủ từ Sài Gòn cho rằng một kịch bản "chuyển đổi êm dịu" mà ít nhiều tương tự cách nhìn của giáo sư Thêm đặt ra là rất khó thực hiện được khi chính quyền không giải quyết tận gốc các bất công xã hội.

Ông Dũng giải thích với BBC hôm 02/2/2014 rằng mô hình giải quyết điểm nóng của chính quyền từ nhiều năm về trước, hiện đã không còn phát huy tác dụng nữa.

Ông bày tỏ quan ngại rằng nhiều vụ xung đột với số đông người dân, dân oan tham gia có thể trở thành các thách đố thực sự với chế độ từ nay trở đi.

Thiếu kịch bản

Ông Dũng nói: "Tôi có cảm giác rằng chưa có một kịch bản hoàn hảo nào từ phía chính quyền được đặt ra để giải quyết những điểm nóng như vậy,

"Mặc dù lý thuyết về điểm nóng, giải quyết xung đột về điểm nóng đã đặt ra từ năm 2000, đặc biệt để giải quyết những phong trào đất đai, về dân oan đất đai, nhưng thực tế đã chứng nghiệm rằng lý thuyết giải quyết điểm nóng của các cơ quan chính quyền Việt Nam là không thành công."

Các cuộc xuống đường ở Campuchia thu hút hàng nghìn người
Theo tiến sỹ Dũng, trong năm qua có những phong trào đấu tranh của người dân, như tại một huyện ven biển tỉnh Quảng Ngãi, đã buộc ban lãnh đạo tỉnh phải trực tiếp xuống địa phương đối thoại với dân.

Ông đặt vấn đề, nếu không có phương thức giải quyết thỏa đáng, những con số "một ngàn" như vậy có thể mở rộng thành "hàng chục ngàn" như ở Campuchia, và thậm chí tăng triển thành "cả triệu người" như ở Thái Lan, thì vấn đề sẽ thực sự trở nên rất khó giải quyết hơn cho chính quyền.

Vẫn còn hai mặt?

Đầu năm 2014, trong các thông điệp chính trị đưa ra dịp Tết, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đều bày tỏ quyết tâm đẩy mạnh dân chủ, chống tham nhũng và khắc phục lòng tin của người dân với Đảng Cộng sản.

Các phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kiểm điểm về thành tích nhân quyền tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UPR) 2014 ở Genava, và muốn ký kết Hiệp định Đối tác Hợp tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, theo dõi tình hình nhân quyền ở trong nước mấy năm trở lại đây, một số nhà quan sát cho rằng chính phủ dường như vẫn còn có khoảng cách giữa nói, hứa và làm, giữa có luật và thực hiện nghiêm túc luật trên thực tế.

Hôm 6/2, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC:

"Pháp luật, chỉ vô hình thức, thì nhìn đâu cũng thấy có, nhưng mà rõ ràng khi áp dụng thì tùy tiện, pháp luật mù mờ và chưa có một điều luật bảo vệ quyền, nhân quyền của người công dân một cách thực sự."

Theo luật sư Thuận, nhiều quyền cơ bản của người dân vẫn còn bị hạn chế, nhất là về các quyền tự do bầu cử, tự do báo chí, quyền phản biện với các chính sách luật pháp hiện hành chứ không chỉ là những dự thảo, dự án chính sách, luật pháp.

Ông nói:

"Luật pháp Việt Nam, cái mà người ta đang nói nhiều là quyền mang tính phổ quát nhất là được quyền ứng cử và bầu cử, mà bầu cử trên báo chí công khai, nhiều người cũng nói công khai rồi là 'Đảng cử, dân bầu', chứ không có một cuộc ứng cử thực sự ở Việt Nam."

Theo BBC

No comments:

Post a Comment