Monday, February 10, 2014

Cần công khai, minh bạch

10/02/2014 22:14 (GMT + 7)
TTO - Hàng loạt tập đoàn, tổng công ty sẽ phải cổ phần hóa (CPH). Các chuyên gia đánh giá đây là bước chuyển tích cực, giúp VN có hệ thống doanh nghiệp hiệu quả hơn.
 
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chủ trương CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Bùi Văn Dũng - trưởng ban đổi mới phát triển doanh nghiệp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), người trực tiếp tham gia soạn thảo và được Bộ Kế hoạch - đầu tư giao chủ trì tiếp nhận ý kiến góp ý nhiều nghị định (như nghị định về tập đoàn, tổng công ty nhà nước; nghị định về bán, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) - cho biết thời gian tới VN sẽ tiến hành CPH rất mạnh.
Theo ông Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã công bố từ nay đến năm 2015 sẽ CPH 500 DNNN, trong đó không chỉ CPH các công ty con mà sẽ CPH cả công ty mẹ như công ty mẹ Tập đoàn Dệt may VN, hay những tên tuổi lớn sẽ thuộc diện phải CPH đã công bố có cả Tổng công ty Hàng không VN...
Nhiều doanh nghiệp tên tuổi sẽ không còn 100% vốn nhà nước
"Đảng, Nhà nước đã xác định CPH là trọng tâm, nên với các đối tượng Nhà nước không cần nắm giữ vốn, nếu không CPH được sẽ bán"
Ông Bùi Văn Dũng
Ông Bùi Văn Dũng từ chối cung cấp cụ thể nhưng khẳng định hiện danh sách các DNNN phải CPH, với thời điểm, lộ trình, tỉ lệ bán vốn... đã có sẵn.
Tuy nhiên, có nhiều cơ quan có thẩm quyền cho rằng việc công bố sớm có thể ảnh hưởng đến thị trường và bản thân cán bộ nhân viên doanh nghiệp, nên danh sách cụ thể sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp và sau khi công bố sẽ triển khai ngay.
Ông Bùi Văn Dũng nhấn mạnh rất nhiều tổng công ty, DNNN lớn, có tên tuổi sẽ nằm trong danh sách phải CPH từ nay đến năm 2015.
Theo ấn phẩm chuyên đề về CPH mới đây của công ty luật nước ngoài đầu tiên ở VN Fraser - chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư... - thì hàng loạt tên tuổi lớn sẽ CPH (đã được đề xuất) cũng được ghi nhận gồm: Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN, Tập đoàn Hóa chất, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Ximăng...
Đáng lưu ý, các tổng công ty điện lực cũng nằm trong danh sách CPH, như Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam... Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng thuộc diện phải CPH như: Tổng công ty Lắp máy, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng...
Theo ông Bùi Văn Dũng, việc Thủ tướng công bố sẽ xử lý các lãnh đạo doanh nghiệp nào không chịu CPH đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ. Riêng đối với những doanh nghiệp có yếu kém, CPH nhưng không được, ông Bùi Văn Dũng cho biết hướng sẽ được bán toàn bộ vốn nhà nước. “Đảng, Nhà nước đã xác định CPH là trọng tâm, nên với các đối tượng Nhà nước không cần nắm giữ vốn, nếu không CPH được sẽ bán” - ông Dũng nói.
Coi chừng nguy cơ mất tài sản nhà nước
Theo TS Nguyễn Sơn - Viện Kinh tế và chính trị thế giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN), CPH sẽ giúp các DNNN công khai, minh bạch hơn, chi tiêu chặt chẽ hơn vì sẽ có sự giám sát của các cổ đông khác. Tuy nhiên, theo ông Sơn, nếu Nhà nước vẫn nắm trên 51% vốn thì ban quản trị doanh nghiệp cơ bản vẫn vậy, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn Nhà nước bổ nhiệm, cách chi tiêu vẫn vậy... và chưa thật sự thay đổi được gốc gác vấn đề hiệu quả doanh nghiệp.
“Muốn thay đổi hiệu quả một doanh nghiệp, Nhà nước cần phải trao cho phần vốn thị trường quyết vấn đề nhân sự, chiến lược... còn cổ đông nhỏ chỉ có thể tham gia “tí chút”, khó có thể thay đổi được gì” - ông Sơn nói. Khi đó, các nguồn vốn tham gia mua cổ phần nhà nước tại các DNNN, theo ông Sơn, sẽ chủ yếu nhắm vào vị thế thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, hoặc giá cổ phiếu được định thấp hơn giá trị thực - như thế lại có nguy cơ mất tài sản nhà nước.
Theo PGS.TSKH Nguyễn Quang Thái - phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, CPH chỉ là một giải pháp, vấn đề lớn là làm sao nâng cao hiệu quả, quản trị, gắn với hội nhập quốc tế...
Theo ông Thái, không nhất thiết Nhà nước phải giữ 51% vốn, hoặc nhiều lĩnh vực là 65-75% vốn mới kiểm soát được doanh nghiệp. Cần tính toán giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước nắm trên 51% vốn vì chỉ cần xây dựng cơ chế “cổ phiếu vàng” thì ngay cả khi chỉ giữ 20% vốn, Nhà nước vẫn đủ quyền phủ quyết các quyết định quan trọng của doanh nghiệp (không đúng hướng nhà nước - PV)...
“Nếu điều lệ doanh nghiệp ghi rõ trường hợp quyết các vấn đề quan trọng như thay đổi điều lệ, bán bớt cổ phần, thay đổi mục đích hoạt động doanh nghiệp... phải được sự đồng ý của tối thiểu 81% vốn thì chỉ cần 20% cũng đủ kiểm soát rồi” - ông Thái nói và cho biết nhiều nước đã thực hiện cơ chế trên và “không nước nào định ra mức phải giữ 65% vốn mới chi phối được doanh nghiệp cả”...
Ông Bùi Văn Dũng và ông Nguyễn Quang Thái đều cho rằng CPH sắp tới dù thúc đẩy nhanh cũng cần công khai, minh bạch. Theo ông Dũng, các doanh nghiệp đã niêm yết thì khi Nhà nước bán thêm vốn ra, giá cổ phần sẽ theo giá thị trường, khó có khả năng tham nhũng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp chưa niêm yết, không loại trừ khả năng “họ có thể lách luật”. Vì vậy, khi bán cổ phần cần cho đấu giá công khai và theo ông Nguyễn Quang Thái, “cần thông báo trước ít nhất 1-2 tháng”...
C.V.KÌNH
Nhà nước chỉ nắm 75% cổ phần các doanh nghiệp dầu khí, xăng dầu
Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về phân loại DNNN. Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ nắm 100% vốn tại những doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh; đóng tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu kết hợp kinh tế quốc phòng; truyền tải hệ thống điện quốc gia; quản lý khai thác đường sắt quốc gia, đô thị; điều hành bay; in đúc tiền; sản xuất nội dung phát thanh, truyền hình, báo chí...
Các DNNN sau thuộc diện phải CPH mà Nhà nước sẽ chỉ nắm 75% cổ phần: doanh nghiệp quản lý cảng hàng không, sân bay; khai thác than, bôxit, quặng sắt, đồng...; khai thác chế biến dầu khí tự nhiên; cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông; bán buôn xăng dầu...
Các doanh nghiệp thuộc diện CPH Nhà nước chỉ nắm giữ 65-75% vốn cổ phần gồm: doanh nghiệp đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế như nhà máy điện trên 500MW, bán buôn lương thực... Những doanh nghiệp phải CPH mà Nhà nước chỉ nắm từ 50-65% cổ phần gồm: thoát nước đô thị; vệ sinh môi trường, chiếu sáng đô thị; bán buôn thuốc phòng chữa bệnh; đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải đường không; trồng và chế biến cao su, cà phê; vận tải đường biển quốc tế, vận tải đường sắt và đường không; tài chính, tín dụng...
Ông Phạm Thanh Quang (tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng, Bộ Tài chính):
Hãy cổ phần hóa triệt để các ngành mà tư nhân có thể làm tốt
Không lo ngại về chuyện sẽ mất vốn hay nói cách khác là thất thoát tài sản của Nhà nước khi đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Dưới góc độ thị trường, kinh tế chưa thật sự ấm lên nên dòng tiền đổ vào mua cổ phiếu, cổ phần sẽ thận trọng hơn, lựa chọn những hàng tốt khi mở hầu bao. Thêm nữa, hàng hóa nhiều hơn nên khó có thể bán được cao như vài năm trước. Do đó, chỉ có những hàng tốt thuộc các ngành như viễn thông, hàng không, ngân hàng thì mới có thể bán được giá. Còn các ngành khác như ngành giao thông được dự báo giá bán cao nhất khó vượt qua mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần. Nói tóm lại, muốn quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thật sự hiệu quả và được đẩy nhanh thì hãy để thị trường định giá cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp.
Để nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp làm ăn có lãi, không bị dân kêu thì Nhà nước buộc phải chuyển đổi - tức là cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước. Nhất là các doanh nghiệp nhà nước đang kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt hơn thì Nhà nước không nên nắm giữ một tỉ lệ cổ phần nào.
Trong tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết định cổ phần hóa các công ty mẹ ngành giao thông. Đơn cử, Tổng công ty Công trình giao thông 4 sẽ cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ 35% vốn điều lệ. Theo tôi, các doanh nghiệp ngành giao thông cần phải được tư nhân hóa 100%. Khi đó, các doanh nghiệp mới cạnh tranh thật sự với nhau. Kết quả là chúng ta mới có con đường, cây cầu đảm bảo tiến độ và chất lượng được. Với tư cách là một nhà đầu tư, Nhà nước có thể mua lại khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Mặt khác, Nhà nước cũng có thể thành lập ra doanh nghiệp mới trong lĩnh vực này để cạnh tranh.
LÊ THANH ghi
 

No comments:

Post a Comment