Monday, February 10, 2014

Kim Jong Un : Từ hy vọng đến thất vọng!

RFI- 10/02/2014

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) thanh tra Ban chỉ huy Đơn vị 534 quân đội Triều Tiên, Bình Nhưỡng, 13/01/2014
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) thanh tra Ban chỉ huy Đơn vị 534 quân đội Triều Tiên, Bình Nhưỡng, 13/01/2014
REUTERS/KCNA


Cách nay hai năm, khi lên thay người cha quá cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un đã ít nhiều tạo ra hy vọng sẽ đưa chế độ khép kín này vào một con đường hòa giải với thế giới bên ngoài, hủy bỏ hạt nhân quân sự, canh tân đất nước. Tuy nhiên nhà lãnh tụ trẻ tuổi này, từng có cơ hội học hành tại Tây phương, lại gây thất vọng cho giới quan sát.

Vào ngày 19 tháng 9 năm 2005, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Il, Bắc Triều Tiên đã ký với cộng đồng quốc tế , trong khuôn khổ đàm phán 6 bên , từ bỏ chương trình hạt nhân, đổi lại được viện trợ chấn hưng nền kinh tế phá sản , chế độ được bảo đảm an ninh, được cung cấp nhà máy điện nước nhẹ và cuối cùng được bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Con đường cải cách này manh nha xuất hiện dưới thời Kim Jong Il trước khi ông qua đời vào cuối năm 2011 và con trai Kim Jong Un lên thay.

Theo nhà phân tích Joseph De Trani, chuyên gia tình báo Mỹ đặc trách nhiệm vụ tại Bắc Triều Tiên trong bốn năm từ 2006 đến 2010 cũng như trong cuộc đàm phán 6 bên, thì những tháng đầu khi Kim Jong Un lên cầm quyền, nhà lãnh đạo trẻ tuổi này đã có một số động thái và quyết định đáng khích lệ như thay thế một số tướng lãnh chủ chiến thân cận với Kim Jong Il như thống tướng Ri Yong Ho.

Bản thân Kim Jong Un và chính phủ Bắc Triều Tiên còn đi theo chiều hướng mở cửa của chú dượng Jang Song Theak, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng đầy thế lực.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, tia hy vọng le lói này bị dập tắt : Bình Nhưỡng tiến hành một loạt thử nghiệm tên lửa từ tháng 4 đến tháng 12/2012 và qua tháng 2/2013 thì cho nổ nguyên tử trong lòng đất. Tiếp theo đó là một loạt động thái đe dọa « đánh phủ đầu » Hoa Kỳ và Hàn Quốc bằng bom hạt nhân.

Trong lãnh vực hợp tác song phương với Seoul, chế độ Bình Nhưỡng bất thần đóng cửa khu cộng nghiệp Keasong, cô lập hàng trăm chuyên gia và kỷ sư Hàn Quốc. Trong thời gia gần đây thì bắt nhốt ông Kenneth Bae, một nhà truyền giáo người Mỹ, 46 tuổi mà không nói lý do. Một du khách Mỹ 85 tuổi, cựu chiến binh chiến tranh Triều Tiên cũng bị câu lưu trong khi cụ già này đã lên máy bay sắp rời Bình Nhưỡng.

Tất cả những sự kiện gây căng thẳng trên đây đều trùng hợp với một biến cố khác xảy ra tại Bình Nhưỡng : Tướng Jang Song Theak bị bắt và bị hành quyết sau một phiên xử ngắn hồi tháng 12/2013. Có tin là hầu hết gia đình dòng tộc bị hành quyết. Số phận người vợ và cũng là cô ruột của Kim Jong Un không rõ ra sao.

Cũng theo chuyên gia tình báo Mỹ Joseph De Trani, trong lúc Bình Nhưỡng đe dọa Hoa Kỳ và Hàn Quốc thì Jang Song Theak đã bặt vô âm tín và những tướng lãnh thuộc loại « cứng rắn và giáo điều » như Kim Kyok Sik và Kim Yong Chol trở lại giữ những chức vụ trọng trách.
Trong những tháng qua, Bình Nhưỡng đã cho khởi động trở lại trung tâm hạt nhân Yong Byon và tinh lọc Uranium.

Cùng lúc đó là những cố gắng xây dựng, cải tiến các dàn phóng hỏa tiễn.
Giới chuyên gia kêu gọi Mỹ, Hàn, Nhật hợp tác với Nga và Trung Quốc thúc đẩy hai cường quốc thân Bình Nhưỡng phải có thái độ giải quyết tình hình căng thẳng này trước khi xảy ra một vụ thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa khác.

Vấn đề là với quan hệ giữa « đảng với đảng », liệu Trung Quốc có sử dụng đòn bẩy này để kéo Bắc Triều Tiên trở lại con đường hợp tác với quốc tế hay không ?

Bình Nhưỡng, hôm nay, hủy lời mời đặc sứ Mỹ đến thảo luận về số phận nhà truyền giáo Kenneth Bae. Chương trình cho các gia đình ly tán được hội ngộ theo dự kiến trong tuần lễ từ 20 đến 25/2 tới đây tại núi Kim Cương nếu cũng bị hủy bỏ, thì sẽ là tín hiệu không tốt cho hòa bình.

No comments:

Post a Comment