HÀ NỘI 9-2 (NV) - Nếu được đem thi hành dự thảo thông tư, sắp tới, người ta tin rằng xin được “đứng đường” làm cảnh sát giao thông ở Việt Nam sẽ có thể tốn kém gấp bội.
Cảnh Sát Giao Thông CSVN bây giờ sẽ phạt và thu tiền phạt tại chỗ. Cơ hội ăn hối lộ thay vì viết giấy phạt dễ dàng hơn. (Hình: Người Lao Động) |
Theo báo Người Lao Động hôm Thứ Bảy 9/2/2014 thì “Người vi phạm an toàn giao thông có thể nộp phạt trực tiếp cho người ra quyết định xử phạt, tránh việc phải đi lại nhiều lần mới nộp được tiền và nhận lại giấy phép lái xe.”
Nguồn tin trên cho biết “Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lần 1 thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 - để lấy ý kiến người dân.”
Cái lý do được nêu ra là “tránh phiền hà cho người dân”, thấy thật cảm động. Cảm động đến phải vãi nước...mắt. Từ trước đến giờ, trên luật lệ, người dân ở Việt Nam khi bị phạt lỗi giao thông thì bị giữ giấy tờ xe, bằng lái, nếu lỗi nhẹ. Lỗi nặng còn có thể bị giữ luôn xe. Phải bỏ ra mấy ngày đi chuộc giấy, chuộc xe quả nhiên là phiền hà không kể tiền phạt. Thậm chó có thể tiền phạt, tiền giam xe lâu ngày quá lớn, người ta đành bỏ xe luôn.
Ở các nước văn minh, người bị phạt ngồi ở nhà viết chi phiếu trả tiền phạt gửi qua bưu điện. Thậm chí, người ta còn có thể bấm máy computer trả tiền phạt trực tiếp cho tòa án chứ cơ quan Cảnh sát Giao thông không có quyền đụng vào tiền phạt. Việt Nam thì không có văn minh và giản tiện được như vậy.
Nay “để tránh phiền hà” thì Bộ Công An nghĩ ra được trò tử tế là “cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt”, theo bản tin của tờ Người Lao Động.
Nguồn tin kể rằng “Một thành viên ban soạn thảo cho biết việc yêu cầu bắt buộc nộp phạt qua Kho bạc Nhà nước thời gian qua có một số bất cập. Vì người vi phạm không được nộp phạt tại chỗ nên CSGT chỉ được lập biên bản, tạm giữ giấy tờ và chờ họ nộp tại kho bạc rồi mới giải quyết các thủ tục liên quan”.
“Sau khi nộp phạt 5-7 ngày, người vi phạm mới tới trụ sở đội CSGT hoặc cơ quan ra quyết định xử phạt để lấy lịch hẹn trả giấy tờ, nhiều khi tới nhưng không gặp “cán bộ”. Điều này tác động không nhỏ tới tâm lý của nhiều người điều khiển phương tiện nên khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, họ đã bỏ trốn hoặc chống đối.”
Thêm nữa nguồn tin còn nêu ra rằng “quy định về việc không cho nộp phạt tiền trực tiếp còn tạo điều kiện cho người thi hành công vụ nhũng nhiễu”.
Ông CSGT đang "làm luật nhanh chư chớp" theo sự ghi nhận của báo Giáo Dục Việt Nam ngày Chủ Nhật 9/2/2014 ở khu vực gần thành phố Bắc Ninh. (Hình: GDVN) |
Chẳng mấy ai tin rằng nếu cho mấy ông CSGT thu tiền tại chỗ thì các ông hết “nhũng nhiễu” hay “giảm những nhiễu”. Ngược lại, càng giúp các ông “nhũng nhiễu” thoải mái là khác.
Trước đây, cuối tháng 11-2011 báo Tuổi Trẻ đưa tin một đoàn kiểm tra của Bộ Công An đi kiểm tra ở Sài Gòn xem xét sự thi hành cái lệnh CSGT không được giữ trên người quá số tiến 100,000 đồng tiền mặt. Mục đích hiển nhiên là để ngăn ngừa “nhũng nhiễu” vòi vĩnh hối lộ. Nhưng như tất cả mọi người đều biết, “Kiểm” thì cứ kiểm, “Tra” thì cứ tra nhưng chuyện ăn hối lộ thay vì phạt vi phạm giao thông vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Nếu các ông được thu tiền tại chỗ thì cái lệnh cấm các ông giữ trên người quá 100,000 đồng vốn dĩ là cái lệnh “ném đá ao bèo” cũng sẽ không thay đổi gì. Các ông vẫn ngang nhiên ra giá phải cúng cho các ông bao nhiêu, thay vì đưa đúng số tiền phạt và nhận tờ biên lai phạt.
Cùng ngày Chủ Nhật 9/2/2014 có bản tin của tờ Người Lao Động nói trên, báo Giáo Dục Việt Nam (GDVN) đưa ra một video clip do phóng viên của họ bí mật ghi hình “CSGT Bắc Ninh kiểm tra giấy tờ nhanh như chớp” vào buổi sáng ngày Thứ Sáu 7/2/2014 trên Quốc lộ 1, đoạn gần thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
“Trong video, chiếc xe ô tô bán tải màu xanh, hiệu Mitsubishi, BKS 99A - 00328 chở 3 đồng chí cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại khu vực trên. Theo quan sát của PV trong vòng gần nửa tiếng, những chiếc xe tải đi qua hầu hết đều bị “gọi” vào để kiểm tra. Tuy nhiên, việc kiểm tra phương tiện của những đồng chí cảnh sát giao thông này có nhiều điểm nghi vấn.” Báo GDVN viết. “Khi nhận được hiệu lệnh dừng xe, người tài xế hoặc phụ xe mở cửa bước xuống chạy nhanh về phía vị cảnh sát giao thông. Và chỉ trong vòng vài giây với chiếc “bắt tay” nhanh chóng, khâu kiểm tra giấy tờ đã hoàn tất. Người tài xế vui vẻ lên xe và tiếp tục cuộc hành trình của mình. Không thấy cảnh sát giao thông kiểm tra kỹ trên xe đang chở gì và có quá tải hay không?”
Từ đó, tờ báo GDVN đặt nghi vấn là có thể các ông CSGT khu vực thành phố Bắc Ninh chỉ ngoắc người chạy xe tải lại để nhận tiền “bôi trơn” hay “làm luật” mà thôi.
Trước đó, ngày 19/12/2013, báo Lao Động đưa ra một loạt hình ảnh ghi lại cận cảnh “Hàng loạt biểu hiện "bất thường" của cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội được phóng viên ghi lại tại quốc lộ 1B, hướng Lạng Sơn - Hà Nội.”
Bản tin rất ít chữ, nhiều hình ảnh chứng minh là chính, của tờ Lao Động viết rằng “Theo ghi nhận của nhóm PV tại quốc lộ 1B, hướng Lạng Sơn - Hà Nội thuộc địa bàn quản lý của Đội cảnh sát giao thông số 5 (PC67 Hà Nội), thời gian qua, việc tác nghiệp của các đồng chí CSGT tại đây có biểu hiện rất "khác thường" như: Chỉ cần làm việc với phụ xe mà không cần quan tâm đến tài xế lái xe, xe vi phạm về hàng hóa cồng kềnh mà chỉ kiểm tra giấy tờ rồi cho qua, hay tốc độ kiểm tra siêu tốc chưa đầy 25 giây là đã hoàn tất cả quy trình dừng xe, kiểm tra giấy tờ rồi đi...”
Báo Lao Động không đặt câu hỏi nhưng cái hành vi mô tả là “khác thường” đó đủ cho độc giả của tờ báo hiểu rằng các ông CSGT khu vực Hà Nội chỉ “làm luật” chứ chẳng bận tâm gì đến việc xe người ta có vi phạm gì không.
Điều đáng nói là ngày 1/8/2013, báo Tiền Phong có cuộc phỏng vấn tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao Thông Đường Bộ Đường Sắt, nói rằng cơ quan của ông “Bí mật giám sát cảnh sát vẫy xe”, tức là canh chừng để thuộc cấp của ông thôi trò “làm luật”.
Như hai bản tin của báo GDVN và Lao Động làm thí dụ, có gì thay đổi trong cách kiểm soát điều hành lưu thông “làm luật” hay “nhũng nhiễu” của các ông CSGT đâu? Một người ở Hà Nội nói với người viết bài này: “Ở Việt Nam người ta cai trị dân bằng luật rừng chứ không phải bằng mấy bộ luật viết trên giấy.”
Bởi vậy, cho các ông CSGT thu tiền tại chỗ hay không, nạn những nhiễu “làm luật” của các ông vẫn không có gì thay đổi. Chuyện thường ngày ở huyện thì vẫn là chuyện thường ngày ở huyện.
Vì chia chác tiền “làm luật” nhiều ít sao đó mà một ông đại úy CSGT bắn cấp trên là ông thiếu tá nhiều phát đạn chết tại chỗ chiều tối 22/9/2013 tại trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Suối Tre (Đồng Nai) gây rúng động dư luận.
Để được “đứng đường” các ông CSGT đã phải mua chỗ với những số tiền rất lớn. Với cái dự thảo sắp tới của Bộ công an giúp các ông để dàng đút túi hơn, tiền đút lót chắc phải nặng hơn nữa. Và chưa chắc mua được bằng tiền đồng mà phải là từng cọc giấy xanh của đế quốc tư bản Mỹ.
No comments:
Post a Comment