Monday, February 10, 2014

Trung Quốc tấn công vào ‘sân sau’ của Mỹ

SOHA- 10/02/2014     -Ảnh hưởng vượt trội mới tại Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) chỉ là một phần trong bước can dự ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc tại Trung Mỹ và Mỹ Latinh.


Vài năm trở lại đây, thế giới đã được nghe Mỹ tuyên bố về cái gọi là “chuyển trọng tâm” sang châu Á. Nhưng khi mà Washington vẫn còn đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, thì Trung Quốc đã lặng lẽ tiến đến “sân sau” quan trọng bậc nhất của Mỹ - khu vực Trung Mỹ và Mỹ Latinh.
Bắc Kinh ngày càng can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực Tây Bán cầu, mà minh chứng rõ nét nhất là sự hình thành một cơ chế đối thoại mới, đó là Diễn đàn Trung Quốc - CELAC, được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh CELAC lần thứ nhất diễn ra tại Cuba, từ 28-29/1.
CELAC là một tổ chức được thành lập vào năm 2011, nhưng có tiềm năng để trở thành một cực chính trị quan trọng. Năm ngoái, khi Cuba nắm cương vị chủ tịch, tổ chức này đã hướng trọng tâm vào hợp tác khu vực trong các lĩnh vực giáo dục, chống tham nhũng, cứu trợ thảm họa. CELAC tuyên bố Mỹ Latinh là “khu vực hòa bình”, với việc các nước thành viên nhất trí giải quyết bất đồng thông qua đối thoại hòa bình. Chủ tịch Cuba Raul Castro đã gọi CELAC là “đại diện hợp pháp cho lợi ích của người dân Mỹ Latinh và vùng Caribe”.
Diễn đàn Trung Quốc - CELAC, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi, sẽ là “nền tảng quan trọng cho sự phát triển của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện được đặc trưng bởi các yếu tố công bằng, cùng lợi ích và cùng phát triển”.
Ông Hồng Lỗi cũng nói thêm việc thiết lập diễn đàn này nhằm đáp ứng “mong muốn chung của các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe trong tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc”. Hội nghị đầu tiên dự kiến sẽ được tiến hành vào cuối năm 2014. Ảnh hưởng tại CELAC chỉ là một phần trong mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Tây Bán cầu.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực này. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 261 tỉ USD. Trên lĩnh vực chính trị, từ năm 2001 đến nay, Trung Quốc đã ký kết Hiệp định quan hệ Đối tác Chiến lược với 5 nước Mỹ Latinh: Venezuela, Mexico, Brazil, Argentina và Peru. Sự can dự của Trung Quốc cũng giúp các nước Mỹ Latinh và Caribe tìm được chỗ dựa chống lại sức ép từ Mỹ.
CELAC tự thân được nhìn nhận như là một tổ chức thay thế Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) do Washington đứng đầu, và nó bao gồm tất cả các nước Tây Bán cầu ngoại trừ Mỹ và Canada. Sự hình thành và phát triển của CELAC cho thấy sự thiếu nhất quán trong chính sách của Mỹ tại khu vực. Tăng cường quan hệ với Trung Quốc vì thế được xem là cách thức của CELAC tạo thế cân bằng trước Mỹ, như cách một số quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương muốn dựa vào Mỹ để đối trọng với quyền lực ngày một tăng của Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment