Sunday, July 20, 2014

Xử tệ với công nhân

Thiệt hại từ các cuộc ngừng việc tập thể có thể còn nhiều hơn việc thu lợi bất chính bằng cách cắt xén quyền lợi của công nhân
Mới đây, gần 350 công nhân (CN) Công ty TNHH SX May mặc Tao Nhã (100% vốn nước ngoài, huyện Hóc Môn, TP HCM) đã ngừng việc phản đối quy định sử dụng phép năm mới của công ty. Theo đó, kể từ tháng 8-2014, công ty sẽ không giải quyết cho CN nghỉ phép năm, số ngày nghỉ phép được khấu trừ vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, CN nào có nhu cầu nghỉ phép sẽ được giải quyết theo chế độ nghỉ việc không lương và không được hưởng tiền chuyên cần.
Bất chấp pháp luật
Theo phản ánh của CN, công ty quy định mỗi CN được nghỉ 12 ngày phép/năm. Trước đây, mỗi tháng CN chỉ được nghỉ 1 ngày phép, nếu xin nghỉ phép 2 ngày/tháng thì bị trừ lương và trừ tiền chuyên cần (200.000 đồng/tháng). Bên cạnh đó, công ty không chấp nhận việc dồn phép năm để nghỉ nhiều ngày nhưng nếu CN có việc xin nghỉ nửa ngày thì sẽ bị trừ lương cả ngày. Chị N., một CN, cho biết: “Khi hết hàng hoặc cúp điện, công ty cho CN nghỉ làm cũng trừ vào phép năm nên khi chúng tôi bị bệnh hay có việc riêng đành phải nghỉ không lương”.
Bảo vệ chặn cổng không cho công nhân ra ngoài ăn cơm trưa ngày 16-7
Bảo vệ chặn cổng không cho công nhân ra ngoài ăn cơm trưa ngày 16-7
Thấy bị xử ép nhưng CN không phản ứng, công ty càng lấn tới. Mới đây, lấy cớ thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh, công ty không giải quyết phép năm cho CN từ tháng 8 đến cuối năm.
Cuộc ngừng việc tập thể vừa qua chính là hậu quả những bức xúc bị dồn nén lâu ngày. Ngoài việc bị chiếm đoạt ngày phép, công ty còn ép tăng ca liên tục và tùy tiện cắt xén tiền ăn của CN. Một CN cho biết công ty quy định suất ăn giữa ca giá 11.000 đồng nhưng thực tế chỉ còn 7.000 đồng vì đã bị trích lại 4.000 đồng để trả chi phí cho người nấu ăn, phục vụ... “Tôi đã làm qua nhiều công ty nhưng chưa thấy ở đâu chất lượng bữa ăn tệ như công ty này. Làm việc mệt mỏi, ăn suất giá 7.000 đồng, chúng tôi nuốt không trôi. Ấy vậy mà ai mang cơm theo hoặc ăn cơm bên ngoài thì bị công ty trừ 20.000 đồng/suất nhưng nếu vì lý do nào đó mà công ty không nấu cơm thì chỉ trả cho CN 10.000 đồng/suất. Đã vậy, CN nào đi ăn mà quên nhìn đồng hồ, chỉ cần ăn sớm vài phút thì bị phạt 300.000 đồng/người” - chị H. bức xúc.
Cư xử thiếu thiện chí
Sau khi xảy ra ngừng việc, ngày 14-7, trước áp lực của CN và các cơ quan chức năng địa phương, ông Suen Pei Long, giám đốc công ty, buộc phải ra thông báo mới, tiếp tục tính phép năm như cũ. Tuy nhiên, yêu cầu cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca của CN vẫn không được đáp ứng thỏa đáng, chỉ nêu chung chung “CN nào có nhu cầu ăn giữa ca thì đăng ký, ai không ăn thì công ty không thanh toán bằng tiền”. Bên cạnh đó, tuy “nhốt” CN, không cho ra khỏi cổng trong gần 3 ngày ngừng việc nhưng công ty không đồng ý trả lương những ngày này khiến cuộc ngừng việc vẫn tiếp diễn.
Đáng nói thêm là trưa 16-7, công ty yêu cầu CN trở lại làm việc buổi chiều để được trả lương cả ngày 16-7 nhưng không bố trí bữa ăn trưa, cũng không cho CN ra khỏi cổng. “Tôi không hiểu công ty muốn gì khi để CN làm việc với cái bụng rỗng? Cách hành xử này lại một lần nữa cho thấy sự thiếu thiện chí khắc phục sai lầm của công ty, cái mà chúng tôi đang cần” - chị P., một CN, ngao ngán nói.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, khẳng định: “Công ty TNHH SX May mặc Tao Nhã tự áp đặt lịch nghỉ phép khi chưa tham khảo ý kiến của CN là trái pháp luật. Tao Nhã là một trong những điểm nóng tranh chấp lao động trên địa bàn huyện, sắp tới LĐLĐ huyện kiến nghị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM tiến hành kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty này để bảo đảm quyền lợi cho người lao động”. 
Thiệt hại còn nhiều hơn
“Khi cắt xén quyền lợi của người lao động, một số doanh nghiệp (DN) chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên điều quan trọng: tâm trạng CN có vui vẻ, thoải mái, cơ thể khỏe mạnh thì mới làm việc tốt, từ làm việc tốt sẽ khiến năng suất lao động tăng và khi năng suất tăng thì DN là người hưởng lợi. Ngược lại, khi CN bị ức chế sẽ dễ dẫn đến những cuộc ngừng việc tập thể, điều này làm cho sản xuất đình trệ, gây thiệt hại cho DN, đôi khi những thiệt hại đó còn nhiều hơn gấp nhiều lần cái lợi mà DN thu được từ việc chèn ép người lao động” - ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Đào tạo nguồn nhân lực Nam Việt, chia sẻ.


Chủ Nhật, 22:18  20/07/2014
Bài và ảnh: Mai Chi

No comments:

Post a Comment