Sunday, July 20, 2014

Khi nào người Việt mới thôi “lùn”?

Kinh tế đang khó khăn, nhiều người Việt Nam ăn còn chưa no chứ nói chi đến chuyện ăn đúng, ăn đủ dinh dưỡng để chiều cao được cải thiện.
Mới đây, theo TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì nam, nữ trong độ tuổi thanh niên của Việt Nam hiện có chiều cao thấp nhất so với các quốc gia khác trong khu vực lân cận. Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy nam thanh niên Việt Nam cao trung bình 1,64 m, nữ 1,54 m.
GS Nguyễn Văn Tuấn(1), người đứng đầu nhóm nghiên cứu về loãng xương và di truyền học ở Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan (TP Sydney, tiểu bang New South Wales, Úc), nhận định: Chuyện tăng trưởng chiều cao liên đới đến nhiều yếu tố khác nhau.
Cần cải thiện đồng bộ
. Phóng viên: Ở góc độ khoa học thì những yếu tố nào tác động đến việc tăng trưởng chiều cao của con người? Giáo sư nhận thấy mức độ tác động của các yếu tố đó ra sao?
+ GS Nguyễn Văn Tuấn: Tăng trưởng chiều cao cơ thể của một dân tộc là hệ quả sự tương tác của ba yếu tố chính là gen, dinh dưỡng và hoạt động thể lực. Nhìn từ sự khác biệt về chiều cao giữa các cá nhân trong quần thể thì yếu tố di truyền là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, ngoài di truyền, các yếu tố chúng ta tạm gọi là “môi trường” như dinh dưỡng và vận động thể lực cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chiều cao của một cá nhân. Ngày xưa, trong gia đình tôi rất ít ai có chiều cao 1,7 m nhưng ngày nay thì nhiều thành viên trong gia đình có chiều cao như thế. Tôi nghĩ phát triển kinh tế và cải thiện dinh dưỡng có thể giải thích một phần sự tăng trưởng đó.
Nhiều người thắc mắc liệu có giải pháp nào để “biến đổi” hoặc “thay đổi gen” qua các thế hệ để cải thiện chiều cao nói riêng và thể chất nói chung không, thưa giáo sư?
+ Tôi chưa bao giờ nghe đến ý tưởng biến đổi gen để cải thiện chiều cao. Ý tưởng đó có vẻ phiêu lưu bởi vì cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết chính xác gen nào có liên quan đến chiều cao của con người nói chung và của người Việt nói riêng. Do đó can thiệp vào gen để nâng cao chiều cao là điều không tưởng. Đó là chưa kể trong y sinh học, một số nghiên cứu cho thấy nếu một yếu tố X có liên hệ với bệnh Y, không có nghĩa là can thiệp thay đổi X sẽ làm thay đổi Y. Vậy nên nếu chỉ tập trung thay đổi một yếu tố đơn nhất là dinh dưỡng hoặc thể lực thì cũng rất khó thay đổi một cách rõ ràng chiều cao cơ thể.
Thu nhập cá nhân tốt thì chắc chắn dân tộc sẽ cao
Có ý kiến cho rằng dinh dưỡng, thể chất hay thậm chí là gen phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố căng cốt nhất là tốc độ phát triển kinh tế. Thông qua những nghiên cứu của mình tại một số nước có tốc độ, hiện trạng kinh tế khác nhau, xin giáo sư làm rõ mối tương quan nói trên?
+ Gen không phụ thuộc vào phát triển kinh tế hay chính sách an sinh xã hội. Nhưng đúng là chiều cao tăng theo kinh tế của một nước. Xu hướng này đã từng thấy ở Nhật, Thái Lan và nhiều nước châu Âu. Bởi lẽ dinh dưỡng tùy thuộc vào mức độ phát triển kinh tế của quốc gia. Do đó những khác biệt và thay đổi chiều cao của một quần thể gián tiếp tùy thuộc vào phát triển kinh tế.
Ở Nhật, sau 40 năm (1950-1990) chiều cao thanh niên tăng 4 cm. Chẳng cần can thiệp, một khi nền kinh tế khá lên, người dân có khả năng chọn thực phẩm có chất lượng hơn và phong phú hơn thì việc tăng chiều cao chỉ là hệ quả của sự lựa chọn đó. Ngay tại Việt Nam, tính trung bình một thanh niên 20 tuổi năm 2014 có chiều cao cao hơn một thanh niên 20 tuổi vào năm 1985 và sự khác biệt đó chẳng phải do can thiệp nào mà do cải thiện về dinh dưỡng từ phát triển kinh tế đem lại.
Một quốc gia chỉ vừa mới thoát khỏi mức thu nhập thấp, lại có tốc độ phát triển kinh tế chậm như Việt Nam sẽ gặp những khó khăn cụ thể nào trong chiến lược phát triển chiều cao người Việt, thưa giáo sư?
+ Chúng ta không thể tăng chiều cao của một quần thể người như một đề án mà Việt Nam đã đề ra trước đây là tăng 4,7 cm ở nam và 3 cm ở nữ trong vòng bảy năm. Tại sao vậy? Kinh tế Việt Nam còn khó khăn, xã hội còn quá nhiều người nghèo, nạn suy dinh dưỡng còn chưa khắc phục được thì việc tăng trưởng chiều cao là một điều khó khăn. Vả lại tôi chưa biết một dân tộc nào trên thế giới có khả năng tăng chiều cao của mình gần 5 cm trong vòng bảy năm.
Hơn nữa, tôi là người gốc quê nên trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà chúng ta bàn chuyện tăng chiều cao thì hơi viển vông. Bởi vì chúng ta có thể bàn về dinh dưỡng, về tăng lượng sữa và vitamin D nhưng trong thực tế ở miền quê, người dân rất vất vả để sống qua ngày với hàng trăm chi phí khác thì họ không có khả năng tài chính để nghĩ đến những điều xa xỉ chúng ta đang bàn. Chỉ có phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập thì người dân mới tự can thiệp để nâng cao chiều cao.
. Xin cảm ơn giáo sư.
Bất bình đẳng y tế công cộng khiến dân “lùn”
Một nghiên cứu được thực hiện tại 47 huyện và quận ở Nhật trong thời gian từ năm 1892 đến năm 1941 cho thấy rõ ràng tình trạng bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe chính là một nguyên nhân lớn dẫn đến sự khác biệt về chiều cao cơ thể của dân số. Nghiên cứu ở Thái Lan cũng cho thấy tính trung bình chiều cao người Thái ở nông thôn thấp hơn chiều cao người Thái ở Bangkok khoảng 2,6 cm (nữ giới) đến 4,3 cm (nam giới). Nguyên nhân chủ yếu là do dinh dưỡng và hệ thống chăm sóc sức khỏe trẻ em trong độ tuổi thiếu niên ở nông thôn còn quá kém so với TP.
Đừng “A.Q”: “Dù tớ không cao nhưng ai cũng ngước nhìn”
Có người bảo: “Dù tớ không cao nhưng ai cũng ngước nhìn”. Ơ hay! Không cao, tự nó đã là lùn. Mà đã lùn, cớ gì người khác phải “ngước nhìn”? Khi người Việt Nam sánh vai cùng người châu Âu, điều rõ ràng nhất, lúc ấy hầu như ai cũng ngầm so sánh chiều cao với họ. Lúc ấy ai ngước nhìn ai?
Từ chiều cao, ta lại nhận ra rằng mình kém họ nhiều thứ, ít ra về thể lực, sức khỏe, sự bền bỉ… Dù một dân tộc có trí tuệ thông minh siêu việt đến cỡ nào, cũng không thể thiếu đi yếu tố sức khỏe. Chiều cao là một trong những biểu hiện đó. Có chuyện rằng: Anh chàng nọ dẫn vợ đi ký giấy kết hôn, cô nhân viên hành chính ở xã hỏi anh chi tiết về cân nặng, chiều cao, trọng lượng… rồi cộng trừ nhân chia chi chít các dãy số. Lát sau, cô ta bảo: “Rất tiếc, tôi không thể chứng nhận kết hôn vì vợ chồng anh chưa đủ điều kiện để có con!”. Tại sao? Cô ta đáp tỉnh rụi: “Ai cũng có chiều cao như vợ chồng anh, thử hỏi khi đẻ con thì bao giờ lũ nhóc nước ta mới có thể tham gia… World Cup?”.
Tưởng chuyện đùa nhưng nghe ra chí lý đấy chứ?
Tìm biện pháp nâng chiều cao thanh niên Việt Nam, các nhà khoa học mấy năm nay đã tính toán nát óc. Điều này rất cần được sự hưởng ứng, ủng hộ của mọi nhà. Có điều, không ít người Việt vẫn còn nghĩ dù không cao nhưng dân mình có “chiều cao” trong nhiều lĩnh vực khác. Ấy là tư duy “chiều cao” theo kiểu “A.Q” - một kiểu tự hào, tự mãn cho rằng cái gì nước mình, dân tộc mình cũng nhất, số một!
Theo tôi, khắc phục được suy nghĩ “tự sướng” này cũng quan trọng, bức thiết không kém gì nâng chiều cao hiện tại của người Việt.
LÊ MINH QUỐC
Hiền tài không thể lọt thỏm giữa đám đông!
Tôi từng có dịp đi đó đi đây, quen biết và làm việc chung với không ít người bạn Đông-Tây. Phải thừa nhận rằng rất nhiều người Việt thông minh, lanh lợi, thậm chí là nổi bật về kiến thức và nét ứng xử hài hòa, chân tình pha lẫn sự hóm hỉnh rất dễ mến.
Những người bạn đồng lứa 9X của tôi, hiện là du học sinh tại Nhật, Úc, Singapore hay Đức đều có những thành tích đáng nể với những suất học bổng, những giải thưởng học tập lẫn rèn luyện mà ngay cả chính những sinh viên người bản địa cũng phải ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, trong thực tế chuyện chiều cao không đơn thuần chỉ là cao hay thấp mà còn là chuyện sức bền, khả năng chịu được sự khắc nghiệt từ môi trường sống, học tập, làm việc.
Cứ nhìn cái cách mà các tuyển thủ trẻ bóng đá U19 Việt Nam phải vất vả “bám theo” những cái bóng đồ sộ của người Indonesia, để rồi chịu thất bại đáng tiếc vì “theo không nổi”, bạn sẽ xót xa như thế nào. Phải trải nghiệm cảm giác du học sinh Việt chơi bóng rổ như kiểu “chuột bị mèo vờn” với một số sinh viên Nhật - những người cách đây vài chục năm thường bị thế giới mỉa mai “Nhật lùn”, bạn sẽ thấy thấm thía tầm quan trọng của chiều cao, thể lực. Nhiều lần tôi và các sinh viên Việt rất chạnh lòng mỗi khi chụp ảnh cùng bạn bè quốc tế, họ thường tươi cười tìm kiếm người Việt để nhường chỗ cho “bạn Việt Nam đứng trước”.
Có lần anh bạn thân của tôi sang Nhật học ngắn hạn vào mùa đông. Theo đoàn còn có sinh viên từ chín quốc gia khác thuộc ASEAN. Giữa tiết trời Kyoto có tuyết rơi lã chã, với dáng vẻ gầy còm cao tầm ngoài mét rưỡi, bạn tôi than thở: “Tôi chịu thua mùa đông nước Nhật”. Trong khi anh ngồi run lẩy bẩy, tay siết chặt lon cà phê nóng thì bạn bè người Thái, Lào, Campuchia… chơi đủ trò với tuyết ngoài kia. Ngày tiễn anh ra sân bay với cái giọng khản đặc vì lạnh, duy nhất mình anh tạm biệt Nhật bằng câu: “Cũng may là học có hai tuần”, trong khi bạn bè quốc tế ai nấy cũng lắc đầu tiếc hùi hụi vì không thể ở lâu hơn.
Về mặt tâm lý hay ở góc độ xã hội, ấn tượng đầu tiên giữa người với người là chuyện hình thể mà chiều cao đóng vai trò quan trọng. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao tiếp cho biết hơn 60% vẻ ngoài của một người mang đến sự thiện cảm hay quan trọng hơn là niềm tin. Rõ ràng người cao ráo sẽ đưa ánh mắt đi xa hơn, dễ phát hiện vấn đề hơn và cũng dễ được người khác nhìn thấy hơn.
Để ý mà xem, trong các hội thảo dành cho sinh viên đa quốc gia, mỗi lần các chàng trai, cô gái “chân dài” từ Úc, Singapore, Thái Lan hay Nhật bước lên sân khấu thì khán giả trầm trồ, vỗ tay dù họ chưa thể hiện bất kỳ điều gì về năng lực. Dáng vóc cao ráo cộng với thể chất tốt sẽ tạo nên tiếng nói có năng lượng hơn trong mắt mọi người.
HOÀNG HẢI (du học sinh Nhật)

Chủ Nhật, ngày 20/7/2014 - 03:05
ĐẠI THẮNG thực hiện

No comments:

Post a Comment