Sunday, July 20, 2014

Uống quá 3 chén rượu/ngày sẽ phạm luật?

Hồng Anh - theo Trí Thức Trẻ | 20/07/2014 19:59

(Soha.vn) - Một số đề xuất tại dự thảo lần 1- Luật phòng chống tác hại do lạm dụng rượu bia của Bộ Y tế đang làm dấy lên nhiều tranh cãi trong dư luận.

Mỗi người không được uống quá 3 chén/ngày
Trước thực trạng tiêu thụ bia rượu tại Việt Nam đứng hàng kỷ lục trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia với mục đích tạo hành lang pháp lý mạnh để hạn chế tối đa việc lạm dụng rượu bia.
Cuối tuần qua, Tổ biên tập dự án Luật này  đã có cuộc họp sơ bộ giới thiệu nội dung dự thảo lần 1 của luật. Một số điểm nhấn của dự thảo đang được dư luận rất quan tâm và đồng thuận, đó là quy định cấm bán lẻ rượu bằng máy bán hàng tự động; cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; cấm bán và uống rượu bia tại các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi cho trẻ em; nơi làm việc.
Cũng theo dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế đang xây dựng, những người bắt đầu có dấu hiệu lâm sàng gây hại cho sức khỏe hoặc biến đổi chức năng của cơ thể được coi là lạm dụng rượu bia.
Cụ thể, tất cả người từ 60 tuổi trở lên uống hơn 2 đơn vị rượu/ngày; với người dưới 60 tuổi là hơn 3 đơn vị rượu/ngày đều được coi là lạm dụng rượu bia.
Theo quy ước của dự thảo luật, một đơn vị rượu là một lon bia 330 ml hoặc tương đương với một chén 30 ml rượu mạnh 40-43 độ.
Như vậy, có thể tạm hiểu rằng người từ 60 tuổi trở lên chỉ được uống từ 2 lon bia 330ml trở xuống, hoặc 2 chén rượu/ngày. Những người từ 60 tuổi trở xuống chỉ được phép uống tối đa 3 chén rượu hoặc 3 lon bia/ngày. Uống quá số đơn vị rượu được quy định này, người uống sẽ bị coi là lạm dụng bia rượu, có dấu hiệu vi phạm bộ luật này.
Dự thảo luật cũng quy định người bán chỉ được bán rượu bia cho một người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá một đơn vị rượu(một chén)/giờ với nam và 1/2 đơn vị (nửa chén)/giờ với nữ. Đồng thời cũng quy định không được bán rượu bia sau 22h đến 24h; trong thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc.
Cấm được không?
Anh Trần Bình Quang, chủ một tiệm tạp hóa trên ngõ 610 đường Trương Định – Hà Nội cho hay: “Luật cấm bán rượu cho trẻ em dưới 18 tuổi, thế nhưng ở các tiệm tạp hóa như chúng tôi đây, các ông bố hầu như đều sai con chạy ra cửa hàng mua bia rượu giúp mình. Là chỗ quen biết, sao chúng tôi nỡ từ chối? Mà việc từ chối như thế có thể cũng không cần thiết, vì chúng tôi biết thừa rằng đa số bọn trẻ mua giúp bố chúng. Tôi không bán thì tiệm bên cạnh lại bán. Mà có hàng trăm tiệm tạp hóa ở khu vực này, ai sẽ phạt cho hết được? Tôi sợ nhưng anh bên cạnh không sợ thì tôi có nên tuân thủ không?”
Chủ một quán bia Hải ốc trên đường Kim Đồng- Hà Nội thì cho rằng thật khó để tuân thủ quy định người bán chỉ được bán rượu bia cho một người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá một đơn vị rượu(một chén)/giờ với nam và 1/2 đơn vị (nửa chén)/giờ với nữ.
Đơn giản bởi vì khách gọi rượu bia thường gọi nguyên chai, két… "Nếu nhà hàng không phục vụ thì mất khách, mà tuân thủ đúng luật thì cũng chẳng khách nào chịu đợi cả tiếng đồng hồ để gọi tiếp một chén rượu, một lon bia khác. Hơn nữa, theo quan sát của anh, khi đã ngồi vào bàn nhậu với trung bình thì một thực khách nam uống không dưới 3 lon/tiếng. Cá biệt có những đoàn 
khách ngồi từ 5giờ chiều đến 10h đêm, thì mỗi người uống 10 lon trở lên là chuyện bình thường. Chưa kể việc trong bàn tiệc, có người uống nhiều, người uống ít, người không uống chén nào. Người này bù người kia, nhà hàng không thể quản lý được."
Vì thế theo anh, quy định mới trong dự thảo giới hạn tối đa 3 lon bia/ngày hay 3 chén rượu/ngày là một điểm rất khó khả thi.
Khó giới hạn được mỗi khách chỉ được uống 1 chén rượu/giờ
Khó giới hạn được mỗi khách chỉ được uống 1 chén rượu/giờ
Riêng về quy định cấm bán rượu sau 10 giờ đêm nhận được hai luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.
Anh Trần Đức Tuấn, chủ một quán bar ở phố Hàng Buồm đứng về phe phản đối với phân tích rằng: Các quan bar chủ yếu hoạt động về đêm nhờ vào lượng khách du lịch, nhất là du khách quốc tế có thói quen đi bar uống rượu sau khi ăn tiệc tối ở một nơi nào đó. Việc áp dụng lệnh cấm này sẽ làm vơi đi nồi cơm của những người đang kinh doanh loại hình quán bar nói riêng, cũng như làm mất đi tính hấp dẫn của ngành du lịch nói chung.
Đứng về phe đồng tình với dự thảo quy định mới, chị Thân Thu Hà, bạn anh Tuấn, lại cho rằng ở Thái Lan áp dụng lệnh cấm này từ lâu. Tuy nhiên, so về độ phát triển của du lịch Việt Nam và Thái Lan thì vẫn bên trời bên vực. Vì thế theo chị, việc áp dụng lệnh cấm bán rượu sau 10h đêm là một điều đúng đắn, nên cổ vũ để có thể đem lại sự yên tĩnh cho phố phường, làng xóm.
"Quy định này cũng sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông vì đa số các vụ tai nạn về đêm thường rất thảm khốc, chủ yếu đến từ nguyên do người điều khiển phương tiện giao thông say rượu, không làm chủ được tốc độ" - chị Hà nhận định.
Mỗi tối trên cả nước có hàng chục tai nạn thương tâm vì người say bia rượu gây ra
Với việc tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia trong năm 2013, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%.
Lo ngại trước thực trạng này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đến năm 2020.
Chính sách đề ra 7 mục tiêu, trong đó có giảm mức gia tăng tỷ lệ tiêu thụ rượu bình quân/người trưởng thành/năm; ngăn chặn, hạn chế người dưới 18 tuổi và cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu bia.
Con đường từ dự thảo đến thực tế của dự luật này hẳn sẽ còn rất dài. Bởi trước tiên, với người Việt Nam, để thay đổi cả một thói quen lưu cữu hàng trăm năm nay như văn hóa bia rượu, thật không dễ dàng gì. Hơn nữa, với một cơ chế quản lý nhiều lỗ hổng, lực lượng chức năng mỏng, người vi phạm thích thỏa hiệp "bắt tay sau lưng" với các công chức thoái hóa biến chất, thì hiện tượng "phạt cho có" là hoàn toàn có thể xảy ra.


No comments:

Post a Comment