Vụ việc tàu Phương Nam 45 chở bụi lò bị tạm giữ hé lộ những bí mật đằng sau hàng trăm ngàn tấn bụi lò từ các nhà máy thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Dù được chất đống trong các bao tải phơi mưa nắng ngoài trời, nguy cơ gây ô nhiễm cao cần giải phóng nhanh chóng nhưng bụi lò có phải là phế liệu vô giá trị?
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, bụi lò từ các nhà máy thép ngoài việc chứa các chất độc hại như Chì, Asen, Cadimi, các hợp chất Halogens và có thể có chất độc dioxin… thì nó còn chứa khoảng gần 30% lượng kẽm. Một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý bụi lò còn khẳng định với chúng tôi, bụi lò từ 5 nhà máy thép tại Bà Rịa – Vũng Tàu có chứa lượng kẽm bằng tất cả các mỏ ở miền Bắc hiện có cộng lại.
Không còn kho chứa, các nhà máy thép đành đóng bụi lò vào bao tải, để ngoài trời |
Tuy nhiên, cho đến nay, việc xử lý bụi lò của 5 nhà máy thép tại Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chủ yếu…tồn kho hoặc chuyển giao một phần cho một số công ty không có chức năng đưa qua Trung Quốc tiêu thụ. Giá mỗi tấn bụi lò bán trên "thị trường đen" khoảng 100 USD và theo thông tin PV Báo Giao thông đã ghi nhận được trong 1 năm qua, đã có 3 chuyến tàu cập cảng Đồng Nai để nhận khoảng 10.000 tấn bụi lò từ một số nhà máy thép ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, không biết khối lượng chất thải nguy hại này được đưa đi đâu, có hay không sự giám sát của các cơ quan chức năng. Và điều lạ lùng là, các chuyến tàu chở bụi lò đi Trung Quốc ít được biết đến này chưa từng bị các lực lượng có chức năng tạm giữ trong khi đó, chuyến tàu của một doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được cấp phép xử lý chất thải từ nhà máy thép này vừa ra khơi thì bị tạm giữ vì có vi phạm.
Tìm hiểu về đơn vị có tàu bị tạm giữ, phóng viên được biết, sau khi xem xét năng lực thực tế và hướng giải quyết tối ưu nhất, Bộ TN&MT đã lựa chọn Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên là đơn vị đảm trách việc xử lý bụi lò các nhà máy thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước mắt, để giải quyết cấp bách vấn đề tồn dư bụi lò, Công ty này chọn cách vận chuyển về Thái Nguyên để làm nguyên liệu sản xuất, xử lý, thu hồi kẽm có trong bụi lò, giúp đảm bảo đủ điều kiện cho các nhà máy thép tiếp tục hoạt động. Còn về lâu dài, Công ty Kim loại màu cũng đã tính toán đến việc đầu tư dây chuyền "tiền xử lý" bụi lò ngay tại nguồn phát thải, bên trong nhà máy thép.
Bởi việc xử lý “tại chỗ” khối lượng bụi lò khổng lồ ngay ở nơi sản lượng sản xuất thép chiếm đến 65% của cả nước hứa hẹn lợi ích kinh tế to lớn. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức, chẳng hạn như về vị trí mặt bằng nơi đặt nhà máy, nguồn thiết bị, nhân lực, vật lực…và không thể tiến hành ngay được.
Về phía địa phương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã có kế hoạch trong năm 2014 sẽ thu hút, lựa chọn một nhà đầu tư có năng lực để đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý bụi lò. Tuy nhiên, trước mắt, để xử lý chất thải này, hiện nay tỉnh cũng chỉ trông chờ phương án chuyển bụi lò đến nơi có thể xử lý được.
Trong khi chờ làm rõ vì sau tàu Phương Nam 45 - chuyến tàu đầu tiên chở bụi lò cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với sự cấp phép và chứng kiến của Bộ TN&MT và nhiều cơ quan chức năng vừa xuất bến thì đã bị tạm giữ với lý do "vi phạm quy định về môi trường", chủ tàu lo một thì các nhà máy thép cũng lo hai.
Xem ra, câu chuyện giải phóng chất thải, bao giờ xây dựng và bao giờ xây dựng nhà máy xử lý bụi lò cho các nhà máy thép tại Bà Rịa – Vũng Tàu đến nay vẫn bế tắc, chuyện đóng cửa các nhà máy thép cũng không phải là câu chuyện của tương lai xa.
09:59, Thứ Bảy, 03/05/2014
Mai Văn Huyên
No comments:
Post a Comment