Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia Châu Á được khảo sát năm 2012. Riêng năm 2013, khoảng 17 tỷ điếu thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam; 2 tháng đầu năm 2014, thuốc lá lậu tăng 43% so với cùng kỳ.
Báo cáo Bộ Công thương về công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014, ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, hoạt động buôn lậu thuốc lá điếu ngoại diễn ra trên cả 3 tuyến biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia do lợi nhuận mang lại rất cao cho các đối tượng buôn lậu.
Tình hình nhập lậu thuốc lá điếu ngoại đặc biệt nghiêm trọng ở tuyến biên giới các tỉnh giáp biên Việt Nam – Campuchia như Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang. Địa bàn tàng trữ, tiêu thụ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ, trong đó TP. Hồ Chí Minh được xem là địa bàn trọng điểm.
Trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ, xử lý trên 6 triệu bao thuốc lá lậu các loại và 19.836 kg nguyên liệu, riêng lực lượng QLTT năm 2013 thu giữ 1.064.384 bao và 5.357 kg nguyên liệu thuốc lá.
Nhu cầu tiêu thụ thuốc lá khổng lồ ở trong nước là động lực để giới buôn lậu kiếm siêu lợi nhuận.
Cũng theo ông Ngọc, tình hình buôn lậu, buôn bán vận chuyển thuốc lá điếu vẫn diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi và đa dạng hơn. Đối tượng đầu nậu, người vận chuyển hình thành những đường dây liên huyện, liên tỉnh, xuyên quốc gia, móc nối giữa trong nước với nước ngoài.
Tại khu vực biên giới và trên đường vận chuyển vào nội địa, đối tượng đầu nậu tổ chức đường dây rất tinh vi, điều hành chặt chẽ, sử dụng các thủ đoạn thuê người vận chuyển, đa số là dân thường, với phương thức chủ yếu là vận chuyển trên đồng ruộng, sông rạch.
Thuốc lá nhập lậu được chia nhỏ, tập kết, cất giấu rải rác trong nhà dân; dùng các phương tiện ô tô, xe máy, ghe máy vận chuyển sâu vào nội địa. Khi vận chuyển các đối tượng buôn lậu tổ chức các nhóm theo dõi lực lượng chức năng, sử dụng các thiết bị liên lạc hiện đại để cảnh giới và đi theo hộ tống đối tượng vận chuyển, sẵn sàng cản trở hoặc chống đối lực lượng kiểm tra để giành giật lại hàng, khi bị bắt thì vận động lực lượng cướp lại thuốc lá.
Các đối tượng hoạt động không có quy luật, không kể ngày đêm, tùy thuộc các lực lượng chống buôn lậu hoạt động kiểm tra lúc nào. Thời gian đưa hàng qua biên giới và vận chuyển vào nội địa thường xuyên thay đổi, chủ yếu hoạt động ngoài giờ hành chính, vào buổi tối, ban đêm, ngày nghỉ.
Trong thị trường nội địa, thuốc lá lậu tuy không còn được bày bán công khai như trước nhưng vẫn được các đối tượng kinh doanh nhà hàng, khách sạn…bán lén lút với số lượng không ít. Thủ đoạn chủ yếu là cất giấu thuốc lậu tại nơi ở hoặc gửi ở nhà bên cạnh để bán cho khách, khi bị kiểm tra thì ném thuốc lá ra khỏi nơi kinh doanh và không thừa nhận là chủ hàng.
Đại diện cơ quan QLTT cho biết, việc tổ chức khám nơi cất giấu là nhà ở và phương tiện vận chuyển đang lưu thông trên đường là rất khó khăn do khi xin được lệnh khám nhà thì thuốc lá điếu ngoại nhập lậu đã được đối tượng tẩu tán hết hoặc không thể buộc dừng xe lúc đang vận chuyển.
Theo ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, hiện nay thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu khảo sát năm 2012 của Trung tâm Thuế và Đầu tư Quốc tế và tổ chức Oxford Economics, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia Châu Á được khảo sát.
Riêng năm 2013, khoảng 17 tỷ điếu thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam; 2 tháng đầu năm 2014, thuốc lá lậu tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013.
Thứ Sáu, ngày 2/5/2014 - 13:07
Theo Bích Diệp (Dân Trí)
No comments:
Post a Comment