Friday, May 2, 2014

“Cửu vạn” cao cấp

Nghề tiếp viên hàng không cũng lắm rủi ro và dễ sa ngã nếu xem lợi thế nghề nghiệp là “cửa” kiếm tiền, mặc dù thu nhập của họ luôn ở mức cao so với mặt bằng chung của xã hội

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh từng nhận xét trên Báo Người Lao Động: Tiếp viên là một nghề nhiều cám dỗ và các tiếp viên sẽ rất dễ sa ngã nếu không vững vàng. Chỉ cần “với tay” là họ có thể kiếm thêm thu nhập, do đặc thù công việc đi về giữa các nước.

Đi buôn không cần vốn

Nếu xác định làm “cửu vạn” để kiếm tiền, mỗi tiếp viên phải chắp nối được với đầu vào để mua gom hàng ở nước ngoài và đầu ra tiêu thụ trong nước, đồng thời phải nhạy bén với thị trường. Một nữ tiếp viên cho biết thường thì cô xách đồ theo đơn đặt hàng của các đầu nậu trong nước, chủng loại hàng được cập nhật trong ngày tiếp viên đi bay. Hoặc sang bên đó thấy có hàng hóa gì giảm giá mà về Việt Nam tiêu thụ được thì cũng có thể mua gom, không cần hỏi đầu nậu. Hàng về được mang thẳng đến shop, gửi luôn cả hóa đơn rồi thanh toán sau. Cân nặng hoặc số lượng sản phẩm càng nhiều, thu nhập càng cao nên tiếp viên muốn xách hàng cần phải có kỹ thuật “chẻ”, xếp đồ để đựng được nhiều nhất có thể trong chiếc vali.

Không ít tiếp viên thừa nhận đồng nghiệp mình có người kiếm được tiền từ công việc “cửu vạn” nhiều hơn thu nhập nghề chính. Một đầu nậu ở phố Nguyễn Sơn (Hà Nội) cho biết tiền “công cửu” (công xách hàng) của một tiếp viên tính theo kg hoặc số lượng sản phẩm. Hàng phổ thông của Nhật khoảng 200.000 đồng/kg, mỹ phẩm Nhật cao nhất là 300.000 đồng/kg hoặc tính theo sản phẩm. Quần áo mùa đông (áo giữ nhiệt, áo khoác lông vũ siêu nhẹ) từ  100.000-200.000 đồng/chiếc. Đối với hàng châu Âu, “công cửu” là 120.000-150.000 đồng/kg. Các mặt hàng có thương hiệu tốt dễ bán thì công xá có thể nhỉnh hơn.

Hàng xách tay bày bán tại một cửa hàng ở phố Nguyễn Sơn (Hà Nội). Đây là khu vực 
tiếp viên bay về thường kéo thẳng vali tới để đổ hàng Ảnh: PHƯƠNG ANH
Hàng xách tay bày bán tại một cửa hàng ở phố Nguyễn Sơn (Hà Nội). Đây là khu vực tiếp viên bay về thường kéo thẳng vali tới để đổ hàng Ảnh: PHƯƠNG ANH

 Nếu tiếp viên “ôm” được hàng khuyến mãi, giá giao cho đầu nậu không đổi nhưng bù lại được chia một phần lợi nhuận bằng cách tăng thêm tiền công. Tiền hàng thường được thanh toán từ 10-20 triệu đồng/lần. Thời gian lưu trú ở Nhật, Hàn Quốc thường là 1 đêm, ở châu Âu là 2 đêm, đủ để tiếp viên đi tận nơi gom hàng nếu muốn mua tận gốc. Tuy nhiên, phổ biến là họ được cánh cửu vạn đem hàng đến tận khách sạn, chỉ việc xách về, vài chuyến mới thanh toán một lần. Nhiều tiếp viên ví von: “Đi buôn nhưng không cần bỏ vốn!”.

Những vụ đình đám

Lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng không ít. Nhiều tiếp viên cho biết có một số loại thực phẩm, nhất là giò chả, có người nhờ xách giùm nhưng tiếp viên đa phần từ chối vì đối tác có thể bỏ hàng cấm, thậm chí cả ma túy vào giữa món hàng mà người xách không hề hay biết. Với vụ việc của Nguyễn Bích Ngọc (tiếp viên của Vietnam Airlines - VNA), sau 22 ngày bị tạm giữ để phục vụ điều tra vì nghi ngờ nằm trong đường dây mua bán hàng trộm cắp, Cảnh sát Tokyo đã thả và không buộc tội tiếp viên này. Người trong nghề nhận xét vụ việc có thể là rủi ro bởi tiếp viên xách hàng thuê khó biết nguồn gốc thật sự của món hàng.

Hồi tháng 10-2011, trong đường dây mua bán hàng lậu gồm điện thoại iPhone và máy tính xách tay Apple Macbook của siêu mẫu Vĩnh Thụy, Cơ quan Điều tra Bộ Công an xác định hơn 30 tiếp viên hàng không tham gia các phi vụ vận chuyển khoảng 400 kiện hàng lậu từ Úc về Việt Nam. Trong vụ án này, Bộ Công an nhận định một số tiếp viên hàng không của VNA tuy hành vi chưa cấu thành tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới nhưng việc vận chuyển hàng lậu đã ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế và uy tín của ngành hàng không…

Hay một trong những vụ buôn lậu “kinh điển” của thành viên phi hành đoàn được phát hiện là gói hàng 6,4 kg vàng vô chủ trên một chuyến bay của VNA từ Hồng Kông về sân bay quốc tế Nội Bài. Lúc 16 giờ ngày 11-2-2009, tổ kiểm tra liên ngành gồm công an cửa khẩu, hải quan và Cảng vụ Hàng không miền Bắc kiểm tra chuyến bay VN791 (loại máy bay Airbus 321) vừa đáp xuống sân bay. Tổ kiểm tra phát hiện trong buồng lái có 2 túi giấy, mỗi túi đựng 2 gói hình trụ dán kín, được xác định là vàng. Tổng trọng lượng 2 gói vàng là 6,4 kg. Tuy nhiên, do việc kiểm tra được tiến hành khi tổ bay đã rời khỏi máy bay nên không ai đứng ra nhận trách nhiệm.

Siết lại kỷ luật

Theo một lãnh đạo VNA, hãng đã liên tục triển khai nhiều biện pháp để chống hiện tượng “mang - vác - xách” của đội ngũ tiếp viên nhưng đây là lần đầu tiên điều chỉnh tiêu chuẩn vali đựng hành lý của tổ bay, sau sự kiện tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc bị bắt ở Nhật Bản.

Trước đó, VNA đã tiến hành khảo sát tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đối với các chuyến bay tầm trung đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Kết quả bất ngờ là ở chuyến bay đi từ Việt Nam, tiếp viên gần như mang vali rỗng loại to chứa được hơn 40 kg. Trong khi hành lý của tiếp viên chỉ vẻn vẹn vài ba thứ đồ dùng cá nhân tối thiểu, thậm chí không có cả đồng phục để thay cho chuyến bay về dù hành trình kéo dài 3 ngày 2 đêm!

Nhưng khi hãng quy định tuyến ngắn và trung không được mang vali to ký gửi (32 kg) thì bị phản ứng. “Đoàn tiếp viên bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản vào mùa đông mà chỉ đem theo vali cỡ nhỏ rất có thể không đủ áo ấm. Còn sữa tắm, nước hoa hay dao kéo không thể đem theo được. Việc làm này là đánh đồng những tiếp viên khác với người chấp nhận làm “cửu vạn”. Nhưng chúng tôi vẫn quyết phải siết lại kỷ luật, không cho mang theo “phương tiện” chứa hàng lậu, giao trưởng đại diện và cơ trưởng chịu trách nhiệm về hàng hóa của cả phi hành đoàn” - vị lãnh đạo VNA cho biết.

Bài học cho tiếp viên
Tiếp viên trưởng của Jetstar Pacific Lê Nguyễn Huyền Trinh cho biết qua những vụ buôn lậu bị phát giác, những người đang hoạt động trong nghề tiếp viên cũng ý thức được hơn việc làm của mình. Bởi thực tế nhiều tiếp viên xem việc “cửu vạn” như công việc làm thêm, đến khi xảy ra sự cố, phân tích kỹ mới thấy được hậu quả: vừa ảnh hưởng hình ảnh hàng không Việt Nam vừa đe dọa an toàn bay. “Trong một môi trường nhiều cám dỗ, nếu không có sự nhắc nhở thường xuyên, tiếp viên rất dễ sa ngã. Sắp tới, Jetstar sẽ mở thêm đường bay quốc tế và sự việc của tiếp viên VNA vừa qua là bài học cho các hãng để nhìn nhận, khắc phục” -  chị Trinh nhận xét.

Thứ Sáu, 02/05/2014 22:21
 TÔ HÀ - THÁI PHƯƠNG

No comments:

Post a Comment