Wednesday, March 12, 2014

Quan chức Malaysia: Có một số việc tôi không thể nói ra!

Bảo An - theo Trí Thức Trẻ | 12/03/2014 20:17
 
(Soha.vn) - Phát biểu của các quan chức Malaysia và nhiều chuyên gia đã phần nào gây ra sự nhiễu loạn thông tin về số phận của chiếc máy bay Malaysia mất tích.

Chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines đã đột ngột mất tích vào ngày 8/3. Cho tới ngày 11/3, lần liên lạc cuối cùng với máy bay được cho là vào khoảng 1 giờ 20 phút ngày 8/3 (theo giờ địa phương) - 40 phút sau khi máy bay cất cánh. Thời điểm này, nó đang di chuyển qua bờ biển phía đông của Malaysia và bay qua Biển Đông, hướng về Việt Nam.

Tuy nhiên, Tư lệnh Không quân Malaysia Tan Sri Rodzali Daud cho biết vẫn theo dõi được máy bay vào lúc 2 giờ 40 phút tại khu vực gần hòn đảo Pulau Perak ở eo biển Malacca, cách thủ đô Kuala Lumpur vài trăm km về phía bắc. “Sau đó, máy bay đã bị mất tín hiệu”, ông Daud tiết lộ trên tờ Berita Harian (Malaysia).
Theo nguyên tắc, phi công phải thông báo cho hãng hàng không của họ và trung tâm kiểm soát không lưu nếu máy bay thay đổi hành trình. Nhưng phi công trên chuyến bay MH370 đã không tuân thủ điều đó và phi hành đoàn cũng không phát đi tín hiệu cấp cứu.

Kể từ sau khi chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, các quan chức Malaysia đã cung cấp những thông tin mập mờ, không chính xác và đôi khi mẫu thuẫn trực tiếp với nhau.
Một quan chức quân đội Malaysia trả lời hãng tin Reuters rằng: “Máy bay đã thay đổi hành trình sau khi qua Kota Bharu (ở bờ biển phía đông) và hạ thấp độ cao. Nó đã bay về hướng eo biển Malacca”. Tư lệnh Không quân Malaysia Rodzali Daud đã xác nhận thông tin này.
 
Tình hình càng trở nên rối loạn khi sau đó, người phát ngôn của văn phòng Thủ tướng Malaysia, ông Tengku Sariffuddin Tengku Ahmad, cho biết ông đã kiểm chứng thông tin từ các quan chức quân sự cấp cao và rằng không có bằng chứng cho thấy máy bay quay trở lại. Nó chỉ có thể đã cố gắng quay lại. Ông này nói rằng những thông tin từ Tư lệnh Không quân Malaysia là "không có thật".

 Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ tại sao, cho tới lúc này,  việc tín hiệu của máy bay xuất hiện ở bờ biển phía tây (nếu đúng) không được chính thức xác nhận. Ngày 10/3, khi đượcphóng viên hỏi tại sao các đội tìm kiếm cứu hộ lại triển khai hoạt động ở eo biển Malacca, người đứng đầu Cơ quan hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman trả lời: “Có một số chuyện tôi có thể nói với các bạn, còn một số chuyện thì không".

Trước những thông tin đáng ngờ liên quan tới các hành khách trên chuyến bay, ví dụ như có hành khách sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp hay có thể có người Duy Ngô Nhĩ, Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan nói rằng khả năng khủng bố là không thể loại trừ.
Các nhà chức trách Malaysia cũng cho biết họ đang xem xét tới mọi khả năng. Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Tan Sri Khalid Abu Bakar nói rằng họ đang điều tra xem liệu máy bay mất tích là do không tặc, phá hoại hay do vấn đề tâm lý của cá nhân hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Tuy nhiên, người đứng đầu Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) Ronald Noble cho biết rất ít khả năng máy bay mất tích do khủng bố. “Càng có nhiều thông tin, chúng có càng có nhiều cơ sở để kết luận đây không phải là một vụ khủng bố”.
Nói về sự cố động cơ, trưởng khoa Khoa học hàng không tại Đại học Hàng không Embry-Riddle (Mỹ) nhấn mạnh, khi đang ở độ cao như của chiếc máy bay này (khoảng 10.700m), nếu gặp vấn đề về động cơ, nó vẫn có thể bay được "một khoảng cách rất, rất dài). Theo ông này, "Nếu có điều gì xảy ra, điều đầu tiên những phi công làm sẽ là phát tín hiệu khẩn cấp".
Một vài chuyên gia cũng cho rằng, việc các thiết bị bị hỏng là điều bất thường, ngoại trừ trường hợp ăng-ten bên ngoài máy bay bị hỏng.
Tuy nhiên, bởi không có tín hiệu nào được phát đi khiến cho nhiều chuyên gia, trong đó có giáo sư Khoa học hàng không Les Westbrooks dự đoán rằng hệ thống sóng vô tuyến của máy bay có thể đã bị hỏng, song lại nghi ngờ rằng thông tin về việc máy bay quay lại. Bởi theo ông, nếu nó có đủ thời gian làm như vậy, nó cũng có đủ thời gian thực hiện và nhận cuộc gọi từ sóng radio.
Một khả năng được ông Westbrooks đưa ra là có thể, chính phi hành đoàn đã tắt thiết bị liên lạc: "Nếu phi hành đoàn biết họ đang bay qua khu vực không có sóng radar, họ có thể tắt bộ thu phát đi". Theo ông này, các thành viên phi hành đoàn không nhất thiết phải làm vậy, vì nó không phải là thao tác bắt buộc, song "họ ở đó" và họ có thể làm vậy vì muốn "giảm hao mòn trên các thiết bị điện tử".

No comments:

Post a Comment