Wednesday, March 12, 2014

Cần gì học môn lịch sử

Tác giả gửi đến Dân Luận-Thứ Tư, 12/03/2014

Lịch sử lãnh tụ đương đại...
Vài tuần nay, rộ lên cái tin 100% học sinh lớp 12 ở trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội không đăng ký môn Lịch sử làm môn thi tốt nghiệp theo phương án tự chọn. Một tin khác lại đưa hết sức tội nghiệp về trường chỉ có một học sinh (nam) chọn thi môn Lịch sử.
Đây là tín hiệu hồi đáp đầu tiên cho phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo dày công chuẩn bị; cũng là câu trả lời của học sinh cho kết quả quán triệt, thực hiện nghị quyết trung ương 8 khóa XI.
Việc chọn môn thi, theo phương án đã được quyết định dù có nhiều ý kiến phản ứng với những động cơ, mục đích khác nhau, là quyền của học sinh. Nó bình thường như tất cả quá trình nhiều lựa chọn khác, thể hiện chủ kiến, sự tự do và quyền tự quyết định của mỗi người, nhất là người trưởng thành. Điều đó không có gì lạ, gây sốc trong những xã hội, đất nước văn minh, phát triển. Nhưng với Việt Nam, do đặc thù của bối cảnh lịch sử chính trị - văn hóa, hiện tượng đó trở thành tiêu điểm của dư luận. Liệu ở đây có sự can dự, tác động theo kiểu gợi ý, định hướng, tư vấn của những người thầy, của tập thể sư phạm trong nhà trường ấy không? Câu trả lời rất khó và cũng chẳng có ích gì. Song theo chỗ tôi biết và có chứng cứ, một trong những thầy hiệu trưởng của các trường nói trên rất yếu môn Lịch sử, có thể là rất ghét môn học này từ khi thầy còn dạy môn Phương pháp dạy học Toán ở Trường ĐHSP Hà Nội I đồng thời với một vị GS Sử học là lãnh đạo đảng bộ của trường. Tuy nhiên, việc chọn môn thi cuối cùng vẫn là chuyện có ý thức của học sinh, theo một phương án hợp pháp, mà cũng đọc được trên báo rằng để có phương án ấy, Bộ đã thành lập một tổ chức tư vấn (hội đồng, ban hoặc tổ gì đó) với nhiều vị có nhiều chữ nghĩa, nhiều chữ viết tắt kiểu chữ in trước tên riêng, họp nhau lại và ...bắt thăm chọn môn thi.
Rồi mấy hôm nay lại có bài trên mạng rằng giáo viên dạy các môn xã hội rất buồn vì môn học của mình bị xem thường do không là môn thi bắt buộc và vì vậy học sinh cũng sẽ xem thường mình. Đúng là nỗi buồn rất Việt Nam. Bởi ở nhiều nước, không phải môn học nào cũng bắt buộc thi tốt nghiệp nhưng không nghe nói giáo viên những môn tự chọn hoặc những môn không thi đó bi lụy, buồn thảm đến sướt mướt như thế; và cũng không nghe nói học sinh quay lưng, khinh thường giáo viên. Ở nhiều nước Châu Âu, nhất là ở Pháp, một số môn xã hội không bắt buộc thi, song trong xu hướng đăng ký vào đại học, tỉ lệ thí sinh chọn ngành khoa học xã hội nhân văn lại chiếm tỉ lệ áp đảo so với các ngành tự nhiên – kỹ thuật. Thì ra, cái buồn của giáo viên các môn xã hội ở Việt Nam cũng là một tâm trạng phức tạp; nó có nguồn gốc ở tâm trạng xã hội nói chung, khi giáo dục được sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng, với chỉ tiêu là mọi cơ sở giáo dục phải có tổ chức đảng, 40% giáo viên phải được kết nạp vào đảng, 100% hiệu trưởng phải là đảng viên. Nhưng trực tiếp, cũng rất Việt Nam, nỗi buồn đó phần quan trọng là do vì tình hình như vậy, nhóm lợi ích này bị tổn thương về quyền lợi, từ chỗ không còn quà cáp hậu, không thể dạy thêm dạy kèm, không thể ôn thi tốt nghiệp và luyện thi tuyển sinh, tức là mất hẳn nguồn thu nhập do tham nhũng vặt được nền giáo dục công khai tạo ra.
Tuy nhiên, theo tôi, nỗi buồn đó rồi cũng phôi pha; biết đâu trong rủi có cái may. Bởi như đã thấy, ngày 19/2/2014, khi làm việc với Ban Thường trực UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi trả lời chất vấn của bà Phạm Thị Trân Châu, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại diện Bộ Chính trị đã nói không ai lãng quên (chuyện bình thường của một người có khả năng ký ức bình thường và có đọc, học lịch sử), sẽ tổ chức kỷ niệm nhưng tổ chức như thế nào phải tính toán cho có lợi nhất. Nỗi buồn của giáo viên môn xã hội có thể góp phần cho cái lợi đó. Bởi lịch sử nước ta, có thể nói không ngoa là lịch sử của chiến tranh, của kháng chiến chống xâm lược, với rất nhiều loại ngoại bang. Trong tình hình mới, rồi sẽ có những biến động không lường như cách nói của đảng, để cho có lợi (của nhóm cầm quyền), cần phải xem xét loại trừ dần các kẻ thù truyền thống. Do vậy, việc tổ chức các lễ kỷ niệm chiến thắng cũng phải thận trọng; nếu cần, không tổ chức thì có lợi hơn. Từ đó, cũng phải tính đến việc sửa chữa lịch sử, như kiểu trong tiểu thuyết 1984 của G. Orwell. Cho nên cũng không cần học môn lịch sử nữa.
Xích Tử
Nguồn:danluan.org

No comments:

Post a Comment