16:25 | 12/03/2014
(PetroTimes) - Hàng loạt công trình nước sạch xây dựng
tiền tỷ, rồi bỏ không hoặc hoạt động không hiệu quả vì nước dơ bẩn, hôi
tanh gây lãng phí rất lớn.
Đầu tư tiền tỷ, cho vài hộ sử dụng để rửa ráy!
Năm 2012, Phòng NN-PTNT huyện Núi Thành (Quảng Nam) đầu tư, xây dựng
công trình nước sạch khoảng 1,2 tỷ đồng cho hơn 200 hộ dân thôn Trường
Thạnh, xã Tam Thạnh của huyện dùng. Địa điểm xây dựng là hố Rọ, đây là
một khe nước từ trên núi chảy xuống. Và trước đây hố Rọ là nơi trâu bò
đầm nước hàng ngày.
Công trình nước sạch hố Rọ ở xã Tam Thạnh được Nhà nước đầu tư tiền tỷ đã bỏ không hơn 2 năm nay.
Tuy nhiên, từ khi công trình đưa vào vận hành đã hơn 2 năm mà chỉ có hai hộ chịu bỏ tiền ra mua ống nhựa về đấu nối sử dụng.
Giải thích chuyện người dân “chê” công trình nước sạch, ông Nguyễn Tấn
Lộc, 45 tuổi dân địa phương cho biết: “Lý do người dân không sử dụng
nước sạch của công trình vì khu vực hố Rọ vốn là nơi trâu bò tắm đầm
hằng ngày, với lại lâu nay người dân quen dùng nước giếng đào và nhà nào
cũng có giếng. Bây giờ bỏ tiền túi ra mua ống nhựa, dụng cụ để bắt nước
về dùng tốn tiền mà chỉ rửa ráy thôi, chứ không dám tắm giặt hay nấu
uống”.
Ông Hồ Minh Cảnh, bí thư chi bộ Trường Thạnh cho biết, công trình nước
sạch sau lưng nhà ông đưa vào vận hành từ năm 2012 mà đến nay chỉ có gia
đình ông và một giáo viên nữa dùng. Còn lại hơn 200 hộ dân của thôn
không ai dùng vì người dân nói dùng nước giếng sạch hơn.
Bà Trương Thị Linh, vợ ông Cảnh cho biết: “Trước đây, khu vực hố Rọ là
nơi trâu bò tắm hằng ngày. Dân sợ nước không sạch nên không dùng là
đúng. Nhà tôi dùng chỉ để rửa ráy thôi, không dám nấu ăn. Dùng nước
giếng sạch hơn. Chưa kể, nước ở hố Rọ chảy về bồn công trình ít lắm, nếu
tiết kiệm lắm chỉ đủ cho khoảng hơn 10 hộ dân dùng. Còn hơn 220 hộ dân
dùng một lúc chắc sẽ không đủ nước đâu!”.
Nói về sự lãng phí của chủ đầu tư là Phòng NN-PTNT huyện Núi Thành, ông
Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh cho rằng, khu vực hố Rọ
ngày càng ít nước nên sẽ không đủ cho hơn 220 hộ dân Trường Thạnh dùng.
“Khi công trình xây dựng xong, Phòng NN-PTNT huyện bàn giao lại cho xã
quản lý, nhưng chính quyền xã không biết vận hành hay bảo trì gì cả.
Người dân Trường Thạnh nói không có tiền mua ống nhựa, dụng cụ để dẫn
nước về nên đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ. Và việc này UBND xã cũng đã làm
việc với huyện nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Bình cho biết.
Đầu tư nước sạch 7,8 tỷ đồng, nước đục bốc mùi tanh
Tương tự, khi chưa có công trình nước sạch để phục vụ nhân dân thì lâu
nay gần 1.000 hộ dân của xã Tam Xuân 1 và Tam Xuân 2 của huyện Núi Thành
phải bỏ tiền ra mua nước sạch về dùng. Trước nhu cầu bức thiết trên,
Trung tâm Nước sạch và Tư vấn Thủy lợi Quảng Nam được Sở NN-PTNT Quảng
Nam giao để triển khai, thực hiện dự án nước sạch với vốn đầu tư 7,8 tỷ
đồng.
Công trình được xây dựng tại Thạch Kiều của xã Tam Xuân 2 cũng huyện Núi Thành, Trong đó, vốn nhà nước chiếm 60%, nhân dân 40%.
Gia đình ông Hồ Minh Cảnh một trong 2 hộ dùng nước của công trình để rửa ráy, tưới cây là chính.
Năm 2013, công trình đưa vào sử dụng, những ngày đầu, ai cũng vui mừng.
Không ngờ sau vài tháng, người dân ở đây lại rơi vào cảnh thiếu nước
sạch để dùng.
Ông Mai Văn Năng ở xã Tam Xuân 2 cho biết: "Gia đình tôi đã trang bị
đường ống, vòi nước máy, mỗi tháng sử dụng 6 - 7m3 nước (theo đơn giá
4,5 nghìn đồng/m3). Tiền nước thu không thiếu một đồng nhưng chất lượng
nước rất tệ. Những hôm trời mưa là nước máy đục như nước cơm, vị mặn, có
mùi hôi của rong rêu. Mang tiếng là nước của hệ thống hợp vệ sinh nhưng
toàn bộ dân chúng tôi chỉ dùng để rửa ráy, tắm giặt, còn nấu nướng phải
mua nguồn nước từ các nơi khác về", ông Năng bức xúc.
Người dân ở xã Tam Xuân 2 phải mua bồn chứa nước mua nơi khác về
nấu uống, trong khi nước sạch của công trình đầu tư 7,8 tỷ đồng đục ngầu
và hôi tanh.
Trước tình cảnh oái oăm trên, người dân đã tự trang bị thêm bồn nước
dung tích 500 lít để chứa nước sạch mua từ nơi khác về, với giá bán 60
nghìn đồng/thùng 500 lít. Vậy là cả trăm hộ khác của Vĩnh An đã quyết
định từ giã nước máy của công trình từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Tương tự, người dân tại các An Khuông, Tân Thuận, Phú Khuê Đông, Bà Bầu
của xã Tam Xuân 2, cũng không thể dùng nước của công trình nước sạch để
phục vụ ăn uống. Bà Mai Thị Hà ở An Khuông bức xúc: “Nói là có nước
sạch về mà cũng như không, dân trả tiền đầy đủ, nhưng nước rất bẩn. Hễ
có mưa xuống, nước đục, mùi tanh dữ lắm”.
Không những dân bức xúc mà ngay cả chính quyền địa phương cũng phàn nàn, không dám dùng nước từ công trình này.
Ông Nguyễn Tấn Đồng, phó chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết: "những
phản ánh của người dân là hoàn toàn xác đáng. Ngay tại trụ sở UBND xã
cũng không dám lấy nước sử dụng từ hệ thống nước sạch đầu tư tại Thạch
Kiều để dùng vì chất lượng nước quá kém.
Công trình nước sạch được đầu tư 7,8 tỷ đồng nước bị đục, hôi tanh, dân không dám dùng nấu nướng, sinh hoạt.
Giải thích cho chất lượng nguồn nước kém nói trên, ông Lê Văn Dũng,
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và tư vấn thủy lợi Quảng Nam lại cho rằng,
một thời gian dài, chất lượng nước không tốt là do đường ống cũ, một số
đoạn bị hư hỏng gây nên tình trạng bùn đất bám vào đường ống. Mặt khác,
đơn vị chưa lường hết việc nhiễm mặn xâm nhập.
Tuy nhiên, chủ đầu tư không thể biện minh cho các hạng mục bị xuống
cấp, hư hỏng, hoặc chưa lường hết những yếu tố khách quan mà đẩy sự
thiệt thòi về phía người dân.
Đông Phú
No comments:
Post a Comment