(PetroTimes) - Nhiều người cho biết công ty được giao quản lý, khai
thác mủ rừng thông Caribe - rừng phòng hộ hồ Phú Ninh đã đốt phá rừng
thông để trồng cây keo.
Rừng thông thuộc rừng phòng hộ Phú Ninh bị đốt cháy rụi.
Đốt rừng thông phòng hộ để trồng keo
Những ngày qua, người dân và cán bộ huyện Núi Thành (Quảng Nam) vô cùng
bức xúc trước thực trạng một nhóm hộ dân ngang nhiên đốt phá rừng thông
Caribe phòng hộ khu vực hồ Phú Ninh để trồng keo. Tại các lô của tiểu
khu 592 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh quản lý (thôn Bích Sơn,
xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành), hàng chục hecta rừng thông hơn 30 năm
tuổi bị đốt nham nhở, khói còn bốc lên nghi ngút.
Thấy chúng tôi chụp hình, bà H., đang đốn củi cháy phân bua: "Cái này
không phải do tôi đốt đâu, do ông Tân thuê người đốt để trồng keo đó.
Tôi thấy cháy hết rồi nên mới đến mót củi để đốt lấy than thôi. Cái này
ổng mới cho người đốt hôm kia, còn các khu kế bên bị đốt trước đó, giờ
đã trồng keo hết rồi".
Theo hướng chỉ dẫn của bà H., chúng tôi đến những lô rừng thông kế bên,
đúng như lời người dân cho biết, tuy rừng thông dày đặc, có cây đến 2
người ôm nhưng gần đó những cây keo non mới trồng sang sát nhau...
Dẫn phóng viên tiến vào những khoảng rừng bị cháy, ông Nguyễn Văn
Thường, phó trưởng Công an xã Tam Xuân 2, kiêm Trưởng ban phòng cháy
chữa cháy rừng của xã xót xa: "Rừng thông này được trồng từ năm 1986. Họ
đốt phá như thế này không lâu nữa rừng thông này biến mất. Theo nguyên
tắc rừng thông với mật độ dày như thế này không được phép trồng bất cứ
loại cây nào xen vào. Nếu có trồng thì tán thông che phủ hết tầng trên,
keo sẽ không phát triển, ngoại trừ trường hợp thời gian tới cây thông…
chết đi".
“Thông chết là cái chắc chứ nói gì. Theo nguyên lý lấy mủ thông, cây
thông chỉ được cạo một bên sát gốc để lấy mủ, nhưng đằng này họ cạo mỗi
cây đến 2 chỗ. Cứ thế này cây thông nhanh khô mủ mà chết thôi”, ông Bùi
Văn Sâm, Đội trưởng Đội bảo vệ của Xí nghiệp lâm nghiệp Quảng Nam cho
biết thêm.
Được biết ngoài 47ha rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh
quản lý, Xí nghiệp lâm nghiệp Quảng Nam cũng được giao quản lý hàng trăm
hecta diện tích rừng có thông. Ông Sâm là đội trưởng Đội bảo vệ nên nắm
khá rõ tình hình đang diễn ra tại đây.
Tiếp vào bên trong khu rừng, diện tích rừng bị đốt tương tự như trên
xảy ra khắp nơi. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những cây thông cổ thụ
“bỗng nhiên” chết đứng hoặc bị cưa gẫy ngang. Phía dưới gốc thông, những
cây keo non mới nhanh chóng thế chỗ. Ông Sâm cho biết, qua khảo sát ban
đầu ước tính diện tích rừng thông bị cháy lên đến 20ha. “Khoảng nửa
tháng trở lại đây tình trạng cháy rừng thông liên tiếp diễn ra. Họ đốt
rừng phòng hộ rồi cháy lang sang cả bên rừng của Xí nghiệp đến 7ha. Tối
ngày 2/3, khi nghe tin rừng thông phòng hộ bị cháy, tôi cùng 8 anh em
chạy lên dập lửa. May lên dập kịp thời không lửa tiếp tục cháy lang sang
rừng của xí nghiệp”.
Cây keo non vừa được trồng xen vào rừng thông.
Ban quản lý rừng không biết?!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người có tên Tân như bà H. nói đó chính là
con trai ông Trần Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân (địa
chỉ tại thôn Bích Trung, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành). Cha con ông
Tiến nhận khoán lại diện tích rừng trên để khai thác mủ thông.
Trước sự việc trên, chiều cùng ngày chúng tôi có buổi làm việc với ông
Nguyễn Xuân Phước, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, tuy
nhiên những gì ông Phước cho biết khác hẳn với những điều chúng tôi đã
thực tế chứng kiến: Đơn vị có hợp đồng giao khoán cho Công ty TNHH MTV
Tiến Thiên Tân để chăm sóc, khai thác nhựa thông với diện tích 47ha
trên. Hôm xảy ra cháy, bên công ty có điện báo cho chúng tôi rằng bên Xí
nghiệp lâm nghiệp Quảng Nam cháy rừng nên cháy lang sang bên này. Hôm
sau chúng tôi đã cử cán bộ lên kiểm tra, xem xét. Qua báo cáo sơ bộ cho
biết diện tích cháy chưa đến 1 hecta, và chỉ cháy thực bì, không có cây
thông nào bị cháy.
“Không có chuyện phá thông để trồng keo đâu, nói như thế rất mâu thuẫn
vì Nhà nước đã giao khoán lấy nhựa thông đem bán, lợi nhuận thu được bao
nhiêu ông ta hưởng. Vì thế không có chuyện giết thông để trồng keo đâu.
Nếu có trồng keo thì họ chỉ trồng những nơi bìa rừng không có thông,
còn trong khu vực có thông không được phép trồng”, ông Phước cho biết.
Nhưng khi chúng tôi nói dưới tán rừng thông dày đặc, keo vẫn được trồng?
Lúc này ông Phước mới bảo: “Sẽ cho người kiểm tra, nếu có chuyện đó thì
sai phạm đến đâu chúng tôi sẽ xử lý đến đó”.
Qua những gì chúng tôi khảo sát cho thấy, thực tế rừng thông đang bị
đốt là có thật. Việc cây keo trồng xen kẽ với thông cũng có thật. Tầm
quan trọng của rừng phòng hộ Phú Ninh nói riêng và rừng thông Caribe nói
chung người dân địa phương ai cũng biết, nhưng thực tế rừng thông này
đang bị tàn phá nặng. Thiết nghĩ các ngành chức năng Quảng Nam cần nhanh
chóng khảo sát, điều tra làm rõ khi chưa quá muộn.
Đông Phú
No comments:
Post a Comment