Monday, February 24, 2014

Những mảnh đời trôi dạt - Kỳ 2: ‘Chợ nổi’ kênh Tẻ

Trên dòng kênh Tẻ dưới cầu Tân Thuận phía Q.7 (TP.HCM) có hàng trăm cư dân trôi dạt từ khắp các nơi đến, sống cảnh di động trên sông nước. Họ lấy ghe thuyền làm nhà “trôi sông” từ năm này sang tháng nọ.

Có mặt tại “chợ nổi” này giữa trưa nhưng chúng tôi đã chứng kiến không khí nhộn nhịp, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ đều tất bật với những công việc lao động hằng ngày của mình. Trên ghe của anh Trần Minh Liêm (34 tuổi, quê Tiền Giang) là cảnh 4 con người đang hì hục cắt gọt vỏ dừa. Trong số đó, lao động nhỏ nhất chỉ mới 10 tuổi, nhưng cách làm việc đều rất thành thạo.
Chạy vòng vòng “né” đoàn kiểm tra
Dường như chẳng gì là khó đối với những cư dân lênh đênh theo sông nước. Họ chẳng ngại cực khổ, chỉ mong mỗi ngày bán được trái cây để lo tiền dầu (cho ghe máy), tiền mua nước sinh hoạt, tiền ăn… Mỗi khi có đoàn kiểm tra đến, các ghe thuyền sẽ chạy ra giữa kênh, rồi chạy vòng vòng khi nào đoàn đi mới trở lại cập bờ và tiếp tục công việc buôn bán. Sau khi bán hết hàng, họ tiếp tục đi lấy hàng ở các ghe lớn từ miền Tây đổ lên và bán lại chủ yếu cho những người dân trên bờ.  
Khái niệm “ước mơ” đối với “cư dân khu chợ nổi” dường như không hề có. Đặc biệt là những đứa trẻ, đa số chúng đều nói không biết ước mơ là gì, chỉ mong cho bố mẹ ngày nào cũng bán được hàng. Bé Trường (10 tuổi) vẻ mặt chùng xuống và không nói gì, đến khi người dì ngồi bên cạnh thúc: “Con thích gì thì nói ra đi, biết đâu cô sẽ mua cho”. Lúc đó, Trường mới lên tiếng: “Giờ con mong có được con rô bốt điều khiển từ xa mà con đã từng thấy hôm trước khi đi bán dừa cùng ba trên phố”. Trường nghỉ học từ lúc 8 tuổi (chỉ mới lớp 3) khi cả nhà rong ruổi trên sông nước Sài Gòn để mưu sinh.
Cũng không riêng gì Trường. Hầu như tất cả những đứa trẻ nơi đây đều nghỉ học từ nhỏ để theo gia đình rời quê lên Sài Gòn buôn bán. Cha mẹ các em dù không ai muốn con mình thất học nhưng vì hoàn cảnh mưu sinh xa nhà nên đành phải chấp nhận. Thêm nữa, không phải gia đình nào khi lên Sài Gòn cũng có đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu để con cái có thể đến trường. 
“Có con nhỏ cực lắm”
Ở khu “chợ nổi” này, nếu các cư dân kinh doanh cùng một mặt hàng thì thường là cùng có bà con họ hàng với nhau. Cuộc sống trên những mạn thuyền đặc biệt khó khăn bởi không nước sinh hoạt, không điện để thắp sáng. Hằng ngày, cư dân ở đây phải mua lại nước sạch từ các hộ dân trên bờ. Từ số nước mua về, họ sẽ cho vào thùng lớn đặt trên mui thuyền để chủ yếu dùng cho nấu nướng và sinh hoạt. Chính vì thế mà mọi hoạt động có liên quan đến nước đều diễn ra với tinh thần hết sức tiết kiệm, chỉ khi nào thực sự cần mới dùng đến. Những đứa trẻ hay nghịch ngợm, làm việc cùng cha mẹ rồi chịu nắng chịu mưa, lấm lem bụi bẩn; nhưng nước thì không có nhiều để tắm rửa nên lúc nào nhìn cũng đen đúa, dơ bẩn.
Nhà vệ sinh trên thuyền cũng là một “đặc trưng” của những phận đời trôi sông. Họ dùng những tấm bạc ni lông che chắn lại đủ để một người đứng hoặc ngồi và để lại khoảng trống phía dưới thông với kênh. Vì sự gập ghềnh tạm bợ này mà trẻ nhỏ nếu đi phải có người hướng dẫn và đi theo. Chị Đan (30 tuổi, quê Sóc Trăng) có con 2 tuổi đang cùng chồng sinh sống trên thuyền ở đây than: “Có con nhỏ cũng cực lắm, sông nước nên vừa bán vừa lo cho nó, xung quanh thuyền thì phải dùng cây gỗ đóng cao lên để nó khỏi rơi nhào xuống kênh”.
Khi được hỏi có thường về quê không, đa số các hộ gia đình đều cho câu trả lời chung là không. Anh Liêm trầm tư: “Mỗi lần về quê đâu phải ít tiền, phải bạc triệu trở lên nên ở đây ai cũng về ít lắm, năm vài lần, chỉ đám tiệc hay dịp gì quan trọng thôi. Nhà cửa dưới đó thì đã có nhờ người trông coi giúp”.
Nghe anh Liêm nói, một đứa nhỏ chen vào: “Về quê chơi sướng lắm, rộng mênh mông, còn ở đây nếu không bán hay hết hàng thì chỉ có ở trong thuyền xem ti vi lâu lâu mới được đi chơi”.

Giúp đỡ các em đến lớp
Trao đổi với chúng tôi về những mảnh đời trôi dạt ở khu “chợ nổi” dưới chân cầu Tân Thuận, Phó chủ tịch UBND P.Tân Thuận Tây (Q.7) Lê Thị Thanh Huyên, cho biết: “Tuy đa số trẻ ở khu vực chợ nổi này đều đến từ những nơi khác, không thuộc sự quản lý của phường nhưng chúng tôi vẫn tạo điều kiện để giúp đỡ các em được đến lớp, biết được con chữ như mọi người. Điển hình của hoạt động này là việc tổ chức lớp học tình thương cho trẻ tại Trung tâm học tập cộng đồng của phường”.

Lương Ngọc

No comments:

Post a Comment