Monday, February 24, 2014

Lãng phí là có tội



banh_chung
Bánh chưng, giò lụa đổ đi
Các cụ nhà ta vẫn khuyên: “Học ăn, học nói học gói học mở”, học cách chi tiêu cho thiết thực, dùng tới đâu sắm tới đó, chứ đừng nên phung phí, sắm cho oai. Bởi lãng phí như thế là có tội!
Sau tết Giáp Ngọ vừa rồi, những công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác ở thành phố Hà Nội kể rằng, hằng ngày có bao nhiêu bánh chưng, giò chả, thịt thà bị đổ vào thùng rác. Và những người chứng kiến ở các bãi rác của thủ đô cũng phải sửng sốt trước lượng thực phẩm bị đổ đi tràn ngập, tính đến con số hàng ngàn cái bánh chưng và gà luộc nguyên con. Thật quá lãng phí!
Tại sao lại có nghịch cảnh chướng tai gai mắt đến như vậy? Và người đổ bỏ thực phẩm dư thừa ấy, họ là ai? Chắc chắn phải là những người nhiều tiền, lắm của và những quan chức được cấp dưới biếu xén nhiều.
Mấy năm nay, kinh tế suy thoái, đời sống người lao động vô cùng chật vật. Hàng triệu người lao động phải thắt lưng buộc bụng, lo chạy bữa ăn hàng ngày. Tết đến, họ chỉ làm sao lo có được cân thịt, vài cái bánh chưng để đủ ăn trong 3 ngày tết. Nhiều người xa quê còn không có đủ tiền mua vé tàu xe để về đoàn tụ với gia đình. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cơ quan cũng không có tiền thưởng tết cho công nhân viên. Đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp điệp khúc buồn vì kiếm ra đồng tiền khó quá. Thế mà lại có chuyện “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” trong bối cảnh hiện nay.
Báo chí đưa tin trên 20 vạn người lao động không có thưởng tết, có người được thưởng khoản tiền chỉ đủ mua một con gà, một cặp bánh chưng.
Từ lâu nay, dân ta vẫn thường khuyên nhau: “Ăn đến đâu thì mua sắm đến đó”. Cơ chế thị trường, chỗ nào cũng có chợ, thực phẩm bán la liệt suốt ngày; siêu thị mở cửa tới 21giờ; chỉ nghỉ có ngày mồng Một tết. Vậy tại sao cứ phải mua dự trữ cơ man thực phẩm trong nhà để đến mức ôi mốc rồi đổ đi? Chẳng lẽ cái tâm lý đói ăn thiếu mặc thời bao cấp vẫn còn đeo đẳng, ám ảnh đến bây giờ hay sao mà nhiều gia đình lúc nào cũng như sợ đói, không kiếm ra miếng gì ăn trong ngày tết?
Nghĩ đến thời bao cấp khốn khó 30 năm về trước thì đến cuối năm, ai cũng lo kiếm cho được một số loại thực phẩm đặc trưng để ăn tết. Dân gian có câu “Đói ngày giỗ cha, no 3 ngày tết”. Ngày giỗ cha mẹ mà lo được cơm cúng các cụ và mời họ hàng đến ăn uống được đầy đủ là cả một sự nỗ lực lớn. Nhà nào cũng ăn dè hà tiện mấy tháng trời mới làm được giỗ; thậm chí còn phải đi vay mượn. Và đám trẻ con cũng khó được ăn uống no nê thỏa mãn trong những ngày nhà có giỗ ấy. Được gặm cái chân gà là đã cảm thấy sung sướng lắm rồi. Còn bây giờ, cuộc sống đã nâng cao, nhiều gia đình kinh tế khấm khá, bữa ăn quanh năm như ngày tết trước đây. Và với chế độ ăn uống ấy, lúc nào những người này cũng cảm thấy bão hòa về chất dinh dưỡng, nhìn thấy mâm cao cỗ đầy là dửng dưng. Thế thì việc gì phải tập trung mua sắm quá nhiều thực phẩm vào ngày tết nữa để dư thừa đổ đi?
Thời bao cấp, trẻ con chỉ mong nhà có khách để được ăn một bữa no. Các cơ quan, đơn vị cũng chỉ nhân dịp tổng kết, mừng công để có cớ giết gà, mổ lợn. Thế mới có nhiều chuyện cười ra nước mắt về việc được ăn chiêu đãi. Có người lâu ngày được bữa “ấm chân răng” nên sau bữa ăn đã phát ốm.
Châm ngôn có câu: “Tham thực cực thân”. Đâu phải có điều kiện mua sắm nhiều, ăn nhiều thực phẩm đã tốt. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Vài chục năm nay, do đời sống nâng cao, đã bao người mắc bệnh béo phì, mỡ máu, gút… mà các bác sĩ thường gọi là “bệnh nhà giàu”. “Bệnh từ miệng mà ra” nên ai thấm nhuần được điều đó thì không thể cố nhồi nhét để mua bệnh vào thân.
Còn một nguyên nhân sâu xa nữa là người Việt ta vốn có tính sĩ diện, thích oai, đua đòi; cái gì cũng phải to, phải nhiều; cái gì cũng phải chứng tỏ ta đây hơn người. Các cụ chê trách “trưởng giả học làm sang” là ở chỗ ấy, cái gì cũng cố để hơn người, không cần biết có dùng hết không, ăn hết không. Nhà người ta có thì mình cũng phải có, thậm chí còn phải có nhiều hơn mới yên tâm. Trong tiếp khách, tâm lý chủ nhà bao giờ cũng sợ thiếu cỗ, để khách phật lòng. Vì vậy, bao giờ cơ số cỗ chuẩn bị cũng phải gần gấp đôi số cần thiết. Tàn tiệc rồi thì thức ăn trên mâm vẫn còn tới một nửa. Trái hẳn với các nước phát triển và giàu có hơn ta. Họ chỉ chuẩn bị món ăn đủ mời khách và ăn hết chứ không có chuyện thừa mứa đổ đi.
Xoi_va_ca_4
Xôi, thịt bỏ phí
Đến bây giờ, một số vùng quê vẫn còn duy trì cái lệ “ăn cỗ, lấy phần”. Dù là giỗ tết hay ma chay, cưới xin, bao giờ trên mâm cũng có những túi nilon. Thực khách ăn cỗ chỉ nhắm vào những món ướt như xào, canh, rau; còn nhưng món khác như thịt gà, giò chả, xôi, trứng vịt lộn thì chia nhau mang về cho con cháu. Bởi mỗi nhà chỉ có một người được mời ăn cỗ, họ phải lấy phần cho những người khác ở nhà. Nghĩa là ngày thường, họ mấy khi được ăn miếng ngon.
Tập quán của người Việt ta từ xa xưa tới nay thường tâm niệm rằng, làm ra 10 đồng thì chỉ dám tiêu 5 đồng, để dành 5 đồng phòng khi có việc đại sự hay phải chi tiêu đột xuất, lúc ốm đau. Người dân vốn hay lam hay làm, lo vun vén tiết kiệm, “tích cốc phòng cơ”. Thế mà bây giờ lại nỡ đem đổ bánh chưng, gà luộc, giò cây vào thùng rác thì hỏi họ có còn là người Việt nữa không?
Bánh chưng, con gà được cho là những sản phẩm quý báu, không thể thiếu trên ban thờ tổ tiên của người Việt. Đó là mồ hôi, công sức của người nông dân hai sương một nắng làm ra. Đó là những phẩm vật dâng lên tưởng nhớ tổ tiên vào dịp lễ tết, không ai được phép coi thường. Từ ngàn xưa ông cha đã dạy: Hạt cơm là của ngọc thực. Để rơi một hạt cơm là có tội với trời đất, huống chi… Thật không thể chấp nhận được sự phung phí của cải một cách thiếu văn hóa như thế. Đó là cách hành xử của những người không biết quý trọng thành quả lao động!
Những người ấy có nghĩ tới những lúc khó khăn, miếng ăn quý như vàng không hay họ chưa bao giờ biết đến sự đói khát của một thời khốn khó. Bây giờ, cho dù đất nước đã đổi mới song cuộc sống nhiều nơi vẫn còn rất khó khăn; đồng bào ta còn bao người đói cơm, rách áo; tại sao đã nỡ coi thức ăn như phân như rác?
Đành rằng, những người đổ bánh chưng, gà luộc nói trên là những sản vật họ được biếu xén hoặc mua bằng tiền của họ. Nhưng có những đối tượng là quan chức quyền cao chức trọng, ngày tết được biếu quá nhiều, cho anh em họ hàng cũng chưa hết nên mới dư thừa như thế. Một bác nông dân kể rằng, con bác là cán bộ công tác ở Hà Nội, về quê ăn tết. Dù số quà biếu đã được anh “phân phối lại” rồi mà khi về quê, anh còn mang theo 9 con gà và 14 cái giò các loại. Với những cán bộ “chở củi về rừng” như thế, nếu ở lại ăn tết ở Hà Nội thì chắc chắn cũng phải đem đổ ra xe rác khá nhiều thực phẩm.
Các cụ nhà ta vẫn khuyên: “Học ăn, học nói học gói học mở”, học cách chi tiêu cho thiết thực, dùng tới đâu sắm tới đó, chứ đừng nên phung phí, sắm cho oai. Bởi lãng phí như thế là có tội!
THEO PETROTIMES

No comments:

Post a Comment