Ông Nhất, chủ blog có tiếng 'Một góc nhìn khác' bị bắt hôm 26/5/2013 tại Đà Nẵng vì có "hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự."
Ông bị tạm giam từ đó tới nay.
Luật sư Trần Vũ Hải đại diện cho ông xác nhận với BBC ông Nhất sẽ ra tòa với tội danh này.
Theo luật sư Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải, thân chủ của ông "sức khỏe và tinh thần đều tốt".
"Ông Trương Duy Nhất vẫn khẳng định mình vô tội, và các quan điểm trong các bài viết của ông chỉ là quan điểm cá nhân."
Blog 'Một góc nhìn khác' của ông Nhất được bắt đầu từ năm 2011, trong có nhiều bài chỉ trích đích danh các lãnh đạo Việt Nam.
Ông từng chê Chủ tịch nước Trương Tấn Sang "hèn hạ" khi không dám nêu đích danh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người bị Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật tại Hội nghị Trung ương 6 hồi cuối năm 2012. Ông Sang gọi người bị đề nghị kỷ luật là "đồng chí X".
Ông Nhất cũng kêu gọi ông Nguyễn Bá Thanh từ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương sau khi Ban chấp hành Trung ương bác đề nghị đưa ông vào Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 7 hồi đầu tháng này.
Ông Nhất là một nhất trong số hàng chục cây viết mà Việt Nam đã bắt giam trong vài năm qua.
Một blogger nổi tiếng khác, ông Phạm Viết Đào, cũng bị bắt theo điều 258 vào tháng 6/2013 nhưng hiện chưa có ngày xét xử.
'Nói thẳng suy nghĩ của mình'
Luật sư Trần Vũ Hải cho hay thân chủ của ông đã yêu cầu triệu tập người bị hại tới phiên xử và việc này đang được tòa xem xét.
Ông nói: "Trong một số vụ án xử theo điều 258, như vụ Đinh Nhật Uy ở Long An, tòa đã cho triệu tập người bị hại."
"Tôi nghí rằng ở Việt Nam pháp luật là nhất quán."
Tuy nhiên không rõ tòa sẽ quyết định thế nào nếu như các bị hại lại là lãnh đạo cấp cao của Đảng CSVN và chính phủ.
Ông Trương Duy Nhất, 50 tuổi, từng làm việc tại các báo Công An Quảng Nam-Đà Nẵng và Đại Đoàn Kết trước khi chuyển sang viết blog để "có thể nói thẳng những suy nghĩ của mình".
Năm 2011, ông giải thích: "Trong nhiều năm liền, với chức phận là một nhà báo ăn lương, tôi luôn phải viết cả những điều không muốn viết".
"Đó là những bài báo viết không cần suy nghĩ, không động não, không tư duy, viết khoán cho đủ chỉ tiêu bài vở nhận lương hàng tháng. Những bài báo vô thưởng vô phạt mà tự thân mình phải xấu hổ khi núp dưới bút danh khác."
"Nhưng: làm báo chả lẽ mãi như vậy? Trên trang blog của mình, tôi đã nhiều lần treo câu này 'Nếu không có quyền nói (viết) tất cả những điều mình muốn, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói'. Đó là câu của cụ Huỳnh Thúc Kháng, người sáng lập đồng thời là chủ nhiệm tờ báo Tiếng Dân, sau này cụ được Hồ Chí Minh cử làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa."
"Tôi đã chọn cách của cụ Huỳnh trong nhiều năm khi giữ cho mình cái quyền 'không nói (viết) những điều người ta ép buộc nói'."
"Nhưng đã đến lúc tôi chọn phương cách khác, lắc đầu nói không với cụ Huỳnh: Nếu không có quyền nói (viết) tất cả những điều mình muốn, thì... nghỉ làm báo để viết được những điều mình cần viết!”
Blog của ông thuộc loại có số người truy cập lớn nhưng đã không thể truy cập được từ khi ông bị bắt.
Được biết ông Nhất đã nhiều lần bị Bộ Công an Việt Nam gây sức ép về những gì ông viết trên blog.
No comments:
Post a Comment