Sunday, March 16, 2014 2:46:47 PM
NVO-Tình hình chính trị quân sự của Ukraine hiện còn rối ren, bất ổn. Nội chiến có thể xảy ra đồng thời sự can thiệp nước ngoài cũng là mối đe dọa không nhỏ. Do đó, khó biết sẽ có một giải pháp nào đem lợi ích cho quốc gia. Tưởng cũng nên tóm lược vị thế của Ukraine và những diễn biến tình hình do biểu tình bạo động và lệnh nổ súng giết hơn 80 người đối lập, buộc Quốc Hội phải biểu quyết truất phế Tổng Thống Viktor Yanukovych. Cũng nhân cơ hội này thử so sánh Việt Nam có những điểm nào tương đồng với Ukraine.
Hành động của Nga, và phản ứng của các nước Tây phương, của Liên Hiệp Quốc sẽ là một giải đáp khuôn mẫu cho những trường hợp tương tự trên thế giới sau này.
Ukraine là một quốc gia Trung Âu, có diện tích 603,700 cây số vuông, lớn gần bằng hai Việt Nam với 331,212 cây số vuông. Ukraine giáp ranh với Nga, Ba Lan, Hungary, Roumania và nằm cạnh bờ Biển Ðen. Ukraine có 48 triệu dân, trong đó có 17.3% là người Nga và nhiều dân Ukraine có quốc tịch Nga. So với Việt Nam có 93 triệu dân, nhiều bằng hai lần dân Ukraine (trong số đó không biết có bao nhiêu người Tàu kể từ khi Hà Nội bỏ ngỏ, rước người Hoa sang không cần giấy tờ hộ chiếu). Ngôn ngữ chính thống 76% tiếng Ukraine 24% tiếng Nga. Ngày nay tại Việt Nam nhà nước có chương trình dạy tiếng Hoa cho học sinh Việt.
Năm 1922, Ukraine là một trong các nước sáng lập Liên Bang Sô Viết, khi Liên Sô sụp đổ Ukraine trở thành quốc gia độc lập chủ trương xây dựng dân chủ và kinh tế thị trường nhưng vì vướng mắc quan niệm và tổ chức kinh tế chỉ huy của cộng sản nên sự phát triển kinh tế lai căng không thể vươn lên được. Tổng sản lượng quốc gia Ukraine chỉ được khoảng 312 tỷ Mỹ Kim, thấp nhất Âu Châu. Ðã vậy còn phải nhập cảng hầu hết năng lượng từ dầu hỏa đến khí đốt do Nga chủ động cung cấp. Ðó là một nguồn sinh tử cho kỹ nghệ và đời sống của người dân Ukraine, một yếu tố lệ thuộc nặng nề. Bởi vì mỗi khi có sự bất đồng chính trị hay thiếu hụt ngân khoản thì bị Nga đe dọa cúp hợp đồng bán dầu khí.
Ngoài ra còn sự lệ thuộc trực tiếp vì đã nằm trong khối Sô Viết từ 1922 đến khi Liên Sô sụp đổ 1991. Riêng Việt Nam cũng bị lệ thuộc gián tiếp vào Trung Quốc bằng sự viện trợ người và thiết bị chiến tranh từ 1949 đến 1975.
Tổng Thống Viktor Yanukovych xuất thân từ một gia đình nghèo ở vùng Donetsk, từng bị tù hai lần vì tội hình sự. Ông chấp nhận làm con cờ của Tổng Thống Nga Vladimir Putin đổi lấy sự ủng hộ và bao che để cầm quyền cai trị Ukraine. Gần đây tại phiên họp Ủy Ban Hợp Tác Liên Chính Phủ, Nga và Ukraine ký 14 văn kiện hợp tác mà Tổng Thống Putin khẳng định rằng, “Nga và Ukraine là đối tác chiến lược, gắn bó với nhau bằng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác chặt chẽ cùng có lợi trong nhiều lãnh vực.”
Cũng giống như giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam xuất thân bần cố nông ba đời, và tại hội nghị Thành Ðô giữa Trung Quốc-Việt Nam đã có thỏa thuận bí mật nên Hồ Cẩm Ðào mới xướng ra 16 chữ vàng và 4 cái tốt, buộc các nhà lãnh đạo cộng sản Hà Nội học nằm lòng các chữ “hợp tác toàn diện... tiến tới tương lai” và cùng nhau khai thác đáy biển Hoàng Sa, đôi bên đều có lợi.
Tuy nhiên, có điều khác biệt là các nhà lãnh đạo Trung Quốc thuộc nền văn hóa “hối lộ và mua chuộc” nên dùng đô la và mỹ nữ chiêu đãi các Ủy Viên Bộ Chính Trị Việt Nam còn Vladimir Putin, trùm mật vụ cũ của Liên Sô với bản chất cứng rắn và tàn nhẫn, xem Yanukovych như tôi tớ, theo ký giả Jean Baptiste Naudet thì Putin khinh rẻ và hạ nhục Yanukovych bằng cách để ông ta chờ đợi cả bốn tiếng đồng hồ mới cho gặp mặt. Cũng theo ký giả Naudet tham nhũng là vi trùng thúi thịt thúi xương (bệnh Gangrène) làm hư nền kinh tế Ukraine, y hệt như tham nhũng làm quốc gia Việt Nam trên bờ vực vỡ nợ. Mặt khác ông Yanukovych xây dựng một dinh thự sang trọng ngoài mức tưởng tượng của dân nghèo, cũng như dân oan Việt Nam choáng váng mặt mày khi nhìn hình ảnh các dinh thự của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ Tịch Nước Lê Ðức Anh và Tổng Thanh Tra Trần Văn Truyền ở Việt Nam.
Trước sự bất ổn gần như đại loạn quốc gia giữa phe thân Nga mà Yanukovych đại diện và phe đối lập đang nắm quyền bằng cuộc nổi dậy mới đây cùng với chủ trương ly khai khu tự trị Crimée có sự hỗ trợ quân sự của Nga, Putin tuyên bố quân đội Nga có quyền bảo vệ an ninh và sức khỏe của người Nga tại Ukraine. Quốc Hội Nga cũng đã cho phép ông Putin sử dụng quân đội đối với Ukraine. Trong khi đó ngày 2 tháng 3, 2014 tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi Nga rút quân về các cơ sở quân sự Nga tại Crimée. Cùng ngày ông Obama có điện thoại cho tổng thống Pháp Francois Hollande và thủ tướng Canada ông Stephen Harper, ba vị đều tán đồng quan điểm nói trên. Trước đó ngày 28 tháng 2, 2014, ông Obama cũng nói rằng sự can thiệp của Nga “sẽ phải trả giá”, điều mà Quốc Hội Nga cho là Mỹ sỉ nhục Nga quốc. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-Moon kêu gọi Tổng Thống Putin thương lượng gấp với các nhà lãnh đạo mới Ukraine, Tổ Chức Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tuyên bố “Nga phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Thế giới đang chờ xem nội chiến Ukraine sẽ bùng nổ, khi Kiev ban bố lệnh tổng động viên và Crimée đòi độc lập, hay là Nga xâm chiếm Crimée để cố giành giữ hải cảng Sepastobol, hay là Tây phương can thiệp để bảo vệ luật pháp quốc tế, hoặc là sẽ có một vụ dàn xếp hòa bình đem lại quyền tự do và toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Phương thức, mẫu mực và tính chất của một giải pháp áp đặt tại Ukraine, thực tế sẽ có ảnh hưởng và tác dụng cho tương lai các nước nhược tiểu, đặc biệt đối với Việt Nam.
Dư luận thế giới còn đang hoang mang về tình hình chính trị quân sự tại Ukraine. Có lẽ phải chờ đến sau ngày16 tháng 3, 2014, quốc hội khu tự trị Crimée (Crimea) quyết định trưng cầu dân ý mới có thể nhận định những biến chuyển sau đó. Hiện tại hai phe thân và chống Nga vẫn tiếp tục biểu tình bạo động ở Ukraine, trong khi đặc phái viên của tổ chức Bắc Ðại Tây Dương (OTAN) được phái đến Crimée quan sát, bị lính Nga chặn không cho vào, các cơ sở quân sự của Ukraine tại bán đảo này bị quân đội Nga cấm cửa, Mỹ và Tây phương tiếp tục cảnh cáo Nga, hô hào sẽ trừng phạt.
Ngày Chủ Nhật 9 tháng 3, 2014, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimée sẽ là hợp pháp. Trong khi bà thủ tướng Ðức Angela Merkel nói với ông Putin, qua điện thoại, rằng bà xem cuộc bỏ phiếu đó là phi pháp. Cùng ngày 9 tháng 3, các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Âu (EU) bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về hành động vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế của Nga, và khẳng định sự hỗ trợ của họ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời cảnh cáo Moscou sẽ phải chịu sự trừng phạt nếu quân đội Nga chiếm Crimée. Mỹ khuyến cáo, bất kỳ động thái nào sát nhập Crimée vào Nga sẽ đóng sập cánh cửa ngoại giao giữa hai nước Mỹ-Nga. Ðồng thời Ngoại Trưởng John Kerry cũng nói với người đồng sự Nga Sergei Lavrov rằng: “Crimée là một phần lãnh thổ của Ukraine.” Thủ Tướng David Cameron lên án những hành động vừa qua của Nga, khiến Anh Quốc và Châu Âu “không thể quan hệ bình thường với Nga.”
Ngay cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng xác nhận với Tổng Thống Barack Obama và thủ tướng Ðức Merkel, qua điện thoại, Trung Quốc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, ông vẫn muốn có giải pháp chính trị và ngoại giao, bởi vì theo ông, trừng phạt không phải là biện pháp hay nhất để giải quyết xung đột.
Ngược lại Nga tố cáo Hoa Kỳ và Liên Âu can thiệp vào Ukraine để chiếm ưu thế về địa bàn chính trị. Trong khi Tổng Thống Putin vẫn một mực tuyên bố Nga bảo vệ 17,3 triệu dân Nga ở Ukraine mà đa số cư ngụ tại Crimée và người dân ở đây sử dụng tiếng Nga.
Tưởng cũng nên nhắc lại, trước đây từ ngày 18 tháng 10, 1921 Crimée thuộc lãnh thổ của Liên-Sô. Dưới thời Tổng Bí Thư Nikita Khroutchew người gốc Ukraine lãnh đạo Sô-Viết, ông đã chuyển vùng Crimée cho bang Ukraine vào năm 1954, bằng một quyết định hành chánh đơn giản. Trong bối cảnh Ukraine vẫn là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô-Viết thì người Nga bản địa ở Crimée không hề cảm thấy họ bị tách rời khỏi quê hương. Sau khi Liên-Sô sụp đổ đa số người Nga ở Crimée bỗng nhiên trở thành người nước ngoài, vì Ukraine tuyên bố độc lập với bán đảo Crimée là khu tự trị. Từ đó vấn đề Crimée trở về với Nga hay độc lập tách rời khỏi Ukraine mới được đặt ra. Dư luận cho rằng thực tế Nga xem Crimée như Trung Quốc xem Ðài Loan.
Người ta còn nhớ năm 2008, Tây phương đã thất bại không ngăn cản được Nga tấn công chiếm lấy các tỉnh ly khai của Georgia thì bây giờ Tây phương cũng khó có thể ngăn cản Nga sát nhập Crimée vào lãnh thổ của mình. Nhìn chung tình hình tại Crimée biến chuyển đang có lợi cho Nga qua cuộc trưng cầu dân ý mà người ta đoán biết trước sẽ thuận theo Nga, một phần do quân Nga hiện diện và đa số cư dân là người Nga, hoặc dân Ukraine có quốc tịch Nga hay thân Nga. Mặc dù trên lý thuyết Nga đang vi phạm luật lệ quốc tế khi đưa quân bám sát biên giới Ukraine và ra lệnh cho đội quân Hắc Hải đóng tại cảng Sebastopol, phong tỏa các căn cứ quân sự của Ukraine và Quốc Hội Crimée.
Do đó tổng thống lâm thời Ukraine, ông Olexandre Tourtchinov cảnh cáo Nga rằng mọi sự di chuyển quân của hạm đội Hắc Hải ra khỏi căn cứ sẽ bị xem là “hành động xâm lược quân sự.” Lời cảnh cáo đó chưa có phản ứng kèm theo, ngoại trừ việc tuyên bố tổng động viên và yêu cầu Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu can thiệp. Tuy nhiên, theo nhà báo Fred Kaplan thì ông Putin bất chấp những đe dọa của Tây phương, bởi vì Kaplan đặt câu hỏi: Âu Châu và Mỹ có sẵn sàng khai chiến với Moscou không? Và ông trả lời: “Ða số người Mỹ và Âu Châu sẽ không chấp nhận hy sinh lớn lao để bảo vệ Ukraine.” Vậy thì tại sao Tổng Thống Obama dám cảnh cáo, nếu Nga chiếm Crimée thì “sẽ phải trả giá.” Thử hỏi ông Obama có những phương tiện nào để buộc Tổng Thống Putin phải từ bỏ quyền lợi của mình? Bởi lẽ dân chúng Mỹ và Âu Châu không thể hy sinh chỉ vì quyền lợi của Ukraine.
Ngoài ra nếu là chiến tranh kinh tế thì đôi bên đều chịu thiệt hại nhiều, Châu Âu thiếu hụt 30% khí đốt do Nga cung cấp qua đường ống dẫn từ Ukraine, phần Nga mất tất cả tiền đầu tư của Mỹ và Âu Châu.
Hôm Thứ Sáu 8 tháng 3, 2014, Hiệp Hội Các Doanh Nghiệp Châu Âu (AEB) hoạt động tại Nga ra thông cáo kêu gọi các bên “đối thoại xây dựng” vì quan hệ kinh tế song phương tùy thuộc nhau quá lớn.
Một chuyên viên ngân hàng Ðức, ông Berrenberg cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ gây thiệt hại cho phương Tây ít hơn là Nga, bởi vì tăng trưởng của Nga chỉ là 1,3% trong năm 2013 và nguồn vốn đầu tư giảm mạnh khoảng 17 tỷ Mỹ kim.
Nhiều người tỏ vẻ lạc quan cho rằng bài học Ukraine sẽ có lợi cho Việt Nam bởi vì sự nổi dậy chống độc tài tham nhũng, lật đổ bạo quyền đang có được sự ủng hộ và can thiệp của Tây phương, đó là một lợi thế nếu dân mình cũng nổi dậy xóa bỏ chế độ Hà Nội. Xét cho cùng, bài học đó khó thực hiện, bởi vì điều kiện và vị thế chính trị kinh tế khác nhau rất nhiều so với Ukraine. Tuy nhiên, lúc nào ta cũng phải ước mơ dân mình sẽ làm một cuộc cách mạng “Màu Cam” xóa bỏ chế độ độc tài bán nước.
Thực tế nhiều thập niên qua dân ta chịu sự áp bức gần như đã quen thuộc, thêm vào đó cảnh nghèo khó cột buộc người dân vào “miếng cơm manh áo,” không còn tim óc và hơi sức đòi tự do chống độc tài.
Ngoài ra nếu cần phải hy sinh đổ máu lâu dài, mấy ai dám bỏ mặc gia đình khi mình phải hy sinh mất mạng. Trừ khi có một nhà lãnh đạo nào đầy đủ uy tín, một giáo sĩ nào được dân tin như cựu Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đứng ra hô hào quần chúng nổi dậy thì người dân mới sẵn sàng hy sinh chết vì chính nghĩa. Hay là một đảng viên cao cấp, một tướng lãnh yêu nước chống Trung cộng xâm lăng làm một cuộc chính biến lật đổ chế độ. Lúc đó bọn thái thú tay sai sẽ chạy sang Tàu cầu cứu, như Tổng Thống Ukraine bị lật đổ, ông Vladimir Yakunovych đã cầu cứu Nga. Trung Quốc cũng sẽ viện lý do bảo vệ người Hoa đang tràn ngập đất nước do nhà cầm quyền Hà Nội cho họ tự do xâm nhập, cũng giống như Putin tuyên bố chiếm Crimée để bảo vệ người Nga. Và chừng đó thế giới cũng sẽ rầm rộ ủng hộ, cũng sẽ hô hào trừng phạt, nhưng thực tế sẽ không có dân chúng nước nào chấp nhận chết giùm người nước khác nếu thật sự quyền lợi và an ninh của chính nước họ không bị trực tiếp đe dọa.
Ngày xưa Nam Việt Nam là “tiền đồn” chống cộng vì Mỹ sợ kẻ thù cộng sản tràn ngập, thế giới tư bản của Mỹ và Tây phương sẽ bị thiệt hại. Còn Bắc Việt Nam làm “nghĩa vụ quốc tế” tay sai cho Tàu và Liên-Sô để bành trướng chủ nghĩa cộng sản nhằm tiêu diệt kẻ thù tư bản, thêm vào đó Hồ Chí Minh cũng chủ trương chiếm trọn Việt Nam để thống trị bằng độc tài. Kết quả dân Việt chết oan uổng vì bị kẹt vào bối cảnh quốc tế tranh hùng.
Thế giới đã thấy Chiến Tranh Lạnh gây nhiều thảm họa, ngày nay một loại chiến tranh lạnh khác, cộng thêm chiến tranh khủng bố, nhân loại sẽ gặp nhiều tai ương hơn thời gian trước.
Ngày xưa chỉ có hai cường quốc Liên-Sô và Mỹ ngự trị toàn cầu. Hai khối tàng trữ một số vũ khí nguyên tử đủ khả năng tiêu diệt hàng triệu sinh linh như đã từng thấy qua Ðệ Nhị Thế Chiến. Vì vậy sự ganh đua bị kiềm chế trong lo âu và dè dặt tối đa. Người ta còn sợ một cơn bão từ trường (orage magnétique) có thể đánh động một cách sai lạc các máy móc canh phòng, gây hiểu lầm có sự tấn công bất ngờ của đối phương, do đó xảy ra chiến tranh ngoài ý muốn. Cho nên hai bên mới đặt “dây điện thoại đỏ” trực tiếp nối liền hai vị lãnh đạo John Kennedy và Nikita Kroutchev. Sự lo ngại công khai đó chứng tỏ không bên nào muốn có chiến tranh.
Ngày nay Mỹ có phần yếu đi vì kinh tế sa sút, Trung Quốc trỗi dậy với tham vọng sẽ đứng đầu thế giới áp đặt một trật tự thế giới mới. Nhật Bản hứa hẹn sẽ cân bằng lực lượng quân sự với Trung Quốc trong hai năm, nghĩa là trong năm nay. Nga đang tàng trữ một khối vũ khí hạch tâm đủ quét sạch một phần dân số thế giới. Liên Âu có Anh, Pháp, Ðức, những cường quốc nguyên tử. Các quốc gia gọi là “nguyên tử lực” hãy còn nhiều thành viên như Pakistan, Ấn Ðộ, có thể là Do Thái, Iran trên con đường muốn trở thành hội viên, Bắc Hàn tí hon huênh hoang ta đây cũng có vũ khí giết người hàng loạt.
Tóm lại bầu không khí chiến tranh sôi sục ở Biển Ðông, ở Ðông Âu, ở Phi Châu, không còn ai sợ ai, khắp nơi người ta chủ trương “ăn miếng trả miếng.” Do đó, nhân loại có thể gặp nhiều tai ương.
Võ Long Triều
No comments:
Post a Comment