18/03/2014 18:45
Tiếng “bíp” do chuyến bay mất tích MH370 phát ra khi chuyển hướng bay đã vượt qua ít nhất ba màn hình radar quân sự của Malaysia mà không ai chú ý. Khi đó, máy bay còn đang bay ngay trên bầu trời của một trong những thành phố đông đúc nhất của Malaysia.
Bên trong một phòng điều khiển thuộc không quân Malaysia bên bờ biển phía Tây của nước này, nơi những chiếc máy bay chiến đầu F-18 và F-5 do Mỹ sản xuất luôn trong tình trạng sẵn sàng cao cho tình huống khẩn cấp - 4 sỹ quan theo dõi màn hình radar đã không hề hay biết về chuyến bay khác thường.
“Không ai trong số họ để ý thấy tiếng ‘bíp’”, một nguồn tin thân cận cho biết. “Cứ như thể không phận chẳng liên quan gì tới họ”.
Một máy bay của Malaysia Airlines
Theo tờ New York Times, đây không phải là sai lầm đầu tiên mà chắc chắn không phải là sai lầm cuối cùng mà Chính phủ Malaysia mắc phải trong cuộc tìm kiếm chuyến bay mất tích. Những sai lầm như thế khiến nỗ lực tìm kiếm tung tích của MH370 vốn đã khó lại càng khó hơn.
Hơn một tuần sau khi chiếc máy bay biến mất, dấu tích của nó càng trở nên mờ mịt. Diện tìm kiếm đã được mở rộng từ những đỉnh núi phủ tuyết trắng của dãy Himalaya cho tới miền Nam của Ấn Độ Dương bao la. Chưa rõ sự chậm trễ trong việc tìm ra dấu vết của máy bay sẽ ảnh hưởng ra sao tới tính mạng của 239 người trên máy bay, nhưng số sai lầm trong quá trình tìm kiếm đang tăng lên với tốc độ đáng kể.
“Việc MH370 bay ngay trên bầu trời của Malaysia mà quân đội nước này không phát hiện ra là rất lạ. Không chỉ lạ, điều này còn thực sự đáng trách và là một thảm họa”, ông David Learmount, biên tập viên về an toàn của Flightglobal, một trang tin tức và dữ liệu hàng không, nhận xét.
Các sỹ quan cấp cao của quân đội Malaysia chỉ nhận ra dữ liệu radar liên quan tới chuyến bay mất tích vài giờ sau đó, khi có tin một máy bay dân sự mất tích. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia lại tổ chức và giám sát một nỗ lực tìm kiếm quốc tế đầy phức tạp và tốn kém kéo dài suốt 1 tuần trên vịnh Thái Lan.
Chỉ cho tới buổi sáng thứ Bảy vừa rồi, Thủ tướng Malaysia Najib Razak rốt cục mới kết thúc việc tìm kiếm trên vịnh Thái Lan, sau khi thừa nhận thông tin mà giới truyền thông đã phát đi trước đó: Dữ liệu vệ tinh cho thấy, động cơ của máy bay mất tích đã hoạt động trong 6 giờ đồng hồ sau khi rời không phận Malaysia.
Việc tìm kiếm chiếc máy bay và xác định điều gì đã xảy ra trên chuyến bay giờ đã trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với trong trường hợp các tín hiệu được phát hiện sớm hơn. Nếu chiếc máy bay rơi xuống phía Nam của Ấn Độ Dương theo như nhận định của một số chuyên gia về hàng không, những mảnh vỡ nổ của nó có thể trôi xa hàng trăm dặm, khiến càng khó xác định đâu là vị trí các băng ghi âm và ghi dữ liệu buồng lái đã chìm.
Bên cạnh đó, các băng ghi này chỉ lưu được hai giờ hội thoại trong khoang lái, nên các bí mật được cất giữ trong đó có thể sẽ không nhiều.
Với quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp quanh MH370, lúc này chưa thể kết luận liệu hành động nào của Chính phủ hay quân đội Malaysia có thể đã làm thay đổi số phận của chuyến bay. Phản ứng trước cơn bão những lời phê bình, nhất là từ phía Trung Quốc - quốc gia có có công dân là hơn 2/3 hành khách trên chuyến bay mất tích, - Thủ tướng Nazib tuyên bố vào hôm thứ Bảy vừa rồi rằng, Malaysia không hề bưng bít thông tin, bao gồm cả các dữ liệu quân sự.
“Chúng tôi đã chia sẻ tất cả các thông tin theo thời gian thực với các nhà chức trách có kinh nghiệm cần thiết để phân tích các dữ liệu”, ông Nazib nói trong một bản tuyên bố bằng tiếng Anh tại một cuộc họp báo. “Chúng tôi đã làm việc không ngừng nghỉ để hỗ trợ cuộc điều tra, và chúng tôi đã đặt vấn đề an ninh quốc gia xuống dưới cuộc tìm kiếm chiếc máy bay”.
Malaysia Airlines cũng đưa ra một tuyên bố “tự vệ” tương tự vào chiều ngày thứ Bảy. “Xét tới bản chất và tính chất cực kỳ nhạy cảm của tình hình, điều quan trọng là những tín hiệu vệ tinh phải được xem xét và phân tích bởi các cơ quan hữu quan để hiểu đúng tầm quan trọng của các dữ liệu đó”, tuyên bố của Malaysia Airlines có đoạn viết. “Theo lẽ tự nhiên, việc này mất một số thời gian, và trong quá trình đó, chúng tôi không thể công khai xác nhận sự tồn tại của các dữ liệu này”.
Các chuyên gia về hàng không nói rằng, rất có khả năng một phi công được đào tạo kỹ lưỡng đã thực hiện một âm mưu phức tạp đối với MH370. Tuy nhiên, 1 tuần máy bay sau khi bị mất tích, cảnh sát Malaysia mới vào cuộc điều tra nhà riêng của cơ trưởng và phụ lái của chuyến bay. Theo thông tin ngày 17.3, cảnh sát cũng đã điều tra nhà riêng của Mohd Khairul Amri Selamat, một kỹ sư bay người Malaysia 29 tuổi là một trong số các hành khách có mặt trên chuyến bay mất tích.
Trong khoảng thời gian một tuần đó, những chứng cứ liên quan tới vụ máy bay mất tích, nếu có tại nhà riêng của những người này, có thể đã biến mất vì một lý do nào đó.
Hôm thứ Bảy, Thủ tướng Najib nói rằng, “nhà chức trách Malaysia đang chuyển hướng điều tra sang tập trung vào phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay”, nhưng cơ trưởng Zaharie vẫn chưa bị cáo buộc có hành vi sai trái nào. Đến nay, cũng chưa có thông tin nào được công bố về việc khám xét nhà riêng của các tiếp viên trên chuyến bay.
Trở lại thời điểm trước khi máy bay cất cánh, cơ quan xuất nhập cảnh Singapore đã để lọt ít nhất hai người dùng hộ chiếu bị đánh cắp lên máy bay, cho dù hộ chiếu đó đã có trong hồ sơ dữ liệu toàn cầu của cảnh sát quốc tế Interpol. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng người mang hộ chiếu đánh cắp có liên quan tới việc máy bay mất tích.
Tại căn cứ không quân ở Butterworth thuộc đại lục Malaysia, cách không xa đảo Penang ở phía bắc của eo biển Malacca, vào sáng sớm ngày thứ Bảy, một nhóm 4 sỹ quan đang theo dõi không phận của nước này. Tuy nhiên, cả 4 người trong số họ đều không để ý thấy, hoặc là thấy những không thông báo, về một tiếng “bíp” trên radar quốc phòng và radar không lưu di chuyển liên tục từ đầu Đông sang đầu Tây của đất nước.
Trên một màn hình radar quân sự khác ở Kota Bharu, gần hơn với nơi MH370 mất liên lạc với mặt đất, tiếng “bíp” cũng xuất hiện, nhưng cũng không có ai để ý. Tín hiệu này hoàn toàn bất thường, nhưng trong suốt quá trình chiếc máy bay đổi hướng và bay sang phía Tây, không một ai phát hiện và báo cáo về sự việc. Sau khi bay qua bầu trời Penang, khu vực chủ yếu là đô thị với hơn 1,6 triệu dân, chiếc máy bay thay đổi hướng bay và đi qua eo biển Malacca.
Sự tồn tại của liên lạc radar trên chỉ được phát hiện khi giới chức quân sự bắt đầu xem xét lại các băng ghi vào sáng sớm ngày 8.3, sau khi MH370 không hạ cánh xuống Bắc Kinh theo đúng lịch trình. Đến sáng ngày hôm đó, vài giờ đồng hồ sau khi có sự cố bất thường, người ta mới rõ là có chuyện không bình thường xảy ra.
Tướng Rodzali Daud, tư lệnh không quân Malaysia, lần đầu tiên công khai thừa nhận sự tồn tại của các tín hiệu radar vào hôm thứ Tư, tức là vào ngày thứ 5 sau khi máy bay mất tích. Ông Rodzali nhấn mạnh rằng, cần phải phân tích thêm về các dữ liệu này vì một ai đó trên máy bay đã cố tình tắt bộ phận liên lạc, khiến gặp khó khăn trong việc xác định đâu là vị trí nơi máy bay phát tín hiệu radar.
Thất bại trong việc xác định hướng đi bất thường của MH370 đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội cử một máy báy quân sự đến nhận diện và đưa chuyến bay trở lại đúng hướng đi của nó. Sau đó, trong suốt 5 ngày tìm kiếm, đội tìm kiếm đông đảo trong đó có cả hai tàu chiến của Mỹ dồn sự chú ý một cách lãng phí vào khu vực phía Đông bờ biển Malaysia, rất xa so với đường đi thực tế của máy bay.
Theo một nguồn tin thân cận, một ngày sau khi MH370 biến mất, tướng Rodzali đến căn cứ không quân Butterworth và mới được báo tin về tiếng “bíp” trên màn hình radar. Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đã tập trung mọi nỗ lực tìm kiếm vào Vịnh Thái Lan, nơi máy bay mất liên lạc với kiểm soát không lưu, để rồi không thể phát hiện thấy điều gì ở đây.
Theo VnEconomy
No comments:
Post a Comment